Ô Xanh ra đời với tầm nhìn sứ mệnh là kiến tạo một cộng đồng tương trợ lẫn nhau vì bệnh hiểm nghèo. Với tinh thần lấy số đông “những người có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo” bù số ít “những người không may mắc bệnh hiểm nghèo”.
Phát triển nền tảng tương trợ vì bệnh nhân nghèo là Công ty cổ phần Công nghệ Internet Chiếc Ô Xanh và đơn vị bảo trợ Tập đoàn Khang Minh Group.
Muốn tham gia nền tảng người dùng tải App Oxanh về hoặc vào www.oxanh.vn để đăng ký, đăng nhập, khai báo thông tin, thanh toán phí để chính thức trở thành thành viên của Nền tảng Ô Xanh.
Ảnh minh hoạ |
Phí thành viên đóng vào tài khoản của từng thành viên chỉ từ 99.000 đồng đến 999.000 đồng/năm, tùy vào độ tuổi thành viên và gói tương trợ bệnh hiểm nghèo đăng ký từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng/ca bệnh.
“Ô Xanh” hoạt động trên nguyên tắc minh bạch, mỗi thành viên tham gia được cấp 1 tài khoản để theo dõi, quản lý khoản phí thành viên của mình và nhận thông tin về các hoạt động tương trợ trong cộng đồng.
Ô Xanh cung cấp báo cáo kiểm toán hàng tháng, công khai trên nền tảng trực tuyến để mọi thành viên đều có thể nắm được những thông tin cơ bản như tổng số thành viên của cộng đồng, tổng số tiền góp quỹ, tổng số ca nhận tương trợ trong tháng và những thông tin khác.
Các thành viên tham gia cộng đồng được đảm bảo mức tương trợ theo Quy ước, Điều khoản và cam kết nếu không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Nền tảng tương trợ trực tuyến Ô Xanh có kế hoạch xây dựng một cộng đồng tương trợ vì bệnh hiểm nghèo với số thành viên tăng trưởng mạnh theo thời gian, mục tiêu năm đầu tiên đạt 100.000 thành viên và lên đến hàng triệu thành viên cho những năm tiếp theo.
Nhiều tiến bộ mới trong điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật
Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật phối hợp với Phòng khám đa khoa Hoàng Long vừa tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề “Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật”.
Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong nước về tiêu hóa, gan mật và các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Hội nghị đưa ra nhiều báo cáo cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và quản lý bệnh lý tiêu hóa và gan mật như: Tiềm năng ứng dụng các xét nghiệm gen trong thực hành lâm sàng ung thư tiêu hóa gan mật; Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong phát hiện và chẩn đoán ung thư sớm đại tràng - Cập nhật UEG 2022; Cập nhật quản lý bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa (MAFLD 2022); Ứng dụng các dấu ấn sinh học mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư biểu mô tế bào gan…
GS.TS.BS Đào Văn Long, Chủ tịch hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật cho biết, các bệnh lý tiêu hóa gan mật ngày càng tăng ở nước ta và có xu hướng trẻ hóa. Trong khi đó, người bệnh thường phải sống chung với bệnh lý tiêu hóa.
Hiện nay Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới, đó là một tiềm năng lớn để tiếp cận công nghệ trong vực y tế một cách dễ dàng.
Xuất phát từ nhu cầu đó, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật đã nghiên cứu, xây dựng và cho ra đời phần mềm trên điện thoại thông minh GERDCare - hỗ trợ quản lý và theo dõi bệnh trào ngược dạ dày.
Việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo hay tiến bộ mới như GERDCare, người bệnh có thể nhận được những thông tin hữu ích về bệnh, theo dõi triệu chứng, chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, nhắc lịch uống thuốc và đặc biệt là có thể tương tác trực tiếp với bác sĩ. Theo đó, người bệnh hoàn toàn có thể theo dõi, quản lý tình trạng bệnh của mình ngay trên ứng dụng một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa không chỉ phù hợp với xu thế chuyển đổi số, sử dụng công nghệ y tế 4.0 hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt.
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc của bác sĩ nội soi. Hệ thống nội soi hiện đại được tích hợp công nghệ AI đang tạo ra những bước đột phá rộng trên khắp các lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành y tế.
Theo PGS. TS Đào Việt Hằng, Trường Đại học Y Hà Nội, Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, hiện nay tỷ lệ bỏ sót polyp đại tràng trên thế giới đang dao động từ 20-47%.
Theo một nghiên cứu dọc trong 10 năm, mỗi 1% tăng được tỷ lệ phát hiện u tuyến trong đại tràng sẽ giúp bệnh nhân giảm 3% tiến triển thành ung thư đại tràng. Vì vậy, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa là xu thế tất yếu và mang đến những kết quả đột phá trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa.
