Viễn thông - Công nghệ
Thiết lập "vùng xanh" trên không gian mạng
Hữu Tuấn - 12/09/2021 15:32
Cần thêm “vắc-xin liều cao” để trị các loại virus tin giả, độc hại đang hoành hành, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch.



Virus tin giả lan tràn

Trong khi đại dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, khó lường, thì trên không gian mạng, tình trạng phát tán tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch lại có dấu hiệu gia tăng.

Mới đây, Công an huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã triệu tập V.T.L (trú tại thị trấn Mường Lát) vì đăng tải nội dung sai sự thật, bịa chuyện tại địa phương có 14 ca mắc Covid-19.

Tại Nghệ An, cuối tháng 8/2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông đã xử phạt ông N.T.L, bà N.T.G và bà V.T.T.H (cùng cư trú trên địa bàn TP. Vinh) 25 triệu đồng. Cả 3 người này đăng tin về việc TP. Vinh sẽ nâng mức áp dụng Chỉ thị 16 lên 16+ với nội dung “sẽ phong tỏa toàn thành phố và siết chặt hơn việc di chuyển của nhân dân, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng trên diện rộng nhằm tách F0 ra khỏi cộng đồng”, đã dẫn đến hiện tượng nhiều người dân TP. Vinh lo lắng, chen nhau đi chợ mua thực phẩm về tích trữ, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Còn tại TP.HCM, khi dịch bệnh bùng phát, lượng tin giả, sai sự thật, tin xấu độc xuyên tạc còn phức tạp hơn rất nhiều như tung tin “Quân đội thực hiện thiết quân luật tại TP.HCM”, “Tiêm vắc-xin Sinopharm dân bỏ về hết”,  “Người dân tự thiêu để phản đối chính sách trong phòng, chống Covid-19”… Chỉ trong cao điểm dịch bùng phát lần thứ tư tại TP.HCM, cơ quan chức năng đã gỡ bỏ 112 bài viết trên tài khoản mạng xã hội, 182 video trên kênh YouTube, 17 video trên ứng dụng Tiktok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc liên quan đến Covid-19 trên địa bàn. Từ tháng 4/2021 đến nay, TP.HCM đã khởi tố hình sự 2 vụ án, xử phạt 15 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là hơn 122 triệu đồng.

Trên bình diện toàn quốc, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết, từ năm 2020 đến nay, đơn vị này đã phối hợp với công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 466 đối tượng, nộp ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Chỉ  tính riêng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư hiện nay, Cục đã phối hợp xử lý hành chính 82 đối tượng, xử lý hình sự 1 đối tượng và tiếp tục theo dõi, nhận diện, xử lý các đối tượng khác theo quy định.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý và giám sát thông tin trên không gian mạng thời gian qua, Bộ nhận thấy tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống Covid-19 có dấu hiệu gia tăng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin của Chính phủ, việc sử dụng Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19; đưa thông tin sai lệch về diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP.HCM và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và các địa phương...

“Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc, cùng số lượng lớn các video clip tự phát được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội, nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của cả nước”, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.

Mới đây nhất, ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi cố ý thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch; cố tình lợi dụng, trục lợi trong thực thi nhiệm vụ.

Liều vắc-xin đặc trị tin giả

Để ngăn chặn, đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật, phải thiết lập các “vùng xanh” trên không gian mạng, tiêm “vắc-xin ý thức” cho người dân để phòng ngừa tin giả.

Để góp phần phòng tránh được các thông tin sai sự thật, tin giả, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần áp dụng quy tắc 5K, đó là: Không tin ngay - Không vội nhấn nút like (thích) - Không thêm thắt - Không kích động - Không vội chia sẻ.

Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Phòng 3 (A05) khuyến cáo, người dân khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội cần xem xét kỹ nội dung thông tin, so sánh, đối chiếu với những nguồn thông tin khác cũng như với sự việc trên thực tế; xem xét độ tin cậy của số liệu, thời gian, địa điểm, sự kiện, phát hiện những điểm mâu thuẫn, thiếu logic, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.

Còn theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc chủ động thông tin phòng chống dịch như TP.HCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - thành phố trả lời” là giải pháp hữu hiệu phòng chống tin giả, tin xấu độc. Bởi hiện tại, việc chống tin giả vẫn đang là chạy theo tin giả, gỡ bỏ tin này sẽ có tin khác xuất hiện, do đó việc phối hợp với Facebook, YouTube và Tiktok để họ chặn là cách làm thụ động, cần có cách làm chủ động hơn.

“Truyền thông chủ động, cung cấp thông tin chính xác, trực tiếp, nhanh chóng đến người dân để bảo đảm người dân có thông tin đầy đủ, kịp thời là giải pháp hạn chế, ngăn chặn tin giả hữu hiệu nhất. Cách truyền thông chủ động này sẽ giải quyết được ba bài toán là phản bác tin giả ngay tại nơi nó sinh ra; cung cấp trực tiếp cho người dân những thông tin chuẩn để họ không nghe tin giả; cung cấp được lượng thông tin lớn, giải thích các vấn đề chặt chẽ hơn”, ông Lê Quang Tự Do nói.

Cùng với các giải pháp về tuyên truyền, nhiều chuyên gia cũng hiến kế, muốn thiết lập “vùng xanh” trên mạng xã hội, cần gia tăng chế tài xử lý vi phạm, xử phạt nặng đối tượng tung tin giả.

Theo ông Phan Thanh Giản, Giám đốc dịch vụ truyền hình ClipTV, muốn chặn tin giả, tin xấu độc thì nên phạt thật nặng khi phát hiện người phát tán tin giả. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần làm việc với các nền tảng mạng xã hội để hạn chế các KOL (người dẫn dắt dư luận), người có sức ảnh hưởng lớn mà phát tán tin giả, nhằm hạn chế phát tán.

Đồng quan điểm, luật sư Phan Hoài Vũ, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, đối với các đối tượng vô ý lan truyền tin giả có trình độ nhận thức hạn chế thì áp dụng biện pháp tuyên truyền, răn đe, xử phạt hành chính, nhưng đối với các đối tượng tung tin giả có chủ đích nhằm gây rối trật tự, an ninh xã hội, gây hoang mang, kích động người dân thì nên nghiêm khắc xử lý hình sự để làm gương. Mạnh tay xử lý sẽ có tác dụng ngăn ngừa rất lớn, góp phần tạo “vùng xanh” trên không gian mạng.

Tin liên quan
Tin khác