Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 18/11: Ung thư tuyến giáp không chỉ ở nữ giới
D.Ngân - 18/11/2024 09:52
Không ít nam giới nhập viện khi ung thư tuyến giáp đã ở giai đoạn muộn vì quan niệm căn bệnh này chỉ gặp ở nữ giới.

Bất ngờ phát hiện mắc ung thư tuyến giáp

Không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào và chưa từng siêu âm tuyến giáp trước đó, nhưng trong lần khám sức khỏe mới đây, anh N.M.T (26 tuổi, TP.HCM) bất ngờ khi nhận kết quả ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn I.

Không ít nam giới nhập viện khi ung thư tuyến giáp đã ở giai đoạn muộn vì quan niệm căn bệnh này chỉ gặp ở nữ giới.

Theo đó, kết quả siêu âm tuyến giáp cho thấy nhân thùy trái kích thước 6x8mm, bờ không đều, trục dọc, vi vôi hóa; kèm hạch to vùng cổ bên trái kích thước 22x12mm. Nhận thấy bất thường, bác sỹ chỉ định thêm xét nghiệm FT3, FT4, TSH đánh giá chức năng tuyến giáp, đồng thời, chọc hút tế bào bằng kim nhỏ nhân giáp và hạch cổ để làm rõ chẩn đoán.

Kết quả anh T. mắc ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú thùy trái, hạch cổ chỉ là hạch viêm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt thùy trái và eo tuyến giáp; tiên lượng nguy cơ tái phát, di căn sau mổ rất thấp.

BSCKI.Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Chuyên khoa Nội, Phòng khám Đa khoa Medlatec Gò Vấp cho biết, ung thư tuyến giáp thể nhú có tiên lượng rất tốt, tỷ lệ sống cao >98%, đồng thời bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn sớm là điều kiện thuận lợi để điều trị thành công, giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát.

Không may mắn như anh T, ông N.H.V. (50 tuổi, Bình Dương) phát hiện ung thư tuyến giáp đã di căn hạch hai bên cổ trong 1 lần đi khám sức khỏe. Vốn thuộc nhóm béo phì, cổ ngấn mỡ nên ông V. không phát hiện ra hạch.

Theo bác sỹ điều trị, nếu đến bệnh viện trễ hơn, tế bào ác tính di căn xa tới phổi, não, xương… gây đau tức, ê nhức, khó thở, thậm chí tử vong. Ông V được phẫu thuật cắt tuyến giáp, nạo vét hạch cổ.

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2022, trên thế giới có khoảng 821.214 ca mắc mới và 47.507 ca tử vong do ung thư tuyến giáp. Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 trong những loại ung thư thường gặp, với 6.122 ca mắc mới, 858 ca tử vong mỗi năm.

Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở nữ cao gấp 3 lần nam giới, tuy nhiên, không có nghĩa rằng nam giới có thể chủ quan với căn bệnh này. Ở nam, bệnh có xu hướng tiến triển nhanh, dễ di căn hạch, phổi, xương, não… và nguy cơ tái phát cao.

Đáng lưu ý, phần lớn nam giới phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn trễ, tiên lượng xấu nếu không điều trị kịp thời.

Bác sỹ Mỹ Lệ cho biết, ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ thông qua siêu âm tuyến giáp định kỳ.

Ở giai đoạn muộn hơn, triệu chứng thường gặp có thể kể đến như xuất hiện khối u vùng cổ di động theo nhịp nuốt, sưng đau, khàn tiếng, khó thở, nuốt vướng, hay nổi hạch cổ. Mặc dù là căn bệnh phổ biến ở nữ giới, nhưng nam giới không nên chủ quan với bệnh lý ác tính này, cần siêu âm tuyến giáp định kỳ để sàng lọc bệnh.

Các bác sỹ lo ngại, ung thư tuyến giáp ở nam giới tiến triển nhanh, dễ di căn hạch, phổi, xương, não… và nguy cơ tái phát cao.

Đáng lưu ý, phần lớn nam giới phát hiện ung thư tuyến giáp ở giai đoạn trễ, tiên lượng xấu nếu không điều trị kịp thời.

Dù ung thư tuyến giáp thường xảy ra ở nữ giới, gấp 3 lần nam, nhưng hiện tỷ lệ nam giới bị ung thư tuyến giáp ngày càng gia tăng.

Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp ở nam giới gia tăng chưa chính xác nhưng bệnh có một số yếu tố nguy cơ như thừa cân, béo phì, lượng iốt thấp, tiếp xúc với bức xạ, di truyền… Đáng lưu ý, nam giới mắc ung thư tuyến giáp có tiên lượng xấu hơn phụ nữ.

