Cứu thai nhi phát triển bất cân xứng
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, sản phụ N.T.T mang song thai chung một bánh nhau, hai buồng ối. Từng sảy thai nên sản phụ được các bác sĩ theo dõi thai kỳ rất kỹ lưỡng.
Khi ở tuần thai thứ 16, siêu âm ghi nhận các chỉ số hai bào thai quá chênh lệch. Trong đó, một thai nhỏ hơn 67% so với thai còn lại, cảnh báo nguy cơ cao thai lưu.
Nói về ca bệnh, theo bác sĩ Trần Lâm Khoa, Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, sản phụ mang song thai sẽ có chung bánh nhau nuôi bào thai dẫn đến hội chứng truyền máu song thai, thiếu máu, đa hồng cầu, bơm máu đảo ngược trong song thai hoặc thai chậm tăng trưởng chọn lọc.
Trong trường hợp sản phụ này, được xác định thai giới tăng trưởng chọn lọc (selective fetal growth restriction-sFGR).
Các bác sĩ đang nỗ lực chăm sóc cho em bé sơ sinh. |
Đây là tình trạng một bào thai có thể nhận được ít phần nhau thai hơn so với thai còn lại, lưu lượng máu và dinh dưỡng đến nuôi thai ít hơn khiến một thai chậm phát triển trong tử cung, khiến thai phát triển bất cân xứng. Tình trạng này thường gặp ở nhóm song thai một bánh nhau, tỷ lệ mắc được báo cáo khoảng 12-25%.
Việc song thai có mức chênh lệch bất thường ở khoảng 20-25%, cao nhất khoảng 40% cũng gặp ở nhiều sản phụ, tuy nhiên, việc chênh lệch giữa hai thai tới 67% như sản phụ rất ít gặp.
Bình thường, song thai chênh lệch cân nặng 25% trở lên nguy cơ cao dẫn đến thai lưu trong tử cung, tổn thương não, suy hô hấp, xuất huyết nội sọ, co giật, nhiễm khuẩn, viêm ruột hoại tử, chậm phát triển tâm thần vận động, sinh non tháng.
Với sản phụ này, bào thai bé hơn có nguy cơ tử vong trong buồng tử cung, sẽ khiến cho thai còn lại cũng gặp nhiều tổn thương như thiếu máu nặng, tổn thương não, gây ra nguy cơ hỏng cả hai bào thai.
Trước nguy cơ của thai nhi, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi kẹp tắc rốn của thai bé hơn. Sau can thiệp, bào thai còn lại phát triển bình thường, cân nặng tăng đều theo tuần.
Sau khi phẫu thuật sản phụ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Ở tuần 24, sản phụ mắc tiểu đường thai kỳ, thai giữ được không tăng cân. Ê-kíp xây dựng phác đồ điều trị đái tháo đường cho thai phụ bằng insulin.
Nhằm giúp sản phụ vượt qua khó khăn, các bác sĩ duy trì cho bào thai phát triển trong bụng mẹ đến tuần 37,5 thì quyết định mổ. Bé trai nặng 2,6kg chào đời khỏe mạnh trong niềm vui vỡ òa của gia đình sản phụ. Bào thai lưu trong tử cung người mẹ cũng được lấy ra, bác sĩ lau sạch buồng tử cung trước khi đóng vết mổ.
Từ ca bện nêu trên bác sĩ khuyến cáo, sản phụ mang song thai nói riêng hay đa thai nói chung đều có nhiều nguy cơ, cần theo dõi chặt chẽ.
Thai phụ dễ có tình trạng bánh nhau cũng phân chia không đồng đều, thông nối mạch máu không cân bằng giữa hai thai dẫn đến các biến chứng trong song thai một nhau như hội chứng truyền máu trong song thai, thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, thai thiếu máu-đa hồng cầu, thai không tim.
Trong trường hợp bất thường việc giảm thai có chọn lọc được cân nhắc nhằm giảm tổn hại về sức khỏe, tinh thần cho mẹ và bé.
Cảnh báo lừa đảo thông báo nợ tiền khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Một bệnh nhân tại TP.HCM nhận được cuộc gọi thông báo nợ tiền khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lên đến 29 triệu đồng. Nếu không thanh toán, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ gửi hồ sơ lên tòa án.
Cách đây ít ngày, nữ bệnh nhân N.T.T. nhận một cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Người gọi nhận là người của cơ quan bảo hiểm xã hội báo về khoản nợ chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế lên đến 29 triệu đồng.
Đối tượng còn cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như số căn cước công dân, mã thẻ bảo hiểm y tế, ngày sinh của bệnh nhân để tăng tính chân thực.
Người này yêu cầu người bệnh thanh toán khoản nợ bằng chuyển khoản, nếu không cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ gửi hồ sơ lên tòa án.
Người bệnh từ chối thực hiện yêu cầu trên và báo với Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM vì trong năm 2023, bà T. chỉ khám, sử dụng dịch vụ của bệnh viện này và thanh toán đầy đủ.
Đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM cho biết cơ sở này đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân về những khoản nợ bảo hiểm y tế và nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Sau khi xác minh và điều tra, bệnh viện khẳng định đây là một chiêu thức lừa đảo khá phổ biến hướng tới những người nhẹ dạ cả tin.
Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM khuyến nghị người dân thường xuyên cập nhật tin tức, nâng cao cảnh giác và báo cho các cơ quan chức năng để được hỗ trợ xử lý khi nhận được các cuộc gọi tương tự.
Về vấn đề này, hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thực hiện việc thông báo qua cuộc gọi hay tin nhắn về chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Người dân khi nhận cuộc gọi hay tin nhắn về nội dung này cần từ chối thực hiện yêu cầu và thông báo cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan Bảo hiểm xã hội gần nhất trên địa bàn để được hỗ trợ, hướng dẫn.
Ngoài ra, người dân có thể tải ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số trên điện thoại để cập nhật những thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, quá trình tham gia, thông tin hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, lịch sử khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Phát hiện bệnh nhân mắc Whitmore tại Đắk Lắk
Ngày 13/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm một trường hợp mắc bệnh nhân mắc bệnh tại huyện Ea Súp. Đây là trường hợp thứ 2 mắc bệnh Whitmore trong năm 2023 tại Đắk Lắk.
Bệnh nhân là L.V.L nam, sinh năm 1964, trú tại xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Theo bệnh nhân, khoảng 2 tháng trước bệnh nhân bị gãy xương cẳng chân phải và đã phẫu thuật.
Đến ngày 4/12, vết thương còn dịch mủ nên bệnh nhân xin nhập viện và điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán nhiễm trùng vết thương cẳng chân do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (bệnh Whitmore).
Hiện tại sức khỏe bệnh nhân diễn tiến tốt và đang được tích cực chăm sóc, điều trị tại bệnh viện.
Ngay khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân mắc bệnh Whitmore, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và Trạm y tế xã Cư Kbang tiến hành điều tra dịch tễ, tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa bàn, đồng thời tích cực tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Whitmore theo khuyến cáo của Bộ Y tế.