Chủ động phòng chống dịch bệnh
Để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ đến trường, bên cạnh việc chủ động chăm sóc trẻ thông qua các nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng, tăng sức đề kháng giúp trẻ chống chọi với dịch bệnh, việc tuân thủ các khuyến cáo của ngành Y tế là rất cần thiết.
Đặc biệt, trong mùa tựu trường, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, sốt xuất huyết và một số dịch bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ xuất hiện để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết.
Bộ Y tế đề nghị các trường học xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong trường học trong đó tập trung vào các bệnh có nguy cơ cao như dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, Covid-19, dịch cúm...
Giáo viên Trường Tiểu học Thái Đào (Lạng Giang) hướng dẫn sử dụng nước sát khuẩn. Nguồn: baobacgiang |
Cùng với đó, các đơn vị củng cố, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và các phương tiện phòng chống dịch theo quy định; thành lập đội xung kích diệt bọ gậy, tổ giám sát công tác diệt bọ gậy trong trường học, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đội, các tổ, các thành viên.
Đề nghị các trường học tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, vận động hướng dẫn cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực, chủ động thực hiện công tác vệ sinh môi trường; thực hiện tốt biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay với xà phòng, nước sạch, đeo khẩu trang, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi.
Các trường cũng thường xuyên kiểm tra, phát hiện và diệt bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể đọng nước không sử dụng; thường xuyên thay nước, có rửa các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bể cảnh, hòn non bộ...
Các trường học cũng chủ động giám sát phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, dịch bệnh truyền nhiễm trong trưởng học; phối hợp với y tế địa phương trong công tác phòng chống dịch, xử lý các trường hợp mắc bệnh kịp thời.
Triển khai công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh tới người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình.
Đến thời điểm hiện tại, nước ta đã hoàn thành mục tiêu hơn 80% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1 vắc-xin phòng Covid-19, tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 triệu trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi và 2 triệu trẻ trong độ tuổi chưa tiêm vắc-xin.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát trở lại, trẻ cần được tiêm vắc-xin để đảm bảo an toàn đến trường.
Tiêm vắc-xin là điều kiện tiên quyết để có miễn dịch cộng đồng chống lại virus SARS-CoV-2, đặc biệt là nhóm dễ bị tác động khi học sinh trở lại trường là trẻ nhỏ trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi.
Năm học mới đã bắt đầu, nhiều tỉnh, thành tỷ lệ tiêm chủng vẫn thấp
Ngày 4/9, Bộ Y tế đã cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19, tổng số vắc-xin đã tiêm ở nước ta đến nay là 257.439.674 mũi.
Nhóm từ 5- dưới 12 tuổi, đến nay sau 4 tháng 21 ngày triển khai tiêm trên toàn quốc, tổng số mũi vắc-xin Covid-19 đã tiêm cho trẻ trong độ tuổi này là 15.704.478, trong mũi 1: 9.478.938 trẻ (đạt tỷ lệ 85,1%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 70% là: Đà Nẵng (60,9%); Quảng Nam (69,3%); TP. HCM (56,7%); Bà Rịa - Vũng Tàu (66,9%); Bình Dương (60,6%).
Mũi 2: 6.225.540 trẻ (đạt tỷ lệ 55,9%);
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 39% là: Đà Nẵng (21,7%); Quảng Nam (22,9%); TP. HCM (31,7%); Bà Rịa - Vũng Tàu (38,6%); Bình Dương (27,2%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (90,1%); Sóc Trăng (94,7%); Cà Mau (85,0%).
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm mũi 3: Tổng số có 50.126.328 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,8%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp: Bình Định (57,4%); Khánh Hòa (55,5%); Đồng Nai (52,7%); Đồng Tháp (58,7%); Bình Phước (58,0%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Thanh Hóa (95,7%); Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 14.499.377 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 76,7%).
5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp: Đà Nẵng (47,9%); Phú Yên (59,4%); TP. HCM (50,8%); Đồng Nai (53,7%); Tây Ninh (54,9%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 cao: Bắc Giang (98,8%); Hưng Yên (97,3%); Bắc Cạn (99,1%).
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 4.615.875 trẻ (đạt tỷ lệ 53,5%).
5 tỉnh, thành tiêm mũi 3 thấp: Đà Nẵng (30,7%); Phú Yên (17,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (15,3%); Đồng Nai (24,3%); Bình Dương (22,7%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Bắc Giang (92,4%); Quảng Ninh (88,1%); Sóc Trăng (90,8%).
Hà Nội đang trong cao điểm sốt xuất huyết
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Hà Nội đã ghi nhận 308 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 22 ổ dịch mới, không có trường hợp nào tử vong.
Cộng dồn năm 2022, Hà Nội đã ghi nhận 1.342 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong; số mắc tăng gấp 3 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021.
Các ca sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại một số quận, huyện như: Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hoàng Mai, Ba Đình…
Hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết trong năm, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, vừa qua, kết quả giám sát của Hà Nội cho thấy, nhiều điểm trên địa bàn có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng; nguy cơ dịch sốt xuất huyết lan rộng rất lớn nếu không có các biện pháp phòng chống.
Đáng chú ý, gần đây cùng với tăng số ca mắc, các cơ sở y tế cũng đã ghi nhận nhiều ca biến chứng nặng, thậm chí nguy kịch do sốt xuất huyết.
Trong bối cảnh dịch chồng dịch như hiện nay, nhiều người có thể nhầm lẫn giữa cúm và sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết với Covid-19 mà chủ quan với các biến chứng của sốt xuất huyết.
Vì vậy, nếu người dân khi có bất kỳ triệu chứng như: Sốt, ho, đau mỏi người thì nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán để nếu mắc sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ có phương án theo dõi, điều trị kịp thời.