Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 13/1: Nhiều người đi khám vì di chứng sau khi mắc Covid-19
D. Ngân - 13/01/2022 09:22
Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, vừa qua đã có nhiều người đi khám vì di chứng phổi, tim mạch sau khi mắc Covid-19.

Hà Nội: Gần 3.000 ca mắc mới, cả nước hơn 16.000 F0

Chiều 13/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 12/1/2022 đến 18 giờ ngày 13/1/2022 Hà Nội ghi nhận 2.969 ca bệnh.

Bệnh nhân phân bố tại 457 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (161); Long Biên (158); Bắc Từ Liêm (151); Đống Đa (144); Hoài Đức (143); Nam Từ Liêm (118), hai Bà Trưng (107), Thanh Trì (107),…

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 82.584 ca.

Còn theo Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 12/1 đến 16 giờ ngày 13/1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.725 ca nhiễm mới, trong đó 25 ca nhập cảnh và 16.700 ca ghi nhận trong nước (tăng 634 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.822 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nam Định (-99), Khánh Hòa (-95), Bà Rịa - Vũng Tàu (-71). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+416), Lạng Sơn (+121), Bến Tre (+94).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.012 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP. Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.975.444 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.019 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.969.294 ca, trong đó có 1.659.113 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (510.202), Bình Dương (291.804), Đồng Nai (99.069), Tây Ninh (84.070), Hà Nội (79.406).

Hơn 26.000 F0 công bố khỏi bệnh

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 26.031 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.661.930 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.006 ca, trong đó, thở ô-xy qua mặt nạ là 4.320 ca; thở ô-xy dòng cao HFNC là 798 ca; thở máy không xâm lấn là 143 ca; thở máy xâm lấn là 726 ca; ECMO là 19 ca

Từ 17 giờ 30 phút ngày 12/1 đến 17 giờ 30 phút ngày 13/1 ghi nhận 206 ca tử vong

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 218 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.170 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Người về Quảng Bình từ địa bàn dịch cấp độ 3 cần có xét nghiệm âm tính

Ngày 13/1, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình đã có hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch đối với người về hoặc đến địa phương trong dịp Tết Nguyên đán 2022.

Theo đó, địa phương khuyến khích, vận động người dân hạn chế di chuyển khi không thật sự cần thiết.

Trường hợp phải di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán, trước khi di chuyển người dân cần có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong vòng 72 giờ. 

Đối với các trường hợp về hoặc đến từ địa bàn có dịch cấp 3, cấp 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa), người dân cần có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, đồng thời, thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng PC COVID. 

Đối với những người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về/đến địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19) thì cần tự theo dõi sức khoẻ tại nhà/nơi lưu trú trong vòng 7 ngày kể từ ngày về/đến địa phương. 

Thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế và xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7.

Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan y tế gần nhất để theo dõi và xử trí theo quy định. 

Đối với người tiêm chưa đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp) thì sẽ thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 7 ngày, sau đó sẽ tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. 

Đối với người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19: Thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày về/đến địa phương; xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14; sau đó tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và luôn thực hiện thông điệp 5K. 

Những người về/đến từ địa bàn có dịch cấp 1, cấp 2 thì không cần xuất trình kết quả xét nghiệm khi đi lại (khuyến khích tự xét nghiệm) đồng thời thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng PC-COVID.

Tự theo dõi sức khoẻ và thực hiện thông điệp 5K. Khi có các biểu hiện ho, sốt, khó thở... thì liên hệ với trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan y tế gần nhất để theo dõi và xử trí theo quy định. 

Đối với trường hợp nhập cảnh, cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi).

Đối với những trường hợp không có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ thì bắt buộc phải lấy mẫu xét nghiệm ngay tại nơi nhập cảnh và chỉ được phép nhập cảnh sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính. Đồng thời, những trường hợp này phải chịu các chi phí về xét nghiệm và vận chuyển mẫu. 

Trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin Covid-19 sẽ thực hiện tiêm chủng vaccine Covid-19 (tiêm miễn phí) trong thời gian thực hiện cách ly (nếu đủ điều kiện). 

Đáng lo ngại

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, một trong những thách thức của ngành Y tế thời gian tới là sự xuất hiện của biến thể Omicron. Bên cạnh đó là việc phát hiện và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân hậu Covid-19 khi liên tiếp nhiều người dân phải đi khám do gặp các vấn đề sức khỏe sau khi mắc Covid-19.

Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, vừa qua đã có nhiều người đi khám vì di chứng phổi, tim mạch hậu Covid-19.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay, tại các bệnh viện, người dân đến khám chuyên khoa sau mắc Covid-19 không ít. Các tình trạng bệnh lý được ghi nhận rất đa dạng, như cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu Covid-19.

Chẳng hạn, thống kê trên 1.021 ca hậu Covid-19 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong 40 ngày qua cho thấy, đa số bệnh nhân hậu Covid-19 đi khám bệnh vì mệt mỏi, lo lắng, khó thở.

Có đến 510 bệnh nhân đến khám về hô hấp (gần 50%), 182 ca khám thần kinh, 134 ca khám tim mạch, 80 ca khám nội tiết, 66 ca khám tiêu hóa và 49 ca khám cơ xương khớp.

Trên thực tế, tình trạng người dân gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần hậu Covid-19 đã được các chuyên gia trong nước cảnh báo. 

Trên thế giới, ghi nhận về các triệu chứng hậu Covid-19 cũng rất phức tạp. Với trẻ em, các bệnh viện tại TP.HCM đã ghi nhận nhiều trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống MIS-C có thể gây trụy tim mạch và tác động lên nhiều cơ quan. Nhiều người lớn bị lo âu, mệt mỏi, mất ngủ kéo dài, khó thở sau khi khỏi Covid-19.