Tại hội nghị, PGS, TS Đào Việt Hằng giới thiệu những cập nhật xu thế mới nhất trong ứng dụng AI ở lĩnh vực này từ Tuần lễ Tiêu hóa châu Âu (UEG 2022); các kết quả nghiên cứu đạt được trong thực tế tại Việt Nam khi sử dụng hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Fujifilm (CADEYE), cũng như các bước đã đạt được của dự án xây dựng thuật toán trí tuệ nhân tạo do nhóm các chuyên gia Việt Nam triển khai.
Chủ đề “Tiềm năng ứng dụng các xét nghiệm gene trong thực hành lâm sàng ung thư tiêu hoá gan mật” cũng được đưa ra phân tích để thấy được những bằng chứng khoa học cụ thể, tiềm năng phát triển thực tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Trong tương lai, nếu các công nghệ và kỹ thuật mới này sớm được nghiên cứu, triển khai và ứng dụng rộng rãi hơn nữa sẽ giúp cho người bệnh mắc bệnh lý tiêu hóa, gan mật phát hiện và điều trị sớm các dấu hiệu ung thư.
Trao tặng kỷ niệm chương cho 2 trường hợp hiến tặng mô, tạng sau khi chết não
Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Trường Đại học Y Hà Nội vừa tổ chức lễ truy tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho bà Nguyễn Thị Hồng Hải (Hà Nội) và ông Đào Đức Lợi (Bắc Ninh) đã hiến tặng toàn bộ mô, tạng sau khi qua đời do chết não.
Ông Đào Đức Lợi gặp tai nạn bị chết não không thể qua khỏi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Gia đình của ông Lợi đã đồng ý quyết định hiến tặng toàn bộ cơ thể.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Điều phối ghép tạng đã cử một êkíp bác sĩ đón bệnh nhân về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và tiến hành lấy một tim, một gan, hai thận ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 3 mạch máu và 5 gân gửi vào Ngân hàng mô của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 2 giác mạc chuyển về Bệnh viện Mắt Trung ương.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Hồng Hải cũng bị chết não, con gái của bà đã xin ý kiến cả gia đình để quyết định hiến tặng mô, tạng của mẹ theo di nguyện của bà khi còn sống.
Các bác sĩ tiến hành lấy phổi tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuyển về Bệnh viện Trung ương Quân đội 108; gan, hai thận, 3 mạch máu và 5 gân về Ngân hàng mô của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 2 giác mạc chuyển về Bệnh viện Mắt Trung ương.
Tại lễ truy tặng kỷ niệm chương, PGS. TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người gửi lời chia buồn và tri ân sâu sắc đến gia đình bà Hải và ông Lợi đã quyết định hiến tặng mô, tạng của người thân mình để cứu thêm tính mạng nhiều người khác. Nghĩa cử cao đẹp này đã giúp nhiều người nhìn thấy ánh sáng, nhiều người hồi sinh nhờ tim, gan, thận hiến.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cũng cho biết đây là lần đầu tiên việc lấy tạng của người chết não được thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội, đơn vị chưa thực hiện ghép tạng bao giờ. Nhưng các y, bác sỹ đã cố gắng ở mức cao nhất để việc lấy tạng và ghép tạng diễn ra suôn sẻ.
PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội bày tỏ, hiện có 5% người cho chết não - con số khá ngược với thế giới. Do đó, ông Hiếu cho rằng cần phải truyền thông rộng rãi hơn nữa để mọi người hiểu để không bỏ phí nguồn tạng cứu sống nhiều người mang trọng bệnh.
Theo thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tới nay các bác sỹ ở Việt Nam đã thực hiện được hơn 7.000 ca ghép tạng, chủ yếu là nguồn từ người hiến sống. Mặc dù nhu cầu ghép mô tạng đang rất lớn, nhưng nguồn tạng từ người cho chết não vẫn còn khan hiếm, mới chỉ có hơn 100 trường hợp chết não hiến tạng.
Những năm gần đây, hiến tạng từ người cho chết não đã tăng lên với số lượng tích cực. Riêng trong năm 2022 đã có khoảng 10 trường hợp chết não hiến tạng.
Trung tâm điều phối ghép tạng cũng đã tổ chức buổi lễ phát động hiến mô tạng tại Trường Đại học Y Hà Nội - nơi có rất nhiều sinh viên y khoa, để lan tỏa cho cộng đồng nâng cao hơn nữa hiểu biết về việc hiến mô tạng từ những người chết não, cũng tại đây rất đông sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội đã đăng ký hiến mô tạng.