Nhiều nam giới còn chủ quan, khi phát hiện bướu không đi khám ngay để chẩn đoán, điều trị kịp thời. Đồng thời, vùng cổ nam giới có cấu tạo nhiều cơ chắc, nên khó nhìn thấy u. Do vậy, nam giới thường phát hiện bệnh ở giai đoạn trễ, tiên lượng xấu hơn.

Để sớm phát hiện và kiểm soát ung thư tuyến giáp, bác sỹ khuyến cáo, ung thư tuyến giáp, đặc biệt thể nhú ở người trẻ, thường có tiên lượng rất khả quan, tỷ lệ điều trị thành công cao.

Nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng phương pháp, tỷ lệ sống sau 10 năm có thể đạt 98% và sau 20 năm là 90%. Do vậy, người dân nên có thói quen tầm soát sức khỏe định kỳ 1-2 năm/lần để bảo vệ sức khỏe, phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn và có kế hoạch điều trị kịp thời.

Cứu sống bệnh nhân mắc vi khuẩn Whitmore

Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (đóng ở xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, sau thời gian điều trị, bệnh nhân N.N.T. (SN 1982, trú huyện Phong Điền) mắc bệnh Whitmore (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) đã ổn định sức khỏe và đang được tiếp tục theo dõi.

Trước đó, ông N.N.T. có triệu chứng sốt cao nên được người nhà chuyển vào Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Qua điều trị nhưng bệnh nhân T. không hạ sốt, các bác sỹ chỉ định chụp MRI khớp háng trái, phát hiện bệnh nhân bị viêm khớp háng trái không rõ nguyên nhân. Tiếp đó bệnh nhân T. được làm xét nghiệm máu và có kết quả dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (Whitmore).

ThS.BS.CKII Nguyễn Đình Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cho biết, bệnh nhân N.N.T. bị thể viêm xương tủy xương khá đặc biệt vì ít gặp. Từ khi vào viện, bệnh nhân T. được theo dõi và làm các xét nghiệm, được điều trị theo phác đồ Whitmore giảm sốt và giảm đau khớp háng, qua một tuần đã hạ sốt, hết đau. Sau khi kết thúc điều trị tại bệnh viện, về nhà bệnh nhân vẫn sẽ điều trị bằng thuốc uống trong 6 tháng.

Liên quan đến ca bệnh Whitmore của bệnh nhân N.N.T., Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bệnh nhân N.N.T. thường ngày đi làm thợ xây, khai thác thông tin từ bệnh nhân và người nhà không xác định được tiếp xúc với nguồn lây.

Trong vòng 14 ngày trước khi phát hiện bệnh, bệnh nhân sinh sống và làm việc tại địa phương, không đi đâu xa. Xung quanh khu vực sinh sống không ghi nhận ca bệnh liên quan.

Các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia Pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn.

Người nhiễm bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40 - 60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Để phòng bệnh, bác sỹ khuyến cáo người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch.

Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm để phòng tránh mắc bệnh.

Phát hiện sớm dấu hiệu bệnh động mạch vành

Bà Tâm, 56 tuổi, đau ngực, khó thở suốt 4 năm không tìm được nguyên nhân, nay bác sỹ phát hiện do nhánh mạch máu nuôi tim lớn nhất hẹp gần hết.

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc, khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bà Tâm (ngụ Phú Yên) đến khám trong trạng thái đau ngực, khó thở gợi ý tình trạng nhồi máu cơ tim cấp.

Bác sỹ tiến hành đo điện tim, siêu âm tim nhưng chưa thấy dấu hiệu điển hình của cơn nhồi máu cơ tim cấp.

Bà Tâm chia sẻ mình đau tức ngực, đau lưng âm ỉ suốt 4 năm nay, thường xuyên khó thở phải ngủ ngồi. Bà đi nhiều bệnh viện làm xét nghiệm máu, siêu âm tim, đo điện tim, chụp MRI cột sống, được chẩn đoán đau ngực do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Bà uống thuốc theo toa một thời gian, tình trạng đau có giảm nhưng không hết hẳn, sau đó quay lại như cũ. Trước nhập viện 3 ngày, cơn đau bộc phát nghiêm trọng hơn kèm nghẹt thở, có lúc cảm giác không thở được.

“Cơn đau có tính chất không rõ ràng của bệnh mạch vành cấp, nhưng đặc điểm của đau thắt ngực kiểu bệnh động mạch vành mạn thì chưa loại trừ hẳn”, bác sỹ Ngọc nhận định.

