Đề phòng sốc nhiệt do nắng nóng
Khi tiếp xúc với môi trường nắng nóng nhiệt độ cao gây nên sự mất cân bằng về nhiệt lượng, khi đó nhiệt độ trong người sẽ tăng lên đột ngột, gây rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.
Sốc nhiệt thường xảy ra khi nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, tuy ít phổ biến nhưng rất nghiêm trọng. Theo các chuyên gia cảnh báo, sốc nhiệt do nắng nóng gay gắt có thể gây ra đột quỵ rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, tương đương với đột quỵ do tim hoặc đột quỵ do não.
Các đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt thường là nông dân làm việc ngoài đồng ruộng công nhân, thợ xây làm việc ngoài trời, vận động viên thi đấu hay luyện tập dưới điều kiện nắng nóng…
Ảnh minh hoạ |
Người bị sốc nhiệt thường có các biểu hiện như: Sốt cao (39 - 40 độ C); đau đầu, choáng váng; buồn nôn hoặc nôn; nóng bừng mặt; hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, ngất xỉu…
Một số trường hợp không ra mồ hôi, nhưng có trường hợp ra mồ hôi đầm đìa (do sốc nhiệt đến muộn), đôi khi có hiện tượng chuột rút. Những trường hợp bị sốc nhiệt nặng thường sốt rất cao, chóng mặt, ngất xỉu, lú lẫn hoặc nặng hơn là co giật, thở nhanh, khó thở, hôn mê, trụy tim mạch…
Việc sơ cứu ban đầu cho người bệnh bị sốc nhiệt rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị và di chứng sau này. Tùy từng mức độ mà có hướng xử trí thích hợp nhưng điều trị sốc nhiệt tập trung vào việc làm mát và đưa nhiệt độ cơ thể về nhiệt độ bình thường để dự phòng hoặc làm giảm các tổn thương não và các cơ quan quan trọng.
Khi gặp trường hợp người có biểu hiện sốc nhiệt cần phải nhanh chóng đưa nạn nhânđến khu vực có bóng mát, thoáng gió, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ nhiệt độ. Đồng thời, gọi xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Sốc nhiệt cần được cấp cứu kịp thời vì tình trạng sốc nhiệt có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận, gan, cơ và nhiều cơ quan khác. Tổn thương càng nặng nếu điều trị càng muộn, làm tăng nguy cơ tử vong và di chứng đặc biệt là di chứng não.
Để phòng tránh tình trạng say nóng, sốc nhiệt vào mùa nắng nóng mỗi người dân cần lưu ý hạn chế đi ra ngoài đường khi không thật cần thiết, nếu bắt buộc phải đi ra đường thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng sáng màu, đeo kính chống nắng, uống nhiều nước.
Những người lao động ngoài trời, có thể uống bổ sung các loại nước hoa quả, nước oresol, thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tránh làm việc liên tục ngoài trời trong khoảng thời gian 12-15 giờ.
Kế hoạch cung ứng các vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế vừa có công văn 448/DP-TC hướng dẫn xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng các vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng.
Cục Y tế dự phòng hướng dẫn về đối tượng, lịch tiêm chủng vắc-xin bắt buộc trong Tiêm chủng mở rộng như sau:
Trẻ sơ sinh: Vắc-xin viêm gan B; Trẻ dưới 1 tuổi: Vắc-xin BCG, bOPV, DPT-VGB-Hib, IPV, Sởi; Trẻ từ 1 - 5 tuổi: Vắc-xin viêm não Nhật Bản B; Trẻ từ 18 - 24 tháng: Vắc-xin sởi-rubella, DPT; Phụ nữ có thai: Vắc-xin uốn ván.
Cục Y tế dự phòng cho biết đối tượng, lịch tiêm chủng các vắc xin khác đưa vào Tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới bao gồm: Trẻ dưới hoặc trên 1 tuổi: Vắc-xin IPV mũi 2 (Vắc-xin này sẽ tiếp tục được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ từ 9 tháng tuổi trên toàn quốc theo dự án do GAVI hỗ trợ); Trẻ 7 tuổi: Vắc-xin phòng bạch hầu, uốn ván sẽ được triển khai cho trẻ từ 7 tuổi tại vùng nguy cơ cao theo đề xuất của các tỉnh, thành phố; Trẻ dưới 1 tuổi: Vắc-xin Rota.
Các vắc-xin được đưa vào trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin Bộ Y tế, tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.