Tăng nhập khẩu dầu thô, xăng dầu thành phẩm
Tăng nhập khẩu dầu thô cho nhà máy lọc dầu và xăng dầu thành phẩm không còn là dự báo, mà là tất yếu, bởi gần 80% dầu thô cho 2 nhà máy đang vận hành đến từ nguồn cung bên ngoài, còn xăng dầu thành phẩm vẫn cần nhập thêm khoảng 30% mới đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã chi 2,8 tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu thành phẩm và dầu thô. Cụ thể, các doanh nghiệp đã nhập khẩu 1,92 triệu tấn xăng dầu, với tổng giá trị 1,7 tỷ USD, tăng 43,1% về lượng và tăng 56,3% về trị giá.
Nhập khẩu dầu thô trong 2 tháng đạt 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 tỷ USD, tăng lần lượt 129% và 110% so với cùng kỳ năm trước.
Cả năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 10,6 triệu tấn dầu thô về phục vụ các nhà máy lọc dầu trong nước, trị giá gần 8,2 tỷ USD, tăng lần lượt 6% và 57% so với năm 2021. Về xăng dầu thành phẩm, đã nhập 8,87 triệu tấn, trị giá 8,97 tỷ USD, tăng 27,7% về lượng và tăng 118,5% (tương ứng tăng 4,86 tỷ USD) về số tuyệt đối so với năm 2021.
Tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu thành phẩm và dầu thô trong cả năm 2022 đã vượt 17 tỷ USD - mức chi “khủng” nhất từ trước đến nay.
Nhưng mốc 17 tỷ USD của năm 2022 dự báo sẽ được phá vỡ trong năm 2023, bởi giá dầu thế giới vẫn ở ngưỡng cao, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao, trong khi để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, Bộ Công thương khuyến khích các doanh nghiệp đầu mối tăng nhập xăng dầu.
Nguồn nhập khẩu có ý nghĩa sống còn
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương đã thẳng thắn thừa nhận về sự phụ thuộc của Việt Nam đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu từ nước ngoài. Do phụ thuộc lớn, nên chịu sự tác động mạnh khi thế giới biến động.
Hiện tại, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn nhập khẩu 100% nguồn dầu thô để chế biến, còn Lọc dầu Dung Quất cũng sử dụng tới 50% nguồn dầu thô nhập khẩu. Khi ở tình trạng phụ thuộc quá lớn, đặt trong bối cảnh thị trường xăng dầu trên thế giới có biến động bất thường, thậm chí dị biệt do tác động của các vấn đề mang tính toàn cầu, thì thị trường xăng dầu trong nước cũng không tránh khỏi chao đảo.
Trong phiên giải trình gần nhất tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ trưởng Công thương cho biết: “Năm qua, nguồn cung trên thế giới gây đứt gãy, khan hiếm (cả thành phẩm và dầu thô), giá xăng dầu thế giới tăng cao và trồi sụt thất thường với biên độ lớn, trong thời gian dài, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp nhập khẩu”.
Thêm vào đó, tỷ giá USD và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối.
Những yếu tố trên đã gây khó khăn cho nguồn cung trong nước ở một số thời điểm nhất định.
Năm 2022, tổng nguồn xăng dầu cung cấp cho thị trường đạt 25,58 triệu tấn, vượt 7,3% so với tổng nguồn phân giao, trong đó nhập khẩu xăng dầu 8,87 triệu tấn, tăng 27% so với năm trước (chiếm 34% tổng nguồn cung); sản xuất xăng dầu trong nước đạt 15,69 triệu tấn, tăng 13,7% (chiếm hơn 60% tổng nguồn cung).
Năm 2022, nhiều thời điểm, nguồn cung xăng dầu trong nước lâm vào cảnh đứt gãy cục bộ, tại nhiều địa phương, người dân phải xếp hàng dài chờ mua xăng dầu, nên ảnh hưởng tới đời sống người dân và doanh nghiệp.
Trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, năm 2023, Bộ Công thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Theo dự báo của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, giá dầu thô trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và chịu chi phối bởi một số nhân tố chính như cung - cầu dầu toàn cầu, xung đột giữa Nga và Ukraine, triển vọng tăng trưởng kinh tế của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc...
Về tổng thể, do giá xăng dầu thế giới tăng cao, Việt Nam lại nhập nhiều, nên tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Giá dầu tăng cao sẽ mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho các nước xuất khẩu dầu, nhưng tác động tiêu cực mạnh đến kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng và các nước phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Trong dài hạn, Việt Nam cần có kế hoạch và chiến lược dự trữ xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, xem xét mở rộng kho dự trữ và quy mô dự trữ để chủ động cung ứng trong các trường hợp cần thiết. Các kho dự trữ có vai trò bình ổn thị trường dầu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng quốc gia, khó khăn về nguồn cung toàn cầu hoặc giá dầu tăng cao do các bất ổn địa chính trị.
Kinh nghiệm xây dựng kho dự trữ năng lượng của Mỹ, Trung Quốc... cho thấy, các nước đều có kế hoạch và lộ trình xây dựng các kho dự trữ chiến lược xăng, dầu quốc gia hoặc tư nhân từ sớm. Trong đó, kho dự trữ của Trung Quốc có thể đảm bảo tối thiểu 100 ngày nhập khẩu, của Mỹ đảm bảo ít nhất 36 ngày tiêu thụ, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tương đương 90 ngày nhập khẩu...