Các nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York (NYSE) ở thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 475,84 điểm, tương đương 1,24%, để chốt phiên giao dịch 12/4 ở mức 37.983,24. Tương tự, chỉ số S&P 500 giảm 1,46% còn 5.123,41 điểm. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite “bốc hơi” 1,62% còn 16.175,09 điểm.
Ngày giao dịch 12/4 có thời điểm chứng kiến Dow Jones giảm gần 582 điểm, tương đương 1,51%, còn S&P 500 giảm tới 1,75%.
Chốt lại tuần giao dịch, S&P 500 để mất 1,56% còn chỉ số Dow Jones lao dốc 2,37%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq ghi nhận mức giảm thấp hơn với mức 0,45%.
Đợt bán tháo cổ phiếu trong rổ S&P 500 diễn ra trên diện rộng. Vào phiên giao dịch chiều 12/4, có 476 giao dịch cuối cùng nằm trong vùng tiêu cực, theo dữ liệu của FactSet. Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều giảm điểm, trong đó nhóm vật liệu và công nghệ thông tin là những ngành giảm nhiều nhất.
Cổ phiếu của các ngân hàng lớn giảm sâu đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán Mỹ. JPMorgan nằm trong số những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất với mức giảm hơn 6% sau khi tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh quý I/2024.
Ngân hàng JPMorgan Chase cho biết thu nhập lãi ròng, thước đo chính để đánh giá những gì họ kiếm được thông qua hoạt động cho vay, có thể thấp hơn một chút so với những gì các nhà phân tích Phố Wall mong đợi vào năm 2024. Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon, lo ngại áp lực lạm phát dai dẳng sẽ đè nặng lên nền kinh tế Mỹ.
Cũng trong nhóm ngân hàng, cổ phiếu Wells Fargo giảm 0,4% sau khi báo cáo số liệu kinh doanh quý I, còn Citigroup giảm 1,7% mặc dù đạt doanh thu vượt mức.
Giá dầu tiếp tục tăng do xuất hiện thông tin cho rằng Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trực tiếp của Iran vào cuối tuần này và đây sẽ là đợt leo thang căng thẳng lớn nhất ở Trung Đông kể từ khi cuộc chiến Israel -Hamas bùng nổ vào tháng 10 năm ngoái. Giá dầu thô Mỹ hôm 12/4 đã ổn định ở mức 85,66 USD/thùng sau khi tăng trên 87 USD.
Căng thẳng địa chính trị, cùng với số liệu nhập khẩu mới của Mỹ, đã làm gia tăng lo ngại về lạm phát đang gây áp lực lên thị trường.
Ông Rob Haworth, nhà đầu tư cấp cao của công ty quản lý tài sản US Bank Wealth Management, cho rằng: "Chúng ta đang chứng kiến tâm lý lo ngại rủi ro hơn nữa khi bước vào cuối tuần. Bạn đang thấy xu hướng chuyển sang giao dịch an toàn, khi đồng đô la Mỹ mạnh hơn và chúng ta đang chứng kiến cổ phiếu bị bán tháo".
"Điều đó xuất hiện ngay sau dữ liệu lạm phát cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn khá nóng và lạm phát đang dai dẳng; đó là nguyên nhân khiến [các nhà đầu tư] thực sự điều chỉnh kỳ vọng của họ về Fed. … Đó là một số lý do khiến họ trở nên thận trọng khi bước vào cuộc chơi cuối tuần", ông Haworth cho biết.
Người tiêu dùng Mỹ cũng ngày càng lo lắng về áp lực lạm phát dai dẳng. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng trong tháng 4 đạt 77,9, thấp hơn ước tính đồng thuận của Dow Jones là 79,9, theo kết quả khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan. Kỳ vọng lạm phát trong năm tới và dài hạn cũng tăng lên, phản ánh sự thất vọng về lạm phát kéo dài.
Theo số liệu được Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ (BLS) công bố tuần này, chỉ số CPI tháng 3 của nước này đã tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 3.5% so với cùng kỳ, cao hơn dự báo trung bình của các chuyên gia lần lượt là 0.3% và 3.4%. Như vậy, lạm phát Mỹ đã tăng tốc trở lại khi chỉ số CPI tháng 3 cao hơn 0.3 điểm phần trăm so với tháng 2.