Kết quả kinh doanh quý II/2023 vừa được Tổng công ty cổ phần Licogi (mã LIC - UPCoM) công bố, cho thấy bức tranh ảm đạm, bởi đây là quý thứ ba liên tiếp Licogi báo lỗ.
Cụ thể, trong quý II vừa qua, Licogi ghi nhận doanh thu thuần đạt 512 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng xây lắp đem lại doanh thu 172,5 tỷ đồng, tăng gấp đôi, trong khi mảng bất động sản và cung cấp dịch vụ chứng kiến sự suy giảm lần lượt là 6% (giảm 330 tỷ đồng) và 64% (giảm 9 tỷ đồng).
Tuy nhiên, điều đáng nói là mảng xây lắp của Licogi đang kinh doanh dưới giá vốn. Báo cáo tài chính cho thấy, giá vốn mảng xây lắp của Tổng công ty là 179,4 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp âm 4%. Cùng kỳ năm ngoái, hoạt động này vẫn đem lại lợi nhuận gộp dương 1%.
Trong khi đó, mảng bất động sản và dịch vụ vẫn ghi nhận doanh thu cao hơn giá vốn. Trong quý II/2023, hoạt động tài chính của Licogi thặng dư 74 tỷ đồng khi doanh thu đạt 128 tỷ đồng, giảm 15%. Licogi giải trình nguyên nhân doanh thu tài chính giảm do Tổng công ty ghi nhận cổ tức từ các công ty con/liên kết và nguồn thu từ việc thoái một phần vốn tại một số công ty liên kết ít hơn cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 24% lên hơn 54 tỷ đồng vì tăng chi phí lãi vay.
Tuy nhiên, khoản lỗ trong công ty liên doanh liên kết 71 tỷ đồng, cùng với khoản lỗ khác 7 tỷ đồng khiến Licogi khép lại quý II/2023 với khoản lỗ trước thuế 18 tỷ đồng và lỗ sau thuế 19 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của Licogi đạt 900 tỷ đồng, tăng 2,6%; lỗ sau thuế 42,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng 7,6 tỷ đồng.
Năm 2023, Licogi đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 2.448 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 28 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Tổng công ty hoàn thành được 36% mục tiêu doanh thu và đang đi lùi vạch xuất phát đối với mục tiêu lợi nhuận.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Licogi đạt 4.068 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Tới 72% tổng tài sản của Licogi nằm ở các khoản phải thu, hàng tồn kho và các tài sản dở dang dài hạn.
Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.011 tỷ đồng, tăng 15%. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tiếp tục ở mức 375 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt 767 tỷ đồng, giảm 1,6%. Tài sản dở dang dài hạn đạt 1.169 tỷ đồng, tăng thêm 27 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (1.142 tỷ đồng).
Liên quan đến Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, trong kết luận thanh tra về thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng mới ban hành, Thanh tra Chính phủ kết luận, việc xác định giá trị thương mại và chi phí cơ hội của dự án chưa đầy đủ, chính xác. Thanh tra Chính phủ đã đề nghị thu hồi, nộp toàn bộ số tiền gần 349 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Về nguồn vốn, tại thời điểm ngày 30/6/2023, nợ phải trả của Licogi là 3.650 tỷ đồng, giảm 63 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm khoảng một nửa (1.835 tỷ đồng). Trong tổng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hợp nhất của Licogi, ngoài khoản vay lớn nhất của công ty mẹ xấp xỉ 800 tỷ đồng, thì nợ vay tại Cơ khí Đông Anh cũng chiếm một phần lớn, với giá trị hơn 274 tỷ đồng. Licogi đang sở hữu 89,06% vốn tại Cơ khí Đông Anh, tới đây Licogi sẽ thu về khoảng 74 tỷ đồng cổ tức từ doanh nghiệp này.
Với vốn chủ sở hữu 418 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Licogi lên tới 8,73 lần, tăng nhẹ so với đầu năm là 8,34 lần.
Đáng chú ý, tính đến hết quý II/2023, tổng lỗ lũy kế của Licogi đã nâng lên gần 589 tỷ đồng, bằng khoảng 2/3 vốn góp của chủ sở hữu.
Về dòng tiền kinh doanh, sau 6 tháng đầu năm 2023, Licogi ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 240 tỷ đồng, chủ yếu do tăng các khoản phải thu (136 tỷ đồng) và chi trả lãi vay (75 tỷ đồng).
Theo danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2023 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Licogi cũng nằm trong danh sách 73 doanh nghiệp mà SCIC sẽ thoái vốn.
SCIC hiện nắm giữ 41% vốn của Licogi, được chuyển giao từ Bộ Xây dựng vào năm 2018. Licogi nằm trong danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn và chuyển giao giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, từ đó tới nay, việc thoái vốn nhà nước tại Licogi vẫn chưa thành công.
Với kết quả kinh doanh thời gian gần đây, cũng như vấn đề được nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, thì việc thoái vốn của SCIC tại Licogi dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.