Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 18/8: Nhiều trẻ mắc tim bẩm sinh được cứu sống
D.Ngân - 18/08/2023 07:33
Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đã có hàng trăm trẻ mắc tim bẩm sinh được cứu sống nhờ phương pháp mới.

Hàng trăm trẻ mắc tim bẩm sinh được cứu sống nhờ phương pháp mới

Bệnh nhi H.T (3 tháng tuổi ở Ý Yên, Nam Định) là trường hợp thứ 699 mắc tim bẩm sinh được các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương sửa chữa tổn thương thông liên thất bằng kỹ thuật ít xâm lấn qua đường nách bên phải.

Các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch đang phẫu thuật cho bệnh nhi.

Trước đó, bệnh lý thông liên thất khiến bé H.T bú kém, mồ hôi nhiều, thở bị hóp bụng, không nuốt được, thường xuyên trào sữa ra ngoài khi bú.

Sau phẫu thuật, bé H.T ăn uống tốt hơn, nhanh chóng bình phục sức khỏe. 9 ngày sau phẫu thuật bé đã được xuất viện trong niềm hân hoan của gia đình và các y bác sĩ.

Trường hợp thứ 700 là bệnh nhi 10 tháng tuổi, nặng 5,5 kg mắc bệnh tim bẩm sinh (Tứ chứng Fallot) đã được đích thân Giáo sư Kotani, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản (người trực tiếp chuyển giao công nghệ cho các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương) và TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch thực hiện trong sáng 7/8/2023 vừa qua.

Ca phẫu thuật kết thúc lúc 15 giờ cùng ngày, ghi dấu mốc ca bệnh thứ 700 được phẫu thuật tim thành công bằng kỹ thuật ít xâm lấn qua đường nách tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Là người trực tiếp được nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản 5 năm trước, TS.BS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đường mổ mới và kỹ thuật mổ đặc biệt khiến chúng tôi vô cùng thích thú khi nhận chuyển giao.

Mổ qua đường nách bên phải cho các bác sĩ một cách nhìn hoàn toàn khác so với đường mổ giữa. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp này bởi nếu không thể sửa chữa tất cả tổn thương của bệnh nhi như đường mổ giữa, thì việc mổ qua đường nách sẽ thất bại.

"Tiêu chí hàng đầu của chúng tôi là bảo đảm an toàn cho bệnh nhi và mọi tổn thương trong tim được sửa chữa như phẫu thuật đường giữa thì mới chỉ định kỹ thuật này”, bác sĩ Trường nói.

TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, phẫu thuật ít xâm lấn qua đường nách bên phải được các chuyên gia của Bệnh viện Trường đại học Okayama, Nhật Bản chuyển giao cho Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2018 và được các bác sĩ của Trung tâm Tim mạch thực hiện độc lập từ năm 2018 đến nay.

Trước đó, để thực hiện phẫu thuật tim hở, các bác sĩ chỉ có 1 phương pháp tiếp cận đến tim qua đường mổ dọc toàn bộ xương ức ở giữa ngực theo đường mổ kinh điển. Cách mổ này để lại sẹo mổ dài trước ngực và có thể có một số biến chứng khi tiến hành tách xương ức, thời gian hậu phẫu dài, trẻ phải chịu đau đớn hơn sau phẫu thuật.

Khi thực hiện phẫu thuật tim bằng kỹ thuật ít xâm lấn, hầu hết các bệnh nhi đều được tiến hành giảm đau tại chỗ, giúp giảm đau hiệu quả và giảm tỉ lệ sử dụng các thuốc an thần, giảm đau khác theo đường tĩnh mạch.

“Phần lớn các bé đều được rút ống nội khí quản trong vòng 6 giờ đầu sau phẫu thuật và có thể rút ống nội khí quản đồng thời tự thở ngay tại phòng mổ ”, TS.BS Cao Việt Tùng nói.

Báo động bệnh nhân suy thận mạn đang dần trẻ hóa

Trong khoảng 5 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5 - 10%, tạo nên gánh nặng cho y tế, gia đình và xã hội.

Hiện có khoảng gần 150 bệnh nhân lọc máu chu kì tại khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Bệnh nhân B.T.H, nữ 23 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội), sức khỏe bình thường, không triệu chứng rõ rệt, bệnh nhân đi khám sức khỏe để xin việc, phát hiện ra suy thận mạn.

Bệnh nhân được tư vấn quản lý theo chuyên khoa thận tại một cơ sở y tế, khoảng 2 năm thì tương đối ổn định. Sau đó, bệnh nhân H nghe theo người quen uống thuốc nam, sau 2 tuần thì bệnh tiến triển nặng lên, bắt buộc phải điều trị thay thế thận bằng hình thức lọc máu chu kỳ.

Bệnh nhân nam T.T.A, sinh năm 1997, trú tại Long Biên, Hà Nội cho biết mình không có triệu chứng gì, chỉ mệt đau đầu, đi khám thì phát hiện bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị lọc máu cấp cứu ngay.

“Hàng tuần, tôi chạy thận 3 lần. Chi phí mỗi lần chạy thận không ít. Mắc bệnh nên tôi không có đủ sức khỏe lao động, sống phụ thuộc vào gia đình. Bác sĩ nói tôi phải sống chung với căn bệnh này suốt đời”- anh T.T.A buồn bã nói.

Theo TS. Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh thận mạn có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây, có trường hợp nam thanh niên 18 tuổi chỉ được phát hiện ra bệnh thận giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Ngoài những nguyên nhân dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối như di truyền, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tư miễn... thì với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Đơn cử như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng với lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn. Tỉ lệ bệnh nhân nam suy thận mạn nhiều hơn nữ.

Hệ lụy từ nhóm bệnh nhân này, khi đang trong độ tuổi lao động, nếu bị mắc bệnh thì làm giảm sức khỏe của chính bản thân người bệnh và giảm sức lao động của gia đình, xã hội. Sau đó là gánh nặng kinh tế cho gia đình, gánh nặng cho y tế.

Triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.

"Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo (lọc máu) sẽ gây ra các biến chứng và thậm chí là tử vong. Suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính", TS. Nguyễn Văn Tuyên cho biết thêm.

Hà Nội chỉ đạo không lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành văn bản số 2578/UBND-KGVX ngày 15/8/2023 yêu cầu ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các sở, ban ngành của thành phố chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch, không lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thành phố yêu cầu ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch bệnh và các bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng… không để dịch bùng phát trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh; chủ động theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch bệnh.

UBND Thành phố yêu cầu Sở Y tế theo dõi sát, đánh giá tình hình, dự đoán diễn biến dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác; đề ra giải pháp khắc phục kịp thời các khó khăn, tồn tại; tăng cường giám sát dịch tễ dịch Covid-19 và các bệnh truyền… triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch bùng phát.

Ngoài ra, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố để tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông dịch bệnh, trách nhiệm của người dân trong việc tham gia các hoạt động diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và công tác phòng, chống dịch để kịp thời định hướng truyền thông, vận dụng truyền thông trong phòng, chống dịch bệnh…

UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội và các tổ chức chính trị-xã hội của thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các đoàn thể, tổ chức chính trị, chính trị xã hội tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Tin liên quan
Tin khác