Thời sự
Lần đầu tiên một đại biểu quốc hội chủ trì xây dựng dự án luật
Mạnh Bôn - 17/02/2016 13:54
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đã đi tiên phong trong việc chủ động xây dựng luật pháp theo đúng thẩm quyền đã được hiến định: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội-TVQH”.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh trình bày Dự án Luật hành chính công

Sáng nay, tại Phiên họp thứ 45 của TVQH, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đã chính thức đề nghị bổ sung Dự án Luật hành chính công vào Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 11của Quốc hội khóa XIII. Mặc dù đánh giá rất cao nỗ lực, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của bà Khánh, nhưng cuối cùng, Dự án Luật hành chính công đã được bà Khánh dày công nghiên cứu, xây dựng trong suốt 4 năm qua đã bị gác lại.

“Luật hành chính công với điểm mới là tôn trọng, bảo vệ, thực hiện quyền con người, quyền công dân và kiểm soát quyền lực, còn tập trung đề xuất góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực tiễn thi hành pháp luật hành chính công đang là những rào cản, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp”, bà Khánh phát biểu đầy tâm huyết.

Nữ đại biểu đại diện cho cử tri TP. Hà Nội này rất khiêm tốn khi cho rằng, Luật hành chính công nếu được thông qua sẽ góp phần nhỏ bé vào việc tăng tính hiệu quả, tính năng động của nền hành chính. “Bên cạnh đó, Luật hành chính công còn nhằm khắc phục những bất cập, “lấp đầy”, một số khoảng trống pháp lý hiện nay trong quan hệ hành chính công.

Theo bà Khánh, Luật hành chính công đề cao nguyên tắc nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân. Trong đó, chú ý đến sự tiếp cận bình đẳng, đầy đủ, công khai, minh bạch của người dân và doanh nghiệp với các dịch vụ hành chính công.

“Việc Quốc hội xem xét, thông qua Luật hành chính công trong thời điểm hiện nay sẽ tạo ra hành lang pháp lý hữu hiệu, góp phần khắc phục những hạn chế hiện đồng thời tạo động lực cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân chung tay xây dựng nền hành chính minh bạch, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả”, bà Trần Thị Quốc Khánh, người đã từng là Đại biểu Quốc hội liên tục suốt từ khóa XI đến nay bày tỏ nguyện vọng.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, ông Phan Xuân Dũng cũng như các thành viên Ủy ban TVQH khác đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh trong việc chủ động xây dựng Luật hành chính công cũng như nội dung sơ lược của Dự thảo.

“Ban đầu khi mới tiếp cận với Dự thảo, tôi cũng rất băn khoăn, nhưng sau khi chỉnh lý, bổ sung từ hơn 100 điều xuống còn 60 điều như Dự thảo hiện hành, tôi thấy Dự thảo đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11”, ông Dũng bày tỏ quan điểm đồng tình nhưng cũng còn băn khoăn vì nếu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thì phải đến Quốc hội khóa XIV mới xem xét thông qua.

“Khi đó, nhiều đại biểu đồng tình không tham gia Quốc hội nữa, còn các đại biểu mới được bầu chưa biết quan điểm thế nào”, ông Dũng phát biểu.

Trưởng ban Dân nguyện, ông Nguyễn Đức Hiền cũng đồng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Dũng khi đề nghị bổ sung Luật hành chính công vào Chương trình làm việc của Kỳ họp Quốc hội thứ 11 vì cho rằng, đây là vấn đề hết sức quan trọng trong cung cấp dịch vụ hành chính công và mọi công tác chuẩn bị cũng như tài liệu về sự cần thiết ban hành Luật hành chính công đã tương đối hoàn thiện.

“Nhưng vấn đề là Dự án luật chưa xin ý kiến của Chính phủ. Để có thể trình được Dự án luật ra Quốc hội, đề nghị Ban soạn thảo sớm hoàn thành công đoạn này”, ông Hiền yêu cầu và tha thiết đề nghị TVQH cũng như các đại biểu Quốc hội ủng hộ vì lần đầu tiên một đại biểu đứng ra chủ trì xây dựng một dự án luật.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực của bà Khánh cũng như sự ủng hộ của một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không được TVQH đồng tình.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc một Đại biểu Quốc hội chủ động xây dựng luật là “dấu ấn” của Quốc hội nhiệm kỳ XIII, là “hiện tượng” trong công tác xây dựng lập pháp, nhưng chưa thể trình Quốc hội được vì còn rất nhiều vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu lại.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng lo ngại, hàng loạt dịch vụ công đang được xã hội hóa, rất nhiều dịch vụ hành chính công tiếp tục được xã hội hóa mà Dự thảo Luật hành chính công lại bao trùm lên toàn bộ hoạt động hành chính công thì sẽ cản trở tiến trình xã hội hóa. Các dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện đã được quy định bởi rất nhiều luật khác nhau như Luật công chức, Luật viên chức, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật thanh tra, Luật tố tụng hành chính… mà giờ lại thêm Luật hành chính công nữa thì sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành.

“Các đồng chí sốt ruột trước nền hành chính được cải cách chưa theo kịp sự phát triển nên quyết tâm xây dựng Luật hành chính công. Ý tưởng là tốt, nhưng quan điểm, nội dung của Dự thảo lại rất mơ màng, trùng lắp với các luật khác, không có tính khả thi. Vì vậy Dự thảo và các tài liệu phục vụ xây dựng Luật hành chính công chỉ có ý nghĩa nghiên cứu, tham khảo chứ không thể trình Quốc hội cho ý kiến được”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Kết luận về Luật hành chính công, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, nếu được thông qua, Luật hành chính công sẽ chồng lấn lên hàng loạt luật khác, quy định trùng lặp với hàng loạt luật khác nên chưa thể đưa Luật hành chính công vào Chương trình làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11.

Tin liên quan
Tin khác