Năm 2030, xuất khẩu sẽ đạt 618 tỷ USD
Trong báo cáo nghiên cứu: “Tương lai của thương mại: Những cơ hội mới cho các hành lang tăng trưởng cao”, do Standard Chartered công bố, tổng kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 32.600 tỷ USD, với mức tăng trưởng 5%.
Các hành lang thương mại kết nối với châu Á, châu Phi và Trung Đông sẽ vượt tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu khoảng 4%, thúc đẩy tổng kim ngạch thương mại ở các khu vực này lên 14.400 tỷ USD chiếm 44% thương mại toàn cầu vào năm 2030.
Đáng lưu ý, theo báo cáo này, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 5%.
Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, bà Michele Wee cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu.
So với báo cáo do Standard Chartered phát hành năm 2021, tổ chức này dự kiến xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 535 tỷ USD vào năm 2030, thì chỉ sau 2 năm, mức dự báo đã tăng thêm 83 tỷ USD.
Ở chiều nhập khẩu, Standard Chartered ước đoán, tới năm 2030, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm. Như vậy, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn tiếp tục thặng dư, nhưng chủ yếu thuộc về khối doanh nghiệp FDI.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ vẫn là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong những năm tới. Ba thị trường này đã nhập khẩu từ Việt Nam 171 tỷ USD trong năm 2022. Bên cạnh đó, thương mại với Ấn Độ, Singapore và Indonesia được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2030.
Ngành xuất khẩu nào là chủ lực
Với hoạt động thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, Việt Nam nổi lên là địa điểm sản xuất quan trọng, thu hút vốn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU. Các lĩnh vực máy móc và thiết bị điện, dệt may, điện tử… sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào hoạt động xuất khẩu.
Theo bà Michele Wee, nhu cầu ngày một gia tăng của thế giới đối với các sản phẩm điện tử, hoạt động đầu tư và các sáng kiến về phát triển bền vững sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Năm 2022, riêng ngành điện tử đã đóng góp kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỷ USD trong tổng kim ngạch 371,3 tỷ USD của toàn nền kinh tế. Với các chính sách ưu đãi đầu tư, các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư trong ngành này là cơ sở để kim ngạch xuất khẩu còn tăng trưởng ấn tượng.
Động thái tích cực là Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có chuyến thăm tới Việt Nam từ ngày 22 đến 24/6, tháp tùng là các tập đoàn hàng đầu gồm: Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte. Cả 5 tập đoàn này đều đã đầu tư một lượng vốn lớn vào Việt Nam và đang chuẩn bị mở rộng đầu tư, trong đó, riêng Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD (2 tỷ USD đã đầu tư vào các dự án tại Thái Nguyên và TP.HCM). Dự kiến cuối năm nay, Samsung sẽ đưa vào sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn ở nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.
Trong khi đó, 2 ngành dệt may, da giày cũng góp trên 71 tỷ USD vào năm ngoái. Trong Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam, mục tiêu xuất khẩu đạt 108 tỷ USD vào năm 2030 cũng được ấn định.
Ngoài ra, là nền kinh tế có độ mở lớn, với 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực đã mang đến cho Việt Nam nhiều thuận lợi, giúp thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường chuỗi giá trị ở các lĩnh vực cũng như tạo ra nhiều việc làm.
Đánh giá về tác động của các FTA tới xuất khẩu, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: “Loạt FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP đã trải qua quá trình thực thi bước đầu, doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn những ưu đãi mang lại. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng thích ứng nhanh, linh hoạt trong đa dạng hóa thị trường”.
Chính những yếu tố trên đã tạo niềm tin để có thể lạc quan về triển vọng tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong tương lai.