Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ hàng hóa tính theo giá thực tế giảm 1,4% |
Hoạt động tiêu thụ trong nước gồm tự sản, tự tiêu và mua ở thị trường. Phần tự sản, tự tiêu từ năm 2020 đến nay có tăng do tác động của Covid-19, nhưng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 10%, còn gần 90% là hoạt động mua bán ở thị trường, thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Về quy mô tuyệt đối, trong 8 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tính theo giá thực tế) có xu hướng giảm qua các tháng (tháng 7 giảm 8,3% so với tháng 6; tháng 8 giảm 10,5% so với tháng 7) và giảm so với cùng kỳ năm trước (tháng 7 giảm 19,8%, tháng 8 giảm 33,7%), do diễn biến căng thẳng của Covid-19.
So với cùng kỳ năm 2020 (tính theo giá thực tế), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng giảm 4,7%, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 6,2%; nếu tính bình quân đầu người, thì giảm sâu hơn (giảm trên 7,2%).
Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ hàng hóa tính theo giá thực tế giảm 1,4%. Khoản này chiếm tỷ trọng lớn nhất (74,7%) và giảm ít hơn, chứng tỏ nhu cầu tiêu dùng vẫn tập trung vào hàng hóa vật chất. Các khoản còn lại đều bị giảm sâu, như dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 19,8%; du lịch lữ hành giảm sâu nhất, chủ yếu do lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh (97,2%).
Trong khi đó, xuất khẩu trong 8 tháng qua có nhiều vượt trội. Tính chung 8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020 - kết quả cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay, xét cả về giá trị và tốc độ tăng trưởng.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực (khu vực trong nước tăng 10,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng cao với 25,5%) và ở hầu hết các mặt hàng. Các mặt hàng tăng mạnh về lượng xuất khẩu là phân bón, clinker, xi măng, cao su, sắt thép. Có 39/45 mặt hàng tăng về kim ngạch, trong đó các mặt hàng có mức tăng kim ngạch cao là gỗ và sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, dệt may, giày dép, sắt thép, máy tính, điện thoại...
Đáng chú ý, qua 8 tháng, đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD, đặc biệt có 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD là điện thoại, máy tính, máy móc, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ. TP.HCM, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên là những địa phương có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao.
Về thị trường xuất khẩu, trong 7 tháng đầu năm, có 28 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 thị trường đạt trên 10 tỷ USD. Những kết quả trên càng có ý nghĩa đối với nước ta khi đạt được trong điều kiện Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều địa bàn trọng điểm kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, lĩnh vực xuất nhập khẩu trong 8 tháng qua cũng có một số hạn chế. Một số mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam bị giảm, như mặt hàng gạo. Xuất khẩu của khu vực trong nước còn chiếm tỷ trọng nhỏ (26,2%). 8 tháng, Việt Nam nhập siêu khoảng 3,711 tỷ USD. Nhập siêu do nhiều yếu tố, như tác động tiêu cực của Covid-19, do lo ngại giá nhập khẩu tiếp tục tăng…, nhưng có phần quan trọng do công nghiệp hỗ trợ yếu, tính gia công lắp ráp còn lớn và đáng báo động là tình trạng nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ, từ đây có thể biến Việt Nam trở thành nơi “tiêu thụ giùm, xuất khẩu hộ” khi xét về xuất xứ…