Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế 31/1: Teo não do uống rượu, bia quá mức
D.Ngân - 31/01/2024 10:59
Nhiều hệ lụy do lạm dụng rượu bia đã được các chuyên gia cảnh báo, nhưng vẫn có nhiều người thờ ơ hoặc không quan tâm đến các mối nguy này.

Nhiều hệ lụy khi lạm dụng rượu bia

Rượu là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Uống rượu quá mức trong thời gian dài làm cho các tế bào thần kinh bị nhiễm độc dẫn đến hiện tượng teo não và thoái hóa tế bào thần kinh dẫn gây ra các bệnh tim mạch, rối loạn hành vi… gây ảnh hưởng đến thể chất và nhận thức xã hội.

Ảnh minh họa.

Bệnh nhân V.V.L có tiền sử uống rượu nhiều năm. Đầu tháng 1/2024, bệnh nhân được đưa vào khám tại khoa cấp cứu thần kinh Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng đau đầu, chóng mặt nhiều kèm theo mất ngủ nặng và rối loạn lo âu.

Bệnh nhân đã được chụp MRI sọ não và kết quả cho thấy, bệnh nhân có hình ảnh tổn thương thể chai, theo dõi tổn thương não do lạm dụng rượu; thoái hóa chất trắng hai bên bán cầu não.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Thành, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai, uống rượu quá mức được định nghĩa là mức tiêu thụ quá 5 ly trở lên trong một lần với nam giới và uống 4 ly trở lên trong một lần với nữ (một lần khoảng 2-3 giờ). Uống nhiều rượu được định nghĩa là tiêu thụ khoảng 8 ly trở lên mỗi tuần với nữ giới và từ 15 ly trở lên mỗi tuần với nam giới.

Uống rượu vừa phải được định nghĩa là uống 2 ly trở xuống trong một ngày đối với nam hoặc 1 ly trở xuống trong một ngày đối với phụ nữ; Uống rượu khi chưa đủ tuổi (dưới 21 tuổi).

Theo bác sĩ Thành, hầu hết những người uống rượu quá mức không phải là người nghiện rượu hoặc nghiện rượu.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra kết luận về việc tiêu thụ quá mức gây teo não và thoái hóa tế bào thần kinh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng thể tích chất trắng vùng đồi thị và thể tích chất xám vùng tiểu não giảm rõ rệt ở những người lạm dụng rượu nguyên nhân do của hiện tượng teo não này do rượu làm tổn thương gây chết tế bào thần kinh.

Ngoài vùng đồi thị và vùng tiểu não bị ảnh hưởng, rượu cũng gây gây ảnh hưởng đến các vùng của não như vùng trán và vùng trung não.

Hậu quả của việc lạm dụng rượu sẽ gây ra những chấn thương, chẳng hạn như tai nạn xe cộ, té ngã, đuối nước và bỏng; bạo lực, bao gồm giết người, tự tử, hành vi tình dục nguy hiểm hoặc tấn công tình dục; ngộ độc rượu; sảy thai và thai chết lưu hoặc rối loạn phổ rượu ở bào thai (FASD) ở phụ nữ mang thai.

Về lâu dài, lạm dụng rượu dẫn đến teo não và thoái hóa tế bào thần kinh dẫn đến các hậu quả: Huyết áp cao, bệnh tim mạch đột quỵ, xơ gan và các vấn đề về tiêu hóa; ung thư vú, miệng, họng, thực quản, thanh quản, gan, đại tràng và trực tràng; làm suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh; suy giảm trí nhớ; các vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm và lo lắng, mất ngủ; nghiện rượu.

Trẻ hóa bệnh tiểu đường

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, bệnh nhi N.T.T.G (SN 2012, trú tại Phù Đổng, Gia Lâm) vào nhập viện tại Khoa Hồi sức tích cực Nhi trong tình trạng hôn mê, thở nhanh, mất nước.

Trước đó, bệnh nhi có tiền sử đái tháo đường type I nhưng không tuân thủ điều trị. Cách vào viện 2h, bé gái có biểu hiện mệt mỏi, khát nước, nôn nhiều và đau bụng, gia đình không điều trị gì. Sau đó, bé rơi vào tình trạng mệt nhiều, lơ mơ, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.  

Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, các bác sĩ nhận thấy đây là một trường hợp hôn mê nhiễm toan ceton trên bệnh nhân đái tháo đường không tuân thủ điều trị, với nồng độ đường máu cao 28mmol/l, khí máu có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng.

Bệnh nhân đã được xử trí kịp thời bằng truyền dịch qua tĩnh mạch trung tâm, duy trì insulin tĩnh mạch và điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm toan, rối loạn điện giải.

