Chi phí cho hồ bùn đỏ trong chế biến bauxite
Theo một báo cáo mới đây của Bộ Công thương, chi phí thiết kế, xây dựng và thiết bị hồ bùn đỏ chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng mức đầu tư của hai dự án chế biến bauxite.
Cụ thể, tại Dự án Tổ hợp bauxite Tân Rai (Lâm Đồng), chi phí của 2 khoang hồ bùn đỏ đầu tiên là 374,7 tỷ đồng (trước thuế VAT, dung tích chứa 1,28 triệu m3), chiếm 2,52% tổng mức đầu tư của dự án được phê duyệt điều chỉnh.
Tại Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắc Nông), con số còn lớn hơn với 507,3 tỷ đồng (trước thuế VAT, dung tích chứa 5,03 triệu m3), chiếm 3,23% tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt điều chỉnh.
| ||
Công trường xây dựng Nhà máy alumina Nhân Cơ (Đắc Nông) |
Đáng nói là có những đánh giá cho rằng, tại Dự án Tổ hợp bauxite Tân Rai, hai khoang đầu tiên của hồ bùn đỏ được cho là đã được thiết kế và xây dựng thiên về an toàn quá mức, khiến chi phí xây dựng tăng thêm (cho hai khoang chứa đầu tiên).
Dĩ nhiên, chi phí cho hồ bùn đỏ cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hiệu quả kinh tế của hai dự án chế biến bauxite nói trên.
Dẫu vậy, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong chuyến thị sát hồi tháng 2/2014, Vinacomin đang tiến hành lắp đặt thêm các camera quan sát tại hồ bùn đỏ và một số khu vực trọng yếu của dự án để tăng cường thêm khả năng quan trắc.
Trong báo cáo, Bộ Công thương cho hay, công nghệ xử lý bùn đỏ áp dụng tại Dự án Tổ hợp bauxite Tân Rai và Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ là công nghệ phổ biến trên thế giới, với khoảng 70% nhà máy alumin đang sử dụng phương pháp thải này và phù hợp với điều kiện khí hậu Tây Nguyên có lượng mưa nhiều, tốc độ bốc hơi cao, bùn đỏ dễ dàng phơi khô tự nhiên.
Thực tế ở hồ bùn đỏ Tân Rai cho thấy, sau 7-10 ngày bùn đỏ khô, có thể đi lại được trên mặt hồ. Hiện tại, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam đã xử lý thành công ở quy mô thí nghiệm và đang chuyển sang giai đoạn thử nghiệm bán công nghiệp việc tái sử dụng bùn đỏ để thu hồi tinh quặng sắt, sản xuất sắt xốp và sản xuất vật liệu xây dựng.
Kế hoạch trả nợ hợp lý
Vào tháng 10/2013, Dự án Tổ hợp bauxite Tân Rai đã được Vinacomin phê duyệt điều chỉnh lại tổng mức đầu tư lên mức 15.414 tỷ đồng, trong đó, giá trị trước thuế là 14.886 tỷ đồng, tăng 3.890 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt hồi tháng 9/2009.
Tại Dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ, tổng mức đầu tư cũng đã được Vinacomin phê duyệt điều chỉnh lại trong tháng 2/2014 với con số 16.822 tỷ đồng, trong đó giá trị trước thuế là 15.684 tỷ đồng, tăng 4.318 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt hồi tháng 2/2010.
Các nguyên nhân chính làm tăng tổng mức đầu tư điều chỉnh của hai dự án là do tỷ giá ngoại tệ tăng cao, lãi suất ngân hàng biến động lớn, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng, chi phí mua nguyên vật liệu để chạy thử nhà máy alumin tăng, bổ sung thêm một số hạng mục và chi phí như: trạm diezen dự phòng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, chi phí sử dụng kết quả thăm dò mỏ của Nhà nước trước đây, chi phí thu xếp vốn vay cho Dự án, chi phí hỗ trợ dự án quan trắc môi trường của tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông …
Với cơ cấu nguồn vốn hiện nay, hai dự án bauxite tại Tân Rai và Nhân Cơ đã được Vinacomin lên kế hoạch trả nợ hợp lý cho từng khoản vay.
Thị trường khả quan
Thị trường tiêu thụ sản phẩm alumin của Nhà máy alumin Tân Rai được đánh giá là khả quan. Tới hết năm 2013, đã có 160.340 tấn alumin sản xuất tại Tân Rai được xuất khẩu cho các đối tác Thuỵ Sỹ, Hong Kong, Hàn Quốc, Singapore. Cũng có 844 tấn alumin và 3.840 tấn hydroxit nhôm được tiêu thụ trong nước.
