Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhắc nhở doanh nghiệp bất động sản về tinh thần trách nhiệm khi thị trường khó khăn mà vẫn giữ nguyên giá bán nhà. Dù vấn đề cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm đã được Thủ tướng đưa ra tại 2 hội nghị về bất động sản, nhưng chưa được doanh nghiệp triển khai tích cực.
Bất động sản là lĩnh vực vô cùng quan trọng với nền kinh tế, liên quan trực tiếp tới 35 ngành nghề lĩnh vực, hệ số lan tỏa từ 0,5 đến 1,7 lần. Gỡ khó cho thị trường bất động sản cũng là gỡ khó cho nền kinh tế. Tuy vậy, đòi hỏi đặc quyền cho thị trường bất động sản là không hợp lý, nhất là khi cơ chế đó không mang lại lợi ích cho người nghèo, người thu nhập thấp.
Báo cáo của Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho người mua có nhu cầu ở thực. Cung nhà ở trên thị trường chủ yếu là nhà ở trung, cao cấp. Cơ cấu nhà ở phân khúc bình dân giảm từ mức 20% năm 2019 xuống dưới 5% hiện nay.
Không ít đề xuất đã và đang được doanh nghiệp bất động sản đưa ra, đặc biệt là cơ chế ưu đãi về tín dụng, về thủ tục… Nhưng các chuyên gia cho rằng, trước khi đòi hỏi cơ chế ưu tiên, doanh nghiệp bất động sản phải tự nhìn lại chính mình.
Số liệu thống kê cho thấy, bất động sản chiếm gần 1/4 tổng dư nợ của toàn nền kinh tế. Nói cách khác, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản đang ngồi chung một thuyền, ngân hàng cũng bị ảnh hưởng khi thị trường bất động sản quá nóng hay quá nguội.
Thực tế, do đầu tư dự án dàn trải, tập trung vào phân khúc cao cấp, doanh nghiệp bất động sản không chỉ đẩy mình, mà còn đẩy ngân hàng cho vay vào tình thế rủi ro. Bởi vậy, việc doanh nghiệp ngành này đẩy hết trách nhiệm cho Chính phủ, cho ngân hàng là không hợp lý.
Trên phương diện khác, câu hỏi đặt ra là, nếu Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận ban hành cơ chế ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp bất động sản, thì có gì đảm bảo rằng, nguồn vốn này sẽ chảy vào nhà giá rẻ, giá hợp lý, hay chỉ phục vụ các dự án thương mại của những “ông lớn”?
Bài học gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhà ở xã hội trước đây cho thấy, nếu không có các giải pháp đồng bộ, thì nhà ở xã hội, nhà giá rẻ “thiếu vẫn hoàn thiếu” và nguồn lực xã hội chỉ tập trung vào nhà ở thương mại. Hơn nữa, việc nới điều kiện tiếp cận tín dụng trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp bất động sản suy yếu là rất rủi ro.
Chắc chắn, các ngân hàng thương mại không thể quên bài học lịch sử giai đoạn 2009 -2011 khi một số ngân hàng phải trả giá đắt trong trung hạn, thậm chí có ngân hàng đứng bên bờ vực đổ vỡ sau khi dồn một lượng lớn tín dụng cho bất động sản do nợ xấu gia tăng.
Rõ ràng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là cần thiết, nhưng để thị trường phát triển lành mạnh, cần đảm bảo hài hòa quyền lợi của các bên, gồm chủ đầu tư, ngân hàng và người mua nhà.
Trước hết, Bộ Xây dựng phải theo dõi chặt diễn biến thị trường bất động sản, qua đó kịp thời tham mưu, đề xuất chính sách phù hợp, hiệu quả để thúc đẩy thị trường phát triển; phối hợp cùng các địa phương theo dõi chặt tiến độ triển khai dự án, tiến độ giải ngân vốn, phát hiện sớm khó khăn để kịp thời tháo gỡ.
Sau nữa, cần đề nghị các địa phương sớm công bố các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện triển khai vay vốn thuộc Chương trình Tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng, mở rộng điều kiện cho vay đối với gói tín dụng này. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, mỗi ngân hàng phải bố trí nguồn vốn riêng để tăng hỗ trợ cho vay nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội.
Cuối cùng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là nỗ lực tự cứu mình của chính doanh nghiệp bất động sản. Nếu lúc nào cũng đặt ra vấn đề “giải cứu”, thì họ sẽ ít có động lực giảm giá bán nhà.
Nói như Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, muốn thị trường bất động sản sôi động hơn, thì giá nhà phải hợp lý hơn. Nói cách khác, một thị trường chỉ có thể phát triển khi các bên cùng chấp nhận chia sẻ trách nhiệm, rủi ro và bài toán lợi ích hài hòa.