Tài chính - Chứng khoán
Thua lỗ sâu, Agifish vẫn được định giá cao
Thanh Huyền - 01/04/2023 11:02
Mức giá khởi điểm mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán lô cổ phần tại Agifish cao gấp gần 10 lần thị giá, trong khi công ty này thua lỗ nhiều năm qua.
Ảnh minh họa.

SCIC vừa thông báo chào bán 2,3 triệu cổ phần (tương ứng 8,24% vốn điều lệ) của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish, mã AGF - UpCOM) mà SCIC đang sở hữu, theo hình thức trọn lô với giá khởi điểm 58,4 tỷ đồng.

Như vậy, mỗi cổ phần đợt chào bán này được định giá lên tới 25.400 đồng. Theo bản công bố thông tin của đợt chào bán, giá khởi điểm trên được xác định dựa trên chứng thư thẩm định giá và Công văn ngày 6/2/2023 của Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC.

Đáng nói là, mức giá này cao gấp gần 10 lần thị giá cổ phiếu AGF đang giao dịch (2.700 đồng/cổ phần). Thậm chí, giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần (BVPS) AGF đang âm 6.000 đồng/cổ phần. Hồi tháng 10/2016, SCIC cũng từng “đòi” bán lô cổ phiếu trên với giá 28.100 đồng/cổ phần, cao gấp 3 lần thị giá cùng thời điểm.

Báo cáo tài chính năm 2022 (đã kiểm toán) của Agifish cho thấy, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Công ty đạt 334,5 tỷ đồng, giảm 21,5% so với đầu năm. Đáng chú ý, Agifish đang phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 550,5 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, do lỗ lũy kế lên tới 866,6 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu của Công ty âm 172,7 tỷ đồng. Nợ của Agifish đến cuối năm 2022 là 503,4 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.

Trước khi lâm vào tình trạng trên, giai đoạn đầu những năm 2000, Agifish từng được xem là biểu tượng thành công của địa phương, là một trong những doanh nghiệp thủy sản hàng đầu của Việt Nam.

Không chỉ ghi nhận dấu ấn ở chế biến xuất khẩu cá tra và cá basa, AGF còn là doanh nghiệp đi đầu trong các hoạt động nuôi trồng, nghiên cứu phát triển nguồn giống cung cấp, phục vụ nhu cầu của vùng nguyên liệu. Năm 2011, Agifish được Hiệp hội Chế biến - Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chứng nhận là doanh nghiệp nằm trong top 3 xuất khẩu cá tra.

Đà suy giảm của Agifish bắt đầu từ năm 2017 khi bất ngờ báo lỗ 187 tỷ đồng rồi tiếp tục thua lỗ các năm sau đó, dẫn tới lỗ lũy kế 866,6 tỷ đồng vào cuối năm 2022 như đã nêu trên.

Trong tương lai ngắn hạn, khả năng vượt qua khó khăn và hồi phục của Agifish là không đơn giản. Bởi lẽ, theo VASEP, trong nửa cuối năm 2022, lạm phát cao ở các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, khối lượng xuất khẩu nhanh chóng giảm tốc trong khi hàng tồn kho vẫn ở mức cao. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức.

Tại báo cáo giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2022 công bố hôm 25/3, Agifish cho biết, Công ty đang trong quá trình tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, bao gồm cả việc thanh lý một số khoản đầu tư. Agifish cũng đang thỏa thuận với ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn lưu động cho sản xuất, kinh doanh thời gian tới, cung cấp dịch vụ gia công cá tra fillet xuất khẩu nhằm ổn định doanh thu, dòng tiền và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.

Tin liên quan
Tin khác