Ngoài các đối tác này, hiện Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ dài hạn sản phẩm alumin với Công ty Marubeni (Nhật Bản) với mức 250.000 tấn/năm và Công ty Nhôm Vân Nam (Trung Quốc) mức 150.000 tấn/năm và các đối tác khác theo hợp đồng hàng năm.
Theo kế hoạch, năm 2014, sẽ tiêu thụ khoảng 540.000 tấn alumin và 2.400 tấn hydrat của Tổ hợp bauxite – alumin Tân Rai.
Sản phẩm alumin và hydroxit nhôm sản xuất tại Nhà máy Tân Rai có chất lượng tương đương với sản phẩm của các nhà máy alumin trên thế giới, giúp cho việc tiêu thụ sản phầm của Dự án được thuận lợi, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.
Giá alumin cũng là một trong các yếu tố quan trọng và quyết định hiệu quả của dự án. Hiện mức giá được tính toán cho vòng đời dự án trong thời gian 30 năm được đưa ra là 379 USD/tấn. Con số này cũng thấp hơn khoảng 71 USD/tấn so với giá dự báo của các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín như Citigroup Inc, Morgan Stanley và Societe General SA. Các dự báo này hiện đang cho rằng, giá alumin trên thị trường thế giới giai đoạn 2010-2020 sẽ ở mức trung bình là 450 USD/tấn.
Với sản phẩm alumin tại Nhà máy alumin Tân Rai, trong thời gian chạy thử đã bán được xấp xỉ mức giá 300 USD/tấn, điều kiện FOB cảng Gò Dầu. Bước sang năm 2014, giá đã được đàm phán lên mức khoảng 18% giá nhôm kim loại LME, tức là khoảng 330 USD/tấn.
Theo kế hoạch, năm 2014, Nhà máy alumin Tân Rai sẽ đạt mức công suất tương đương 85% công suất thiết kế, từ năm 2015 trở đi sẽ đạt công suất thiết kế 650.000 tấn alumin/năm và Tổ hợp bauxite Tân Rai sẽ bắt đầu có lãi từ năm 2018.
Sản xuất nhôm trong tầm tay
Cho tới thời điểm này, Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân đã được đồng ý về chủ trương lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy điện phân nhôm công suất 300.000 tấn/năm và cho phép hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo các quy định hiện hành bởi tính chất mới của ngành công nghiệp cũng như địa điểm đầu tư nơi vùng sâu, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngay Vinacomin cũng ký thoả thuận với Công ty Dongyang Gangchul (Hàn Quốc) về phối hợp lập dự án xây dựng Nhà máy điện phân nhôm công suất 300.000 tấn/năm với nguồn đầu vào là alumin của các nhà máy alumin Tân Rai, Nhân Cơ. Hiện báo cáo tiền khả thi dự án đã được hoàn tất.
Tuy nhiên, để các dự án điện phân nhôm thành hiện thực thì giá điện là một thách thức không nhỏ. Hiện giá điện có thể để cấp cho nhà máy điện phân nhôm tại Đắc Nông đang tính theo quy định hiện hành là ở mức bình quân 6,5 cent/kWh. Mức giá này cao hơn nhiều so với giá điện của các nhà máy điện phân nhôm trong khu vực .
Theo kiến nghị của Bộ Công thương, nếu giải quyết được vấn đề giá điện thì sản xuất nhôm tại Đắc Nông là hiện thực và có thể đưa giai đoạn 1 của dự án điện phân nhôm do Công ty Trần Hồng Quân đầu tư vào hoạt động từ năm 2016.
Mặt khác, nếu dự án điện phân nhôm được triển khai, nhu cầu hàng hoá phục vụ sản xuất và xuất khẩu alumin của hai nhà máy alumin Tân Rai, Nhân Cơ thông qua cảng hàng năm chỉ còn là 2,0 triệu tấn hàng hoá, thấp hơn đáng kể so với mức tối đa là 2,43 triệu tấn hàng hoá thông qua cảng/năm. Nghĩa là việc chưa đầu tư cảng chuyên dùng, phục vụ cho vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu thụ alumin, mà thay vào đó là tận dụng các cảng hiện có trên sông Thị Vải – Cái Mép cho thấy hiệu quả được nâng cao hơn.
Được biết, sau cuộc họp mới đây với các bộ, ngành về giá điện cho dự án điện phân nhôm của Chính phủ, Bộ Công thương đã được giao nhiệm vụ chủ trì cùng Bộ Tài chính tiến hành rà soát lại chi phí đầu tư và doanh thu hợp lý của Dự án điện phân nhôm Đắc Nông của Công ty TNHH Trần Hồng Quân để có các đề xuất phù hợp về giá điện liên quan và báo cáo trong tháng 3/2014.
Thanh Hương