Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, từ hệ thống chỉ tiêu thống kê phục vụ cơ chế quản lý, kế hoạch hoá tập trung với nhiều chỉ tiêu hiện vật, nặng về mô tả, chủ yếu phục vụ cho quản lý kinh tế vi mô, bước sang thời kỳ đổi mới, ngành Thống kê đã nhanh chóng đổi mới hệ thống chỉ tiêu thống kê, bổ sung nhiều chỉ tiêu giá trị phục vụ quản lý Nhà nước ở tầm vĩ mô và nhiều nhu cầu thông tin phong phú, đa dạng khác.
Đặc biệt, việc ngành Thống kê chuyển đổi phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng, nghiên cứu và áp dụng chỉ tiêu năng suất, hiệu quả đối với một số ngành sản xuất chủ yếu và chỉ số nguồn nhân lực, tăng cường áp dụng phương pháp điều tra chọn mẫu, xây dựng nhiều bảng danh mục theo chuẩn quốc tế, tăng cường thống kê xã hội, môi trường…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (thứ hai, từ trái sang) thừa ủy quyền Chủ tịch nước, trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ II) cho ngành Thống kê tại Lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập ngành |
“Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngày một hoàn thiện, phản ảnh đầy đủ hơn tình hình kinh tế - xã hội trong điều kiện, hoàn cảnh mới, phù hợp với thông lệ thống kê quốc tế, nâng cao tính so sánh của số liệu thống kê Việt Nam với các nước trên thế giới”, ông Lâm khẳng định.
Vẫn theo ông Lâm, trong những năm đổi mới vừa qua, đặc biệt là kể từ khi đưa Luật Thống kê năm 2003 vào cuộc sống, công tác thống kê đã có bước phát triển mới và đạt nhiều kết quả, tiến bộ trên mọi mặt: số lượng, chất lượng thông tin thống kê đã được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước; hệ thống tổ chức thống kê nhà nước tiếp tục được củng cố, hoàn thiện; phương pháp luận thống kê theo chuẩn mực quốc tế từng bước được hoàn thiện; hoạt động phổ biến thông tin thống kê được đổi mới với nhiều hình thức đa dạng… “Chính vì vậy, những thông tin thống kê do Tổng cục Thống kê công bố, cung cấp đã và đang là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, được các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tin cậy, sử dụng”, ông Lâm cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Luật Thống kê năm 2003 đi vào cuộc sống đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thống kê; vị trí pháp lý của cơ quan thống kê, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thống kê ngày càng được tăng cường; sự phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với thống kê bộ, ngành có những bước tiến đáng kể; công nghệ thông tin - truyền thông đã được áp dụng khá phổ biến trong công tác thống kê.
“Thông tin thống kê đã góp phần không nhỏ vào việc giúp Chính phủ trong công tác hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế, xã hội”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.
Bà Nguyễn Thúy Hoàn, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá rất cao hoạt động của ngành thống kê trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. “Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Chỉ số Năng lực thống kê quốc gia của Việt Nam luôn cao hơn trung bình của thế giới”, bà Hoàn tự hào.
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu hội nhập và phát triển của nền kinh tế, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, ngoài tiếp tục thực hiện Luật Thống kê năm 2003, thực hiện Luật Thống kê sửa đổi khi có hiệu lực, ngành Thống kê Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai Đề án Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê và Chiến lược Phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Đây là những căn cứ quan trọng để ngành Thống kê Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực, phát triển mạnh hơn, sâu hơn quá trình hội nhập với thống kê thế giới, đặc biệt là đáp ứng và thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị đã được Đảng và Nhà nước giao phó với mục tiêu là Thống kê Việt Nam phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở hoàn thiện hệ thống tổ chức, bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng đồng bộ phương pháp thống kê tiên tiến và tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại; hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt và hiệu quả với số lượng thông tin ngày càng đầy đủ và chất lượng thông tin ngày càng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thống kê Việt Nam đạt trình độ khá và năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực”, ông Lâm nhấn mạnh.
