Y tế - Sức khỏe
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 22/8: Hà Nội thêm 7 ca mắc mới
D.Ngân - 22/08/2021 08:59
Từ 18 giờ ngày 21/8 đến 6 giờ ngày 22/8, Hà Nội ghi nhận 7 ca mắc mới trong đó 3 ca tại cộng đồng và 4 ca trong khu cách ly.

Thêm 11.208 người mắc Covid-19

Tính từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 22/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.214 ca nhiễm mới. Trong đó, 6 người nhập cảnh và 11.208 trường hợp ghi nhận trong nước.

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 91 người.

Ngày 21 - 22/8, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 737 ca tử vong.

Các bệnh nhân tử vong được ghi nhận tại TP.HCM (599), Bình Dương (62), Đồng Nai (25), Tiền Giang (22), Đồng Tháp (11), Cần Thơ (4), Long An (4), Hà Nội (2), Bến Tre (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Thừa Thiên - Huế (1), Vĩnh Long (1).

Số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 22/8 là 8.277, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 348.059 ca nhiễm, đứng thứ 68/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.540 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 343.972 người, trong đó, 144.893 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Trong ngày 22/8 có 7.580 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi là 147.667 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 687 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.

Hà Nội giảm nhanh ca mắc, TP.HCM tăng kiểm soát lưu thông

Với ổ dịch tại TP.HCM, để kiểm soát dịch Thành phố ban hành văn bản khẩn số 2796/UBND-VX về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Theo đó, từ 0 giờ ngày 23/8 đến ngày 6/9/2021, tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của TP.HCM, của Trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM triển khai thực hiện phương án 3 tại chỗ hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” (tối đa 1/4 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị) và phải có mặt tại cơ quan, đơn vị trước 0 giờ ngày 23/8/2021.

Các nhóm đối tượng được phép tham gia lưu thông vẫn thực hiện theo Công văn số 2718/UBND-VX ngày 15/8/2021 của UBND Thành phố, bắt buộc có giấy đi đường và dấu hiệu nhận diện theo quy định.

Riêng lực lượng giao hàng sử dụng ứng dụng công nghệ (shipper) tạm ngưng hoạt động tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện: 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn.

Tại Hà Nội, số ca mắc mới từ 12h ngày 22/8 đến 18h ngày 22/8 là 6, đều tại khu cách ly.

Như vậy tính từ 18h ngày 21/8 đến 18h ngày 22/8 ghi nhận 20 ca trong đó 4 ca ghi nhận tại cộng đồng, 16 ca ghi nhận tại khu cách ly.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 2.574 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.309 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.265 ca.

Nhằm phòng chống dịch, TP. Hà Nội thực hiện cách ly y tế phường Văn Chương và Văn Miếu, Hà Nội trong 14 ngày từ 18 giờ ngày 21/8 đến 18 giờ ngày 4/9/2021, sau khi ghi nhận 24 ca dương tính với SARS-CoV-2.

Đến 16 giờ ngày 21/8, Hà Nội đã lấy được 788.106 mẫu trong đợt xét nghiệm diện rộng lần 2; đạt 92% so với kế hoạch.

Tổng số mẫu đã có kết quả là 383.357 mẫu, trong đó số mẫu dương tính là 49 mẫu, số mẫu âm tính là 383.308 mẫu; còn 404.749 mẫu chưa có kết quả.

***

Phân bố bệnh nhân theo quận/huyện: Hoàng Mai (3), Đống Đa (2), Đông Anh (1), Hai Bà Trưng (1). 

Phân bố theo chùm ca bệnh: Chùm ho sốt thứ phát (5), Sàng lọc khu vực phong tỏa (2). Phân bố 3 trường hợp mắc mới tại cộng đồng theo quận huyện: Hoàng Mai (3) thuộc chùm ho sốt thứ phát.

Bộ Y tế lưu ý không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, từ ngày 27/4/2021 là 2.561 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.308 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.253 ca.

Để tăng cường công tác công tác phòng chống dịch bệnh, Công an Thành phố Hà Nội tổ chức triển khai kịp thời các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành của người dân khi ra đường và các phương tiện tham gia giao thông; việc cấp giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn.

Trong hai ngày 20 và 21/8, Tổ Công tác của Bộ Y tế hoạt động thường trực tại ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ đã tiến hành chuyển giao, đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế về một số kỹ thuật điều trị bệnh nhân Covid-19. 