Lúc đầu, bác sỹ nghĩ tới các bệnh lý khác có thể gây khó thở (như viêm phổi, hen suyễn, viêm đường hô hấp) và đau ngực (như viêm cơ thần kinh liên sườn, thoái hóa cột sống thắt lưng…). Tuy nhiên, các xét nghiệm và cận lâm sàng liên quan đều loại trừ những nguyên nhân này.

Cuối cùng, dựa trên tính chất cơn đau ngực, bác sỹ Ngọc nghi ngờ đây là kiểu đau của thiếu máu cục bộ cơ tim. Nhưng do bệnh nhân lớn tuổi, mệt mỏi, mắc nhiều bệnh mạn tính nên không thường xuyên vận động gắng sức. Vì thế, bệnh không hiển thị dấu hiệu bất thường trên điện tâm đồ hay siêu âm tim lúc nghỉ.

Điều này dễ khiến bác sỹ bỏ tình trạng bệnh thiếu máu cơ tim và chuyển sang các nguyên nhân gây đau ngực, khó thở khác như bệnh lý hô hấp, bệnh cơ xương khớp.

Bà Tâm được siêu âm tim gắng sức Dobutamin để kiểm tra hệ mạch vành. Đây là biện pháp siêu âm tim gắng sức không dùng xe đạp hay thảm lăn (do người bệnh không đủ sức thực hiện).

Thay vì vậy, thuốc Dobutamine được truyền qua đường tĩnh mạch, có tác dụng làm tim đập nhanh hơn, tương tự như khi tập thể dục gắng sức. Kỹ thuật này được chỉ định trong trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi ngờ bệnh động mạch vành mạn tính như đau ngực, khó thở, mệt khi gắng sức. Kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính 4 vùng cho thấy với tình trạng thiếu máu vùng cơ tim do bệnh mạch vành.

ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Phó khoa Tim mạch can thiệp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đánh giá, bệnh nhân cần chụp mạch vành có cản quang để xác định chính xác mức độ hẹp, đồng thời can thiệp nong mạch nếu cần. Tuy nhiên, bà Tâm bị suy thận giai đoạn 4, chức năng thận còn chưa tới 3/10, nếu tiêm thuốc cản quang lượng nhiều dễ khiến tình trạng nặng lên, buộc phải chạy thận nhân tạo.

Ê kíp bác sỹ Nội tim mạch, Can thiệp mạch, Nội thận hội chẩn, quyết định chụp mạch vành với lượng thuốc cản quang tối thiểu, truyền dịch trước và sau khi chụp để cung cấp nước, hỗ trợ thận hoạt động tốt. Kết quả ghi nhận động mạch liên thất trước hẹp 95-99%.

Lập tức, êkíp tiến hành can thiệp nong đoạn mạch hẹp cho người bệnh. Hai stent được đặt vào nhánh liên thất trước nong rộng thành mạch, tái thông dòng chảy dồi dào đến tim.

Sau thủ thuật bà Tâm khỏe hơn, không còn khó thở hay đau ngực. Bà vui mừng khi nguy cơ nhồi máu cơ tim, suy tim đã bị đẩy lùi.

Quan trọng nhất là chức năng thận được bảo tồn nhờ lượng cản quang đưa vào cơ thể rất thấp (20 ml cho cả quá trình chụp và nong mạch vành, so với 100-150ml ở một ca can thiệp thông thường). Bà xuất viện ba ngày sau đó.

Theo bác sỹ Minh, tình trạng tim bị thiếu máu xảy ra thường xuyên nhất khi người bệnh hoạt động gắng sức hoặc phấn khích (thời điểm này tim yêu cầu lưu lượng máu lớn hơn).

Trường hợp bà Tâm dù ít vận động nhưng cũng bộc lộ triệu chứng nghiêm trọng, chứng tỏ tim thiếu máu nuôi trầm trọng nhưng không được phát hiện sớm. Nếu để chậm trễ một thời gian nữa, mạch vành tắc hoàn toàn dễ dẫn tới nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim, đột tử.

Sau can thiệp mạch vành, người bệnh cần tái khám đầy đủ, uống thuốc theo toa, tuân thủ lối sống lành mạnh để ngăn bệnh tái phát.

Cụ thể, không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc; duy trì cân nặng ở mức hợp lý; tập luyện vừa sức, đều đặn; xây dựng chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế mỡ động vật, không ăn phủ tạng động vật, giảm muối trong chế độ ăn; kiểm soát huyết áp, đường huyết và lipid máu.

Tin liên quan
Tin khác