Ý kiến - Nhận định:
Nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn ngành
Ông Trần Duy Phú , Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ (Tổng cục Thống kê)
Tôi đã từng tham dự Đại hội Thi đua yêu nước ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê lần thứ II, tôi thấy Đại hội Thi đua yêu nước là hoạt động vô cùng ý nghĩa. Bởi đây là dịp để nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn ngành. Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, Đại hội chỉ là dịp để tổng kết hoạt động thi đua yêu nước. Vì thế, muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành cải tiến quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả làm việc, phục vụ doanh nghiệp, người dân ngày một tốt hơn, thì từng cơ quan, đơn vị trong ngành phải xây dựng, phát động phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, rộng khắp. Công tác thi đua - khen thưởng phải được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình, quy chế từ cấp cơ sở đến Trung ương.
Ở Tổng cục Thống kê, công tác thi đua - khen thưởng được đặc biệt coi trọng. Cụ thể, khi xây dựng kế hoạch công tác của toàn ngành thống kê cũng như của từng cục, chi cục thống kê, công tác thi đua - khen thưởng bao giờ cũng nằm trong kế hoạch. Hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thi đua - khen thưởng được thực hiện định kỳ, đột xuất. Kết thúc năm, việc bình bầu, đánh giá danh hiệu từ Lao động tiên tiến đến Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua cấp bộ hoặc các danh hiệu cao quý khác đối với từng cá nhân được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy trình, quy chế rất chặt chẽ và đặc biệt tránh làm hình thức.
Hơn 34 năm làm việc trong ngành thống kê tôi rất vinh dự 4 lần được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, 2 lần được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tặng bằng khen và từng được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ và đang được đề nghị tặng thưởng danh hiệu Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương lao động hạng Nhì, tôi mong muốn, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê lần thứ III tiếp tục nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn ngành.
Người nhận danh hiệu phải thực sự xứng đáng
Ông Trần Đăng Long, Chánh Văn phòng Tổng cục Thống kê
Xã hội có câu “đường, sữa chia từ trên chia xuống; cuốc, xẻng chia từ dưới chia lên”. Đường, sữa không chỉ là vật chất, mà còn là danh hiệu, bằng khen, giấy khen… các loại. Ở đơn vị khác tôi không rõ, còn ở Văn phòng Tổng cục Thống kê, “đường, sữa” không có chuyện “chia” mà người nhận phải thực sự xứng đáng, người chưa được nhận cũng thấy xứng đáng.
Để làm được điều này, khác với đơn vị khác, chúng tôi không để đến cuối năm mới bình bầu danh hiệu Chiến sỹ thi đua, mà ngay từ đầu năm, từ kết quả làm việc, phấn đấu trong công việc của từng cá nhân trong nhiều năm trước đó, lãnh đạo Văn phòng lựa chọn những người xứng đáng, không phân biệt là cán bộ hay chuyên viên, không phân biệt có thâm niên công tác hay chỉ mới vào nghề và giao “nhiệm vụ” cho họ phấn đấu đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, cấp bộ hoặc phấn đấu để được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Khi nằm trong diện “quy hoạch”, ai cũng cố gắng trong công việc, tình nguyện nhận những công việc khó khăn, phức tạp, không nghỉ phép nếu không thực sự cần thiết… vì họ đã biết rõ mục tiêu phấn đấu.
Với cách làm kể trên, tất cả cán bộ, chuyên viên của Văn phòng Tổng cục Thống kê đã từng được nhận danh hiệu các loại đều rất xứng đáng. Bởi trên thực tế, họ như những viên ngọc thô, khi đưa họ vào đối tượng phấn đấu để nhận danh hiệu các loại, họ có thêm động lực tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện mình cả trong công việc lẫn trong lối sống, thực sự là tấm gương cho người khác noi theo.
Bản thân tôi có hơn 29 năm làm việc trong ngành thống kê, trong đó 7 năm làm Chánh văn phòng, 5 năm làm phó vụ trưởng, phấn đấu liên tục, nhưng tôi cũng chỉ có 2 lần được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp bộ và bây giờ đang làm thủ tục đề nghị được tặng thưởng danh hiệu Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, tôi khẳng định rằng, ở Văn phòng Tổng cục Thống kê không có chuyện “đường, sữa chia từ trên chia xuống”.