Nhà nhập khẩu thừa nhận sai sót
Ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm, đơn vị nhập khẩu và phân phối độc quyền sữa dê Danlait tại Việt Nam đã chính thức đưa ra lời xin lỗi với khách hàng, đồng thời thừa nhận, Công ty đã có thiếu sót trong việc ghi tem mác phụ, không ghi rõ là “thực phẩm bổ sung”, dẫn đến không làm chủ được thông tin, để người tiêu dùng hiểu sai về sản phẩm.
Ông Đặng Quang Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Cầm (trái) công khai xin lỗi
khách hàng về hành vi lừa dối tại cuộc gặp với giới truyền thông sáng 23/4
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, Công ty TNHH Mạnh Cầm đã mắc phải rất nhiều sai phạm trong quá trình nhập khẩu, phân phối sữa dê Danlait tại Việt Nam.
Công ty TNHH Mạnh Cầm đã sai phạm về dán nhãn trên sản phẩm sữa. Công ty không ghi cụm từ “thực phẩm bổ sung” trước tên sản phẩm, mà chỉ ghi “sữa dê”, trong khi nhãn gốc của hàng hóa này là “sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê Danlait”, làm trái theo Nghị định 89 của Chính phủ về nhãn mác hàng hoá
Cũng theo quy định của Chính phủ về việc kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, tại điều 8 đã nêu rõ, đơn vị kinh doanh sữa bắt buộc phải ghi cụm từ: “Sữa mẹ là sữa tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”.
Bên cạnh đó, quy định trên cũng đưa ra việc các đơn vị còn phải bắt buộc ghi chú thêm câu: “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ. Pha chế theo đúng hướng dẫn. Cho trẻ ăn bằng cốc, thìa hợp vệ sinh”.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra sữa dê Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm lại không có những ghi chú bắt buộc kể ở trên. Đặc biệt, không có câu “Chỉ sử dụng sản phẩm này theo chỉ dẫn của bác sĩ” . Đây lại là một điều rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Khó lấy lại được chữ tín
Theo kết quả kiểm nghiệm mới nhất, ngày 5/4/2013 củaViện Pasteur TP.HCM, chỉ tiêu protein của thực phẩm bổ sung sữa dê Danlait là 13,2% (Ghi trên nhãn là 12,8%) chứ không phải 4,13% như kết quả đã gửi khách hàng trước đó. Kết quả 13,2% được kiểm nghiệm theo đúng phương pháp chuẩn TCVN 5537:1991.
ThS.DS. Phẩm Minh Thu, lãnh đạo phòng Hóa lý-Vi sinh thuộc Viện Pasteur TP.HCM cũng đã thừa nhận, trong quá trình tự kiểm tra chất lượng kết quả kiểm nghiệm mẫu sữa dê Danlait do người tiêu dùng mang đến, phòng Kiểm Nghiệm Hóa Lý – Vi sinh, Viện Pasteur đã phát hiện có sự nhầm lẫn (sai sót) trong tính toán kết quả cuối cùng (không chia cho khối lượng mẫu cân) và đánh máy nhầm phương pháp kiểm nghiệm.
Như vậy, sản phẩm Thực phẩm bổ sung: Sữa dê Danlait do Công ty TNHH Mạnh Cầm nhập khẩu và phân phối đã được các cơ quan chức năng của Pháp và Việt Nam xác minh về nguồn gốc xuất xứ từ Pháp, áp dụng các quy chuẩn của châu Âu đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em, đảm bảo chất lượng và có hàm lượng dinh dưỡng đúng như công bố.
Trước đó, vào tháng 2/2013, một cá nhân tại TP.HCM đã gửi mẫu sữa dê Danlait 1 đến Viện Pasteur kiểm nghiệm và nhận được kết quả hàm lượng đạm chỉ đạt 4,13%, thấp hơn nhiều lần thông tin trên hộp sữa là 12,8%. Sau khi thông tin này được đưa ra, đã có một làn sóng tẩy chay sản phẩm sữa dê Danlait do Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu và đại diện các ngành chức năng cùng vào cuộc.
Ông Mạnh chia sẻ, với các bằng chứng xác thực về nguồn gốc, chất lượng cũng như những xét nghiệm khoa học được tiến hành một cách công minh, thông tin về thực phẩm bổ sung: sữa dê Danlait đảm bảo chất lượng sẽ đến được với mọi người tiêu dùng và chấm dứt các thông tin không chính xác, gây hoang mang cho dư luận.
Tuy nhiên, dù các cơ quan chức năng đã đưa ra kết luận cuối cùng về chất lượng sản phẩm thực phẩm bổ sung: sữa dê Danlait là đảm bảo chất lượng, cũng như nguồn gốc xuất xứ, nhưng cái giá phải trả cho sự sai sót của Công ty TNHH Mạnh Cầm qua vụ sữa dê Danlait cũng là một bài học lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khá nhạy cảm này.
“Sự cố” vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn đến Công ty TNHH Mạnh Cầm với hệ lụy là Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn cả về tâm lý, tài chính, và để lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng thì còn là một câu chuyện dài.
Một số hình ảnh tại buổi họp báo:
Bầu không khí căng như dây đàn đối với ban chủ tọa.
Rất đông nhà báo tham dự cuộc họp.
Chị Cao Ngân Hà và chồng là người đầu tiên đưa những băn khoăn
liên quan đến chất lượng sản phẩm Danlait trên các mạng xã hội.
Khi đại diện Công ty FIT (Pháp) nhắc đến ý chị Hà và chồng dường như "tấn công" Công ty Mạnh Cầm
thì khán phòng căng thẳng hơn rất nhiều.
Giây phút bối rối của ông Đặng Quang Mạnh trước quá nhiều câu hỏi của các nhà báo
Còn nhiều phóng viên không tới lượt đặt câu hỏi.
Ảnh : Chí Cường (baodautu.vn)
Hải Yến - Chí Cường