Dù vẫn còn nhiều thách thức, nhưng những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực đáng kể trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt trong ngành dược phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được ưu tiên chú trọng vì sức khỏe cộng đồng. Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Xuân Lộc, Công ty Luật TNHH T&G và Công ty Luật Tilleke & Gibbins nhằm tìm hiểu rõ hơn về thực tế này tại Việt Nam.
Quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm - Thực trạng và thách thức?
Nhìn tổng thể, luật sư đánh giá thế nào về các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc bảo vệ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm?
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, pháp luật Việt Nam không có quy định riêng cho bảo vệ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm. Thay vào đó, các quy định về bảo vệ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm đều nằm trong những văn bản pháp luật điều chỉnh về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Các văn bản này bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005 được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019, 2022 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.
Từ quan điểm cá nhân và kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, tôi có thể khẳng định rằng, quy định bảo vệ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm của Việt Nam đã cơ bản hài hòa với quy định của nhiều quốc gia và phù hợp với thực tế trong nước, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp khi bị xâm phạm.
Luật sư Lê Xuân Lộc. |
Vậy luật sư đánh giá thế nào về hiện trạng bảo vệ sáng chế dược phẩm tại Việt Nam thông qua các trường hợp vi phạm?
Dù đã có những chế tài cụ thể, nhưng trong một vài trường hợp, vì lý do khách quan hoặc chủ quan, việc bảo vệ sáng chế tại Việt Nam còn chưa đạt nhiều kỳ vọng. Cụ thể, do chưa có kinh nghiệm xử lý vi phạm, nên việc thực thi và xét xử một số vụ việc bị kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và lợi ích của doanh nghiệp.
Theo ông, việc thực thi này có thể ảnh hưởng thế nào đến môi trường đầu tư trong lĩnh vực dược phẩm nói riêng và đầu tư nước ngoài nói chung?
Khi xét đến vấn đề thực thi và ảnh hưởng của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chúng ta cần xem xét trên bình diện tổng thể và tác động đối với kinh tế, xã hội của cả quốc gia. Dưới góc nhìn này, tôi cho rằng, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tiến bộ, trong đó bao gồm lĩnh vực dược phẩm. Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã được xây dựng trên cơ sở đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan. Chúng ta cũng đã tính tới tất cả các lợi ích của các bên có liên quan.
Bằng cách tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến an toàn, thân thiện và giàu tiềm năng để các nhà đầu tư lớn “chọn mặt gửi vàng” tiến hành các dự án lớn. Tuy nhiên, nếu không thực thi tốt những quy định này, các hãng dược phẩm lớn sẽ chần chừ, cân nhắc đầu tư tại Việt Nam, hoặc chậm đưa sản phẩm tiên tiến vào thị trường chúng ta.
Vai trò chung của cả doanh nghiệp và chính phủ trong việc thực hiện kiên quyết hơn các biện pháp nhằm tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ
Xin luật sư có thể cho biết, hiện các doanh nghiệp có thể bảo vệ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm bằng cách nào?
Theo tôi, doanh nghiệp nên nghĩ đến phương thức bảo vệ sáng chế nói chung và bảo vệ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm nói riêng. Ngay cả những sáng chế chưa được cấp bằng, vẫn đang trong quá trình được nghiên cứu, phát triển cũng cần được bảo vệ từ sớm.
Ở giai đoạn này, có thể kể đến một số phương thức bảo vệ như bảo mật tuyệt đối thông tin về sản phẩm, công nghệ đang phát triển. Khi sáng chế đã được cấp văn bằng, doanh nghiệp và bên thứ ba cần theo dõi để nắm được tình hình sáng chế được đưa vào ứng dụng như thế nào. Nếu doanh nghiệp phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì nên thu thập thông tin, tài liệu rồi tiến hành phân tích để có được nhận định ban đầu, từ đó đưa ra những đối sách thích hợp.
Chẳng hạn, bước đầu doanh nghiệp có thể gửi thư cảnh báo tới bên đang bị nghi ngờ xâm phạm bởi có những trường hợp bên vi phạm vô tình chưa tiếp cận được thông tin về sáng chế được bảo hộ. Tiếp theo, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp như hành chính, dân sự, giám sát biên giới để bảo vệ quyền của chủ sở hữu sáng chế tương thích với từng tình huống và chiến lược của doanh nghiệp.
