Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 1/5: Xử phạt 270 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
D.Ngân - 01/05/2024 08:59
Trong Tháng cao điểm hành động vì An toàn thực phẩm năm 2024 Hà Nội đã xử phạt 270 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm.

Nhiều vi phạm về kinh doanh thực phẩm

Theo báo cáo nhanh kết quả triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm năm 2024 của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 15/4 đến ngày 26/4, 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố Hà Nội đã kiểm tra tại 11/30 quận, huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 36,7%) và 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Ảnh minh họa.

Kết quả, 9/15 cơ sở đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm (chiếm tỷ lệ 60%); 6/15 cơ sở không đạt yêu cầu (chiếm 40%).

Ngoài ra, Công an TP.Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 81 cơ sở, xử lý vi phạm hơn 311 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng.

Cùng với tuyến thành phố, các đoàn kiểm tra tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng đã kiểm tra, giám sát 4.768 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Kết quả có 4.480 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm tỷ lệ 94%) và 288 cơ sở vi phạm (chiếm 6%). Cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 270 cơ sở với tổng số tiền hơn 918 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, các quận, huyện, thị xã của thành phố đã vào cuộc khẩn trương, trách nhiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố.

Riêng các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã đẩy mạnh kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương vẫn gặp phải không ít khó khăn.

Tại quận Hà Đông hiện có 6.591 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống cùng 3 trung tâm thương mại, 14 siêu thị, 16 chợ dân sinh trong quy hoạch.

Do số lượng cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống nhiều, trong khi số lượng cán bộ làm công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm lại ít, nên tỷ lệ cơ sở được kiểm tra chưa đạt được như mong muốn.

Thêm vào đó, việc giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, các điểm kinh doanh thực phẩm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè chưa được giải quyết triệt để, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và trật tự công cộng.

Tương tự, tại huyện Đan Phượng, do lực lượng cán bộ phụ trách lĩnh vực an toàn thực phẩm ở cấp huyện, xã còn thiếu, phần lớn là kiêm nhiệm nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, các cơ sở thực phẩm do xã, thị trấn quản lý chủ yếu là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, sản xuất có tính thời vụ nên rất khó để kiểm tra, theo dõi...

Để tiếp tục triển khai Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm đạt hiệu quả, công tác kiểm tra, quản lý cần được siết chặt hơn, qua đó xử lý nghiêm các vi phạm và công khai để người dân biết. Sau khi xử lý vi phạm, Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã phải dành thời gian giám sát, hậu kiểm việc khắc phục sai phạm của các cơ sở.

Riêng với ngành Y tế Hà Nội theo lãnh đạo Sở Y tế, trong thời gian tới sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trong trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước đá dùng liền… nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.

Cảnh giác với đái tháo đường ở phụ nữ mang thai

Bác sĩ Hoàng Kim Ước, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, phụ nữ mắc đái tháo đường mang thai cần kiểm soát đường huyết phải chặt chẽ hơn bình thường để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con, chỉ số đường huyết lúc đói cho phép chỉ dưới 5,3 mmol/l, chỉ số sau ăn 2 giờ cần đạt mức dưới 6,7 mmol/l.

Ngoài việc kiểm soát tốt đường huyết, thai phụ cũng cần đảm bảo đủ dinh dưỡng để mẹ chuẩn bị năng lượng cho em bé. Thai phụ phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ đạm, mỡ vitamin, tinh bột đầy đủ, duy trì mẹ và con tăng cân bình thường. Tăng quá số cân cho phép có thể khiến thai to, nhưng suy dinh dưỡng khiến thai nhi chậm phát triển cho con.

Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2021 cho thấy khoảng 35% số người mắc bệnh đái tháo đường mới được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Nguyên nhân dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường là do lối sống ăn nhiều thức ăn nhanh, bánh kẹo ngọt, nước ngọt, ít vận động và thừa cân, thức khuya.

Theo bác sĩ Ước, đường huyết cao không chỉ gây vô sinh hiếm muộn mà còn ảnh hưởng sức khỏe thai nhi, dễ gây sảy thai. Thai phụ mắc bệnh tiểu đường, kiểm soát đường huyết không tốt có nguy cơ cao con dị tật tim mạch, dị tật ống thần kinh.

Kiểm soát đường huyết tốt giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường, tăng khả năng thụ thai, mang thai an toàn và sinh con thuận lợi. Thai phụ cần ăn uống phù hợp như giảm tinh bột, hạn chế thịt đỏ, bổ sung đạm từ cá, hải sản, thực vật, rau xanh; ăn đủ ba bữa mỗi ngày, không bỏ bữa.

Người mắc đái tháo đường cần tuân thủ điều trị, tái khám đúng hẹn để theo dõi hiệu quả điều trị, phòng biến chứng. Phụ nữ nên tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày; thư giãn nhiều hơn, tránh căng thẳng.

Bệnh nhân tiểu đường đang mang thai hoặc mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ, đường huyết ổn định trong thời gian mang thai là cần thiết để tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Người bệnh tiểu đường hoặc nghi ngờ mắc tiểu đường cần kiểm tra đường huyết, khám sức khỏe sinh sản kết hợp khi có nhu cầu sinh con.

Tin liên quan
Tin khác