Lợi nhuận giảm mạnh
Doanh thu thuần của Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) trong quý II/2018 tăng trưởng ở mức hai chữ số, nhưng lợi nhuận vẫn lao dốc nghiêm trọng, do biến động lớn từ hoạt động tài chính.
Do không còn lợi nhuận phát sinh từ việc mua công ty con và thanh lý một số khoản đầu tư như nửa đầu năm 2017, cộng thêm phải khấu hao lợi thế thương mại khi hợp nhất kết quả kinh doanh của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), nên nguồn thu tài chính giảm hơn 12 lần, chỉ còn 46 tỷ đồng.
. |
Điều này khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bất chấp doanh thu thuần tăng 21% so với cùng kỳ và chi phí tài chính, bán hàng được kiểm soát chặt chẽ. Công ty ghi nhận lãi sau thuế quý II/2018 gần 30 tỷ đồng, giảm hơn 92% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm lần lượt đạt 3.716 tỷ đồng và 47 tỷ đồng, tương ứng tăng 26% và giảm 89%. Để hoàn thành kế hoạch 12.000 tỷ đồng doanh thu và 800 tỷ đồng lợi nhuận cả năm, Ban lãnh đạo Kido cho biết, thời gian tới, Công ty sẽ tập trung mở rộng hệ thống phân phối và tăng cường độ phủ các điểm bán.
Những diễn biến tại Kido khiến giới quan sát cho rằng, sau khi bán mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez International năm 2014 và hoàn tất chuyển nhượng 2 năm sau đó, Kido giờ đang loay hoay với bài toán lợi nhuận của ngành dầu ăn - nơi họ đặt nhiều tham vọng thống trị thị trường.
Theo ông Đỗ Hòa, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn IME Việt Nam, doanh thu Kido càng tăng thì tỷ suất lợi nhuận ròng càng giảm và tác động chủ yếu đến từ dầu ăn.
“Do thị trường dầu ăn đang đi vào giai đoạn trưởng thành, khi sản phẩm không còn sự khác biệt, thì cạnh tranh giữa các đối thủ chủ yếu là về giá. Nếu muốn tiếp tục gia tăng thị phần ngành dầu ăn, Kido phải hy sinh lợi nhuận”, ông Hòa nhận định.
Nhưng Kido khó có lựa chọn nào khác. Ngành dầu ăn đang dần được chuẩn hóa và yếu tố thương hiệu không có ảnh hưởng nhiều. Như vậy, muốn có lãi tốt hơn thì chỉ có cách là phải chi phối được thị trường về giá cả, nghĩa là Kido phải tiếp tục thâu tóm để trở thành doanh nghiệp có thị phần đủ lớn để chi phối thị trường, qua đó có thể nâng giá lên.
Nhưng nguồn nguyên liệu sản xuất dầu ăn đang phải nhập nhiều, chủ yếu từ Malaysia - nước được miễn thuế thuộc Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Điều đó cũng có nghĩa, các công ty khác hoàn toàn có thể cạnh tranh với Kido về giá.
Từ thực tế đó, nếu Kido giữ giá bán thấp (và chấp nhận tỷ suất lợi nhuận thấp), họ có thể dễ chịu hơn về mặt cạnh tranh. Còn nếu nâng giá bán (để có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn), thì có thể ngay lập tức sẽ xuất hiện đối thủ mới tham gia thị trường.
Thâu tóm đối thủ để giải quyết thách thức
Có vẻ như Kido đã lường trước điều đó. Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido cho biết, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A để tiến xa hơn trong ngành thực phẩm. Trong đó, với mảng dầu ăn, Kido sẽ cùng Vocarimex thực hiện thủ tục mua lại 51% cổ phần của Golden Hope (Vocarimex hiện nắm 49% cổ phần công ty này).
Việc mua Golden Hope được kỳ vọng giúp Kido giải quyết được bài toán về giá và nguyên liệu đầu vào.
Đây là công ty liên doanh đầu tiên của ngành dầu thực vật Việt Nam, giữa Vocarimex và Sime Darby Plantation (Malaysia) - tập đoàn chuyên về đồn điền cao su và dầu cọ lớn nhất thế giới.
Với uy tín và bề dày hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất dầu tinh luyện, Golden Hope được đánh giá là một trong những hạt giống đỏ trong nền công nghiệp dầu thực vật tại Việt Nam. Marvela, Ông Táo, Super Olein (SO) và mới đây nhất là nhãn hiệu Delio nành, Delio hạt cải, Phúc Lộc Thọ là các sản phẩm dầu ăn của Golden Hope gây dấu ấn thị trường.
Ngoài ra, nhà máy của Golden Hope tiếp giáp cảng, nên có lợi thế cạnh tranh cao trong việc nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất từ Mỹ, Canada, Nam Mỹ, châu Âu, Malaysia…
Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng Golden Hope chỉ đạt doanh số khoảng 1.600 tỷ đồng/năm, chiếm 5,5% thị phần. Dẫu vậy, Kido vẫn quyết định mua, vì tin rằng, hệ thống và thế mạnh quản trị của Kido sẽ giúp công ty này hoạt động hiệu quả, giống như đã làm với Công ty Dầu thực vật Tường An (TAC). Trước khi Kido thâu tóm, Tường An cũng có kết quả kinh doanh không khả quan, nhưng khi về chung nhà, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Năm 2017, kết quả kinh doanh của Tường An tăng trưởng đột biến, với doanh thu gần 4.338 tỷ đồng, lợi nhuận đạt gần 166 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm trước.
Ngoài Dầu Tường An, hiện Kido nắm 51% cổ phần tại Vocarimex.
Bản thân Vocarimex cũng có khoản đầu tư vào hàng loạt công ty dầu ăn khác như Dầu thực vật Tân Bình (17,84%), Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè (49%), Dầu thực vật Cái Lân (24%).
Hiện thị phần dầu ăn của Kido chiếm trên 30% và đứng thứ 2 thị trường dầu ăn Việt Nam. Trong vài năm tới, Công ty kỳ vọng dẫn đầu thị trường này.
Chưa biết, khi thâu tóm thêm Golden Hope và Vocarimex, liệu Kido có bù đắp, nâng được lợi thế, năng lực cạnh tranh lên hay không, nhưng việc này chắc chắn giúp Kido giải quyết được thách thức về giá, nguyên liệu.