Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác đã tăng đáng kể dự trữ vàng trong năm 2022. Ảnh: AFP |
Nhu cầu tăng cao do bất ổn địa chính trị và lạm phát
Nhu cầu vàng năm 2022 đã tăng 18% lên 4.741 tấn (không bao gồm giao dịch thực hiện tại quầy - OTC), đánh dấu mức cầu hàng năm lớn nhất kể từ năm 2011. Nhu cầu vàng thế giới trong năm 2022 được thúc đẩy bởi nhu cầu đạt kỷ lục 1.337 tấn trong quý IV.
Đặc biệt, lượng vàng được các ngân hàng trung ương mua vào năm 2022 tăng cao nhất trong 55 năm qua, lên mức 1.136 tấn, theo công bố của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Tuy nhiên, phần lớn các giao dịch mua này là "không được thông báo".
Đáng nói hơn là lượng vàng các ngân hàng trung ương mua vào đã nhảy vọt 152% so với năm 2021 - năm mà họ chỉ mua 450 tấn vàng. Theo lý giải của Hội đồng Vàng Thế giới, mức tăng đột biến năm 2022 là do bất ổn địa chính trị và lạm phát leo thang.
"Lượng vàng mua ròng của các ngân hàng trung ương trong quý IV/2022 đạt tổng cộng 417 tấn, nâng tổng lượng mua vào nửa cuối năm lên 862 tấn. Cùng với quý III, dữ liệu quý IV vẫn là sự kết hợp của các giao dịch mua vào được ghi nhận và ước tính lượng mua vào không được xác nhận", Hội đồng Vàng Thế giới cho biết.
"Nếu có thêm thông tin về hoạt động không được xác nhận trên, những ước tính nhu cầu vàng có thể phải điều chỉnh lại", Hội đồng Vàng Thế giới lưu ý.
Nhu cầu đầu tư vàng trong năm 2022 đã tăng 10% lên 1.107 tấn, trong khi lượng vàng nắm giữ của các quỹ giao dịch ETF chứng kiến dòng tiền chảy ra của năm 2022 ít hơn so với năm trước.
Lượng trang sức được tiêu thụ giảm 3% trong năm 2022 xuống còn 2.086 tấn, bởi sự suy yếu chủ yếu tập trung vào quý IV khi giá vàng tăng.
Trong khi đó, tổng nguồn cung vàng thế giới chỉ tăng nhẹ 2% trong năm 2022, lên 4.755 tấn, dù sản lượng khai thác đạt mức cao nhất trong 4 năm là 3.612 tấn.
Châu Á, Trung Đông gia tăng tích trữ vàng
"Điều này đánh dấu một năm tiêu biểu cho hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương. Năm 2022 không chỉ là năm mua ròng thứ 13 liên tiếp mà còn là năm có nhu cầu hàng năm cao thứ hai được ghi nhận kể từ năm 1950, nó được thúc đẩy bởi nhu cầu trên 400 tấn trong cả quý III và quý IV", Hội đồng Vàng Thế giới đánh giá.
Cuộc khảo sát thường niên của Hội đồng Vàng Thế giới đối với các nhà hoạch định chính sách cho thấy các động lực chính đằng sau việc nắm giữ vàng là "hiệu suất sinh lời của nó trong thời kỳ khủng hoảng" và "vai trò của vàng như một nguồn giá trị lâu dài".
"Không có gì đáng ngạc nhiên khi trong một năm bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn địa chính trị và lạm phát lan rộng, các ngân hàng trung ương đã chọn cách tiếp tục bổ sung vàng vào kho dự trữ với tốc độ nhanh hơn".
Phần lớn lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 đến từ các thị trường mới nổi, trong đó Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua vào nhiều nhất với mức kỷ lục 542 tấn. Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Qatar, Iraq, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Oman đều tăng đáng kể dự trữ vàng trong năm 2022.
Giá vàng năm 2023 có thể tăng đột biến
Trong bối cảnh khó khăn chung do lãi suất tăng cao và đồng đô la Mỹ lên giá trong phần lớn thời gian năm 2022, lượng vàng mua vào tăng mạnh trong quý IV là đủ để đẩy giá vàng cả năm tăng nhẹ, với mức tăng 3% so với quý trước và tăng 0,4% so với năm trước đó.
Vàng thường suy yếu khi lãi suất tăng và đồng đô la Mỹ lên giá, một phần vì nó được định giá bằng đô la Mỹ mặc dù hầu hết nhu cầu giao dịch có nguồn gốc từ bên ngoài nước Mỹ, theo đánh giá của Ngân hàng Wells Fargo.
Ông John LaForge, Trưởng bộ phận Chiến lược tài sản thực tại Wells Fargo lưu ý rằng vàng là tài sản không sinh lãi nên nó kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tổ chức và họ thường đầu tư trái phiếu kho bạc và các tài sản sinh lời khác khi lãi suất tăng.
Kể từ đầu năm 2023 đến nay, giá vàng giao ngay đã tăng hơn 5% và giao dịch ở mức khoảng 1.926 USD/troy ounce vào sáng ngày 1/2.
Ông LaForge cho rằng mặc dù Wells Fargo vẫn giữ quan điểm trung lập về vàng so với các mặt hàng khác và ngưỡng giá cuối năm 2023 mà Wells Fargo dự đoán vẫn là 1.900 - 2.000 USD/ounce, nhưng ông LaForge cảnh báo "lần này có thể khác".
"Chúng tôi thậm chí có thể phải mở rộng ngưỡng giá dự đoán vào cuối năm 2023 nếu đồng đô la Mỹ vẫn bị giới hạn trong ngưỡng và chúng tôi tin rằng các đợt tăng lãi suất (của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - BTV) sắp kết thúc", đại diện Wells Fargo cho biết thêm.