Tình thế bây giờ đã buộc Việt Nam phải thay đổi phương châm chống dịch, từ phòng ngự sang tấn công, từ thụ động sang chủ động chống dịch. |
“Giặc” Covid-19 ngày càng nguy hiểm, khó lường. Chỉ trong vòng 1 tháng, đã có 3.000 ca nhiễm bệnh và nguy hiểm hơn, đợt dịch này bùng phát mạnh trên diện rộng, khó kiểm soát hơn, “đánh” thẳng vào các khu công nghiệp, nơi tập trung đông người, cũng là nơi tập trung đông đảo công xưởng, nhà máy.
Khi số lượng ca mắc tăng từng ngày, khi nhiều nhà máy đang phải tạm ngừng hoạt động, thì tất cả đều hiểu rằng, phải thần tốc, thần tốc hơn nữa trong chống dịch.
Liên tục các cuộc họp bàn trực tuyến được thiết lập giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế với Bắc Giang, Bắc Ninh, nhất là trong bối cảnh các dự báo cho thấy, tình hình những ngày tới sẽ còn “căng” hơn nữa. Hiện, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 ở Công ty Hosiden lên đến 55%, ở Công ty SJ Tech là 79%.
Khu công nghiệp hoặc khu nhà ở của công nhân luôn có mật độ người cao, trong khi chủng virus Ấn Độ lây lan nhanh, mạnh, phát tán rộng, khiến dịch bùng phát mạnh. Điểm giảm nhẹ hiện nay là các ca nhiễm mới phần lớn được phát hiện ở các khu vực đã cách ly, phong tỏa.
Nhưng nếu tình hình vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, lan ra các khu công nghiệp và cả trong cộng đồng, thì không chỉ sức khỏe người dân, mà kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Bởi thế, trong cuộc họp vào sáng ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rằng, cả nước giờ đây phải ưu tiên cao nhất, dồn tổng lực để hỗ trợ Bắc Ninh và Bắc Giang để đẩy lùi, ngăn chặn dịch bệnh sớm nhất có thể, bảo đảm sản xuất - kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong các khu công nghiệp.
Nhiều nguồn lực đang được dành hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh chống dịch. Các bác sĩ, những người đang ở tuyến đầu chống dịch, từ nhiều bệnh viện lớn trong cả nước đã tới hai địa phương này để hỗ trợ xét nghiệm, điều trị người bệnh. Nhiều doanh nghiệp cũng đã ủng hộ hàng tỷ, hàng trăm tỷ đồng để mua vắc - xin phòng chống Covid-19.
Ngoài các biện pháp xét nghiệm, truy vết, cách ly, phong tỏa, để ngăn chặn được dịch bệnh Covid-19 lúc này, thì vũ khí chính là vắc - xin. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ phân bổ mỗi tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh 150.000 liều vắc-xin và sẽ hỗ trợ để hoàn thành tiêm chủng trong vòng 1 đến 2 tuần.
Đây là những biện pháp quan trọng, cần thiết giúp Bắc Giang và Bắc Ninh chống dịch. Nhưng ngoài Bắc Giang và Bắc Ninh, dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước, bao gồm cả Hà Nội. Trong bối cảnh ấy, câu chuyện của Bắc Ninh và Bắc Giang chính là bài học lớn, là kinh nghiệm cho cả nước trong phòng chống Covid-19, đặc biệt là trong các khu công nghiệp.
Không hoảng hốt, lo sợ, mất bình tĩnh, nhưng cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là khi các ca nhiễm trong cộng đồng tăng. Nhiều ý kiến của các chuyên gia y tế cũng đã thừa nhận, rất có thể, virus SARS-CoV2 đã ở trong cộng đồng từ lâu. Điều đó có nghĩa rằng, nguy cơ có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ doanh nghiệp, bất cứ cộng đồng dân cư hay khu công nghiệp nào. Nguy cơ càng cao thì càng cần phải cảnh giác, quyết liệt và thần tốc trong chống dịch.
Hơn nữa, tình thế bây giờ đã buộc Việt Nam phải thay đổi phương châm chống dịch, từ phòng ngự sang tấn công, từ thụ động sang chủ động chống dịch. Vũ khí, tất nhiên, vẫn là vắc-xin và cùng với đó, rất quan trọng, là ý thức của người dân, tuân thủ đúng hướng dẫn 5K của Bộ Y tế. Kinh nghiệm qua 3 lần ứng phó với Covid-19 bùng phát cho thấy, sự đồng lòng cùng quyết tâm của cả nước sẽ tạo thế trận vững chắc ngăn chặn dịch bệnh, để vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội, để Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực và thế giới trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!