Nội dung chuyển giao, tập huấn, gồm: Hướng dẫn giám sát, theo dõi trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19 như, nhận biết khi bệnh nhân suy hô hấp, phương pháp điều trị và kỹ thuật sử dụng máy thở trong điều trị; điều trị bệnh nhân có diễn tiến nặng và chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Chiều 21/8, tại cuộc họp báo cung cấp về tình hình phòng, chống dịch bệnh tại TP.HCM, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TP.HCM cho biết, thành phố bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong thời gian tăng cường biện pháp phòng, chống dịch để thực hiện siết chặt việc giãn cách từ sau 0 giờ ngày 23/8. 

Theo đó, phân vùng xanh (vùng an toàn) và vùng vàng (nguy cơ thấp) với người dân có điều kiện, chưa cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng có thể đi chợ một lần mỗi tuần. Những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ của thành phố.  

Ở vùng cam (nguy cơ cao) và vùng đỏ (nguy cơ rất cao) người dân chưa cần hỗ trợ, tổ công tác sẽ đi chợ giúp, người dân trả tiền, một tuần một lần; với những người khó khăn, sẽ nhận được các gói hỗ trợ...

Hưỡng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động tại TP.HCM

Ngày 21/8, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4042/QĐ- BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế (TYT) lưu động trong bối cảnh dịch Covid-19. 

Nhiệm vụ TYT là quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và tại cộng đồng; xét nghiệm Covid-19, gồm tổ chức xét nghiệm nhanh, tổ chức lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR; tiêm chủng vắc-xin phòng, chống Covid-19... 

Tùy theo tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, mỗi xã/phường/thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều TYT lưu động, bảo đảm mỗi cụm dân cư có khoảng từ 50 đến 100 trường hợp nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà thì có một TYT lưu động. 

Cùng ngày, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà. 

Theo hướng dẫn, người nhiễm Covid-19 được quản lý điều trị tại nhà là người được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu… 

Đồng thời, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SPO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường; tiêm đủ hai mũi hoặc một mũi vắc-xin Covid-19 sau 14 ngày; hoặc có đủ ba yếu tố như: Trẻ em hơn một tuổi; người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền theo quy định và không mang thai...

50.000 viên thuốc Remdesivir tới TP.HCM

Tối 21/8, chuyến bay chở lô thuốc Remdesivir gồm 50.000 lọ tiếp tục về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Đây là các lô hàng nằm trong số 500.000 lọ Remdesivir được Tập đoàn Vingroup nhập khẩu, tặng cho Bộ Y tế để phục vụ công tác điều trị Covid-19 khẩn cấp. Số thuốc này sẽ được Bộ Y tế kiểm định và xuất cấp trong đợt tiếp theo.

Tối 21/8, theo thông tin từ Bộ Y tế, đây là lần thứ 3 thuốc Remdesivir được xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.

Theo quyết định của Bộ Y tế, thuốc được cấp cho 11 bệnh viện (trong đó có các Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19), 13 sở y tế các tỉnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang, Hậu Giang và Cục Y tế, Cục Quân Y.

Trước đó, ngày 17/8, Bộ Y tế đã có quyết định xuất cấp lần 2 thuốc Remdesivir cho 17 đơn vị gồm các bệnh viện và một số sở y tế phía Nam. Lần cấp thuốc đầu tiên là ngày 8/8 với số lượng 10.000 lọ Remdesivir đã được đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM.

Như vậy, đến nay, 70.000 lọ thuốc Remdesivir phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 được Bộ Y tế xuất cấp.

Remdesivir là thuốc kháng virus được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19, từng được cựu Tổng thống Mỹ sử dụng.

Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ..., đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020. Đây cũng là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.

Theo hướng dẫn sử dụng của Bộ Y tế, thời điểm dùng thuốc Remdesivir là trong vòng 10 ngày đầu từ khi khởi phát bệnh và nên phối hợp với Dexamethasone. Thuốc ưu tiên sử dụng cho nhóm nguy cơ cao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, béo phì (BMI >25).

Bộ Y tế lưu ý không bắt đầu sử dụng thuốc cho người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, ECMO. Các trường hợp được điều trị bằng Remdesivir, trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO, bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc này cho đủ liệu trình.

Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ thuốc chống chỉ định với trường hợp phản ứng mẫn cảm với bất kỳ thành phần của thuốc; suy chức năng thận; tăng enzyme gan; suy chức năng đa cơ quan nặng. Đồng thời, phụ nữ có thai và cho con bú cần thận trọng khi sử dụng Remdesivir do chưa có dữ liệu đầy đủ.

Tin liên quan
Tin khác