Trước tình hình trên, TP.HCM sẽ tổ chức tổng đài tư vấn sức khỏe tâm thần do các chuyên gia của Bệnh viện Tâm thần thành phố phụ trách. Đồng thời, khôi phục hoạt động điều trị các bệnh thông thường, chủ động phát hiện các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; tăng cường phối hợp đông tây y, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân.

Hà Nội: Hơn 53.000 F0 đang điều trị

Hiện toàn thành phố có 7/1284 điểm đang phong tỏa. Toàn thành phố có 53.315 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (133), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (218), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3157), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1335), cơ sở thu dung quận, huyện (5820), theo dõi cách ly tại nhà (42.652). 

Số ca tử vong trong ngày là 13 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 294 người. 

Về công tác tiêm chủng, trong ngày 12/1, toàn thành phố tiêm được 42.277 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là 13.392.358 mũi tiêm; 225.083 mũi bổ sung và 1.183.944 mũi vắc-xin nhắc lại. 

Cùng với các đơn vị tiêm chủng của thành phố, các bệnh viện trung ương và bộ ngành trên địa bàn đã tiêm được 1.400.323 mũi, trong đó (824.495 mũi 1; 575.828 mũi 2) tính đến hết ngày 14/12/2021. 

Hiện tại các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành Y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.

Bắc Ninh có 633 F0 là trẻ em

Toàn tỉnh hiện điều trị/quản lý 5.798 F0 (633 F0 là trẻ em); trong đó, quản lý tại nhà 2.180 F0. Có 369 ổ dịch đang hoạt động tại 8/8 huyện, thành phố. Bắc Ninh đã triển khai tiêm 2.788.615 liều vắc-xin cho các đối tượng người dân trên địa bàn tỉnh. 

Trong đó, có 386.131 người được tiêm mũi 3 (đạt 33,1%); 95,9% người trên 18 tuổi được tiêm đủ mũi vắc-xin; 96,4% người trên 50 tuổi được tiêm đủ mũi vắc-xin; 91,6% người từ 12-17 tuổi tiêm đủ mũi vắc-xin…

Hàn Quốc cấp phép sử dụng vắc-xin của Novavax

Hàn Quốc ngày 12/1 đã cấp phép sử dụng vắc-xin của Novavax có tên Nuvaxovid. Quyết định được Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc bắt đầu sử dụng thêm các công cụ dược phẩm khác nhằm ngăn chặn sự lây lan cả  biến thể Omicron.

Vắc-xin Nuvaxovid của Novavax là loại vắc-xin ngừa Covid-19 thứ 5 được cấp phép sử dụng ở Hàn Quốc ngoài các vắc-xin của Astra Zeneca, Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson. Tại Hàn Quốc, Nuvaxovid sẽ được công ty dược phẩm SK Bioscience của nước này sản xuất và phân phối.

Liệu trình tiêm vắc-xin của Novavax sẽ gồm 2 mũi cơ bản cho người trên 18 tuổi. Mỗi mũi cách nhau 3 tuần. 

Theo dữ liệu nghiên cứu ban đầu ở Anh, 2 mũi ban đầu vắc-xin Nuvaxovid có khả năng phòng bệnh là 89,7%. Trong khi đó, kết quả thử nghiệm tại Mỹ cho khả quan hơn khi hiệu quả lên tới 90,4%. Novavax đang kỳ vọng vắc-xin của hãng sẽ được sử dụng rộng rãi khi chỉ đòi hỏi điều kiện bảo quản đơn giản với tủ lạnh thông thường (từ 2-8 độ C).

Tỷ lệ nhập viện do Omicron thấp hơn Delta tại Mỹ

Một nghiên cứu mới đây được tiến hành với gần 70.000 bệnh nhân mắc Covid-19 ở California (Mỹ) cho thấy Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2.

Kết quả này phù hợp với những phát hiện tương tự từ Nam Phi, Anh và Đan Mạch, cũng như một loạt các thí nghiệm trên động vật.

Trong những tuần gần đây, Anh và một số quốc gia khác đã báo cáo rằng Omicron gây nguy cơ nhập viện thấp hơn.

Tại Mỹ, theo một nghiên cứu trên 69.279 bệnh nhân có triệu chứng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 từ ngày 30/11/2021 đến ngày 1/1/2022 với 75% số mẫu dương tính nhiễm biến thể Omicron và phần còn lại là Delta; kết quả cho thấy so với biến thể Delta, nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân mắc Covid-19 do biến thể Omicron giảm 50% và các bệnh nhân chỉ phải lưu viện trong thời gian ngắn hơn.

Trong số hơn 52.000 bệnh nhân nhiễm Omicron, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng không có bệnh nhân nào phải thở máy trong thời gian trên. Có 14 bệnh nhân nhiễm Delta đã tử vong, trong khi con số này ở bệnh nhân nhiễm Omicron chỉ là 1.

Nghiên cứu này cũng nhận định, vắc-xin khá hữu ích khi những người đã tiêm chủng có nguy cơ nhập viện thấp hơn từ 64% đến 73% so với những người không chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, ngay cả trong số những người chưa tiêm chủng, Omicron ít có khả năng dẫn đến nhập viện hơn so với Delta.

Tuy vậy, bất chấp độc lực của Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn, các bệnh viện ở Mỹ đang phải chống chọi với sự tăng vọt số ca mắc Covid-19.

Tin liên quan
Tin khác