Vậy với các cơ quan nhà nước, liệu rằng thực trạng vi phạm có thể được thay đổi này bằng cách nào?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là các cơ quan nhà nước cần có quyết tâm thúc đẩy việc thực thi quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ. Sở dĩ tôi nói vậy là bởi hiện các văn bản, hệ thống quy phạm pháp luật của chúng ta đã khá đầy đủ, do đó, điều chúng ta cần nhất bây giờ là quyết tâm của các nhà quản lý, nhà làm luật, nhà hoạch định chính sách trong việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đã được ban hành.
Để khắc phục thực trạng còn nhiều vi phạm, tôi cho rằng, với những trường hợp đang còn tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ thì cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc những chế tài cụ thể mạnh mẽ hơn về dân sự, hành chính để bảo vệ quyền lợi ngay lập tức cho bên bị xâm phạm.
Điểm sáng trong bảo vệ sở hữu trí tuệ và bước đi cho các doanh nghiệp trong tương lai
Trong các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ, liệu luật sư có thể đưa ra trường hợp nào đã thành công bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thưa luật sư?
Trong quá trình theo đuổi các vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, tôi đặc biệt muốn nhắc đến trường hợp của Công ty Novartis. Có thể nói đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến lĩnh vực dược phẩm.
Cụ thể, Novartis là chủ sở hữu sáng chế liên quan đến hoạt chất Vildagliptin. Khi bị một doanh nghiệp khác vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Novartis quyết tâm áp dụng cả biện pháp hành chính và dân sự để bảo vệ sáng chế này. Hành trình tố tụng của Novartis kéo dài tới 8 năm với kết quả Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM đã ban hành bản án có hiệu lực pháp luật tuyên bị đơn có hành vi vi phạm sáng chế, buộc bên vi phạm phải xin lỗi công khai chủ sở hữu sáng chế, đồng thời bồi thường thiệt hại cũng như chi trả chi phí luật sư.
Trong hành trình rất dài ấy, dù bị xâm phạm lợi ích, song Novartis vẫn nỗ lực kiên trì theo đuổi mục tiêu đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng và cạnh tranh hiệu quả tại Việt Nam.
Việc bảo vệ thành công quyền sở hữu sáng chế của Novartis là minh chứng tiêu biểu, làm tiền đề để các doanh nghiệp khác có thêm động lực bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp mình. Vụ việc của Norvatis cũng giúp cho các cơ quan thực thi pháp luật có thêm kinh nghiệm xử lý các vụ việc liên quan trong tương lai.
Vậy là chúng ta có thể thấy Chính phủ Việt Nam cũng đang rất nỗ lực trong việc hỗ trợ các công ty thực thi quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam, nơi quyền lợi của nhà đầu tư có thể được bảo vệ thông qua vụ kiện này?
Trải qua quá trình hơn 20 năm hoạt động tư vấn trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tôi nhận thấy Nhà nước, Chính phủ ngày càng nhận thức sâu sắc hơn, cao hơn về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, doanh nghiệp.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam vừa qua đã có những hành động quyết liệt, kịp thời để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như ban hành chương trình quốc gia về sở hữu trí tuệ, ủng hộ việc thành lập tòa án chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, dành kinh phí để đào tạo, tập huấn cán bộ các cấp. Tôi nghĩ đó là những bước đi tích cực. Tôi hy vọng, sẽ có nhiều hơn nữa những sáng kiến và nguồn lực trong thời gian tới để công tác này phát huy hiệu quả tối đa.
Bên cạnh những nỗ lực từ Chính phủ, tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ ý thức hơn nữa vai trò quan trọng của mình trong việc đảm bảo một môi trường kinh doanh bền vững. Có được như vậy sẽ tạo động lực cho các công ty, đặc biệt ở đây là công ty dược phẩm mang đến nhiều hơn nữa những đột phá mới vì lợi ích của cộng đồng.