Sau 3 ngày điều trị tình trạng bệnh nhân đã dần dần cải thiện, tỉnh táo hơn, ăn uống được, đường huyết được điều chỉnh bằng insulin tiêm dưới da với phác đồ ngày 4 mũi.

Đái tháo đường type 1 ở trẻ em là bệnh lý nội tiết có tần suất ít gặp ở trẻ em, việc không tuân thủ điều trị sẽ gây ra các biến chứng nặng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh khi có con bị bệnh tiểu đường cần tuân thủ điều trị, tái khám định kì theo hẹn để tránh các biến chứng nặng, đảm bảo duy trì chất lượng cuộc sống tốt nhất cho trẻ. Đồng thời, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu ăn nhiều, uống nhiều, gầy sút cân cần được thăm khám sớm bởi các bác sĩ để phát hiện kịp thời bệnh tiểu đường ở trẻ em.

Cũng về nguy cơ trẻ hoá bệnh tiểu đường, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, trong vài tháng qua đã tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân từ 7-18 tuổi nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 đều ở mức đường huyết rất cao.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Khoa Nội tiết cho biết đái tháo đường type 1 (hay còn gọi là tiểu đường tuýp 1) là tình trạng bệnh lý xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin dẫn đến thiếu hụt insulin nội sinh nghiêm trọng.

Bệnh thường được chẩn đoán ở trẻ em và người trẻ tuổi. Bệnh có thể khởi phát từ vài tháng tuổi, độ tuổi hay gặp nhất là 10-14 tuổi. Tỷ lệ nam/nữ là tương đương nhau. Đái tháo đường type 1 chiếm khoảng 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường.

Nguyên nhân gây ra đái tháo đường tuýp 1 thì đến 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy.

Một vài yếu tố nguy cơ như nhiễm virus Coxsackie, Rubella, Cytomegalo... hoặc chế độ ăn tiếp xúc sớm với sữa bò cũng có liên quan tới việc khởi phát bệnh.

Một số kháng thể kháng tế bào beta của tụy cũng có thể tìm thấy ở phần lớn bệnh nhân đái tháo đường type 1.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, trước đây nhiều người nhầm lẫn rằng đái tháo đường type 1 là một bệnh lý di truyền, điều này không đúng. Đái tháo đường type 1 không được xếp vào nhóm bệnh rối loạn di truyền.

Tuy nhiên, một người có khả năng mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 cao hơn nếu có người thân trực hệ chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.

Do vậy khi thấy xuất hiện các triệu chứng như: Khát nước, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân, mệt mỏi, mờ mắt, đái dầm mới ở trẻ chưa bị trước đây…,

Đặc biệt, khi xuất hiện kèm theo một số triệu chứng cảnh báo nguy hiểm của đái tháo đường type 1: Đau bụng, nôn, rối loạn ý thức, thở nhanh sâu, hơi thở có mùi trái cây chín (táo chín…) thì người bệnh phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán xác định và điều trị một cách kịp thời.

Hiện tại để điều trị đái tháo đường type 1, việc sử dụng insulin vẫn là bắt buộc. Sử dụng insulin sớm còn giúp bảo tồn chức năng tế bào beta còn sót lại. Kiểm soát đường huyết tốt góp phần giảm các nguy cơ về biến chứng trong lâu dài.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt cho phù hợp cho từng cá thể. Đối với người có chế độ hoạt động thể lực vừa phải nên duy trì khoảng 30-35 kalo/kg/ngày. Cân đối giữa các tỷ lệ Carbonhydrat, protid, lipid giúp kiểm soát đường huyết nhưng cũng đảm bảo về sinh hoạt làm việc cho người bệnh.

Đặc biệt ở trẻ em, ngoài kiểm soát đường huyết ra còn phải bảo đảm mục tiêu về tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ.

Người bệnh đái tháo đường type 1 nên theo dõi đường huyết tối thiểu 4 lần/ngày để có thể điều chỉnh liều lượng insulin dựa theo đường máu tại nhà.

Với trẻ em có thể được thay đổi. Bên cạnh đó, người đái tháo đường type 1 nên thay đổi luân phiên vị trí tiêm cũng như vị trí thử đường huyết để có kết quả tốt nhất.

"Hiện nay, có rất nhiều người dân nhầm tưởng rằng đái tháo đường có thể chữa khỏi và tin vào nhiều nội dung quảng cáo không chính xác từ các trang mạng xã hội. Tôi xin khẳng định đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu cho bệnh đái tháo đường type 1", bác sĩ Tuấn khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác