Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 23/4: Phòng chống dịch Covid-19 trong dịp nghỉ lễ dài ngày
D.Ngân - 23/04/2024 08:35
Bộ Y tế yêu cầu trong 5 ngày nghỉ lễ các bệnh viện trên cả nước tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời.

Sẵn sàng trực cấp cứu, tai nạn, thảm họa dịp Lễ

Công văn của Bộ Y tế gửi các sở y tế tỉnh, thành phố và cơ sở y tế yêu cầu trong dịp lễ các cơ sở đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.

Bộ Y tế yêu cầu trong 5 ngày nghỉ lễ các bệnh viện trên cả nước tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời.

Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.

Phân công thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng, thảm họa tập trung đông người… nếu có tại địa phương.

Đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, đuối nước, giẫm đạp ... cảnh báo tai nạn tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch.

Đồng thời yêu cầu thường trực Đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết. Trường hợp có diễn biến đặc biệt như cấp cứu thảm hoạ, tai nạn hàng loạt, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp đặc biệt khác, đề nghị đơn vị báo cáo khẩn về cơ quan quản lý trực tiếp qua đường dây nóng, đồng thời báo cáo nhanh bằng văn bản về tình hình diễn biến đặc biệt để kịp thời giải quyết.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên để bảo đảm công tác y tế trong kỳ nghỉ lễ cho người dân.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù dịch Covid-19 đã được chúng ta kiểm soát, nhưng không thể khẳng định nguy cơ từ đại dịch này đã qua.

Chủng JN.1 của Omicron đã được phát hiện ở Việt Nam từ cuối năm ngoái và đã có nhiều người mắc bệnh. Chính vì thế, việc phòng ngừa JN.1 trong dịp nghỉ lễ dài ngày là điều cần quan tâm.

Tính đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm trên 260 triệu liều vaccine phòng Covid-19, bao phủ nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, cũng còn một số người chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ, nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt dễ chuyển nặng đối với người lớn tuổi, mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai vẫn hiện hữu. Do đó, những đối tượng này cần đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin Covid-19.

Bên cạnh đó, để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có Covid-19, nhất là tại những nơi đông người trong những ngày nghỉ sắp tới, người dân nên bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt thông điệp 2K (khẩu trang, khử khuẩn).

Biện pháp này phải được đặc biệt chú ý tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến xe, chợ, tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người.

Các địa phương cần chủ động dự phòng, giám sát và kiểm soát dịch; tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm ca bệnh, tác nhân gây bệnh ngay từ cửa khẩu, tại cơ sở y tế và trong cộng đồng để xử lý kịp thời, triệt để. Các cơ sở y tế tổ chức thu dung, điều trị tốt bệnh nhân để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Đề xuất chi trả bảo hiểm y tế cho sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú

Theo đại diện Bộ Y tế, dự án luật Bảo hiểm y tế đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan B, C.

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế mới đây, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế cho biết, dự án luật đang đề xuất mở rộng phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế, tuy nhiên điều khó nhất hiện nay là khả năng cân đối quỹ.

Theo đó, dự thảo đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế cho sàng lọc chẩn đoán sớm 6 bệnh là ung thư ung thư cổ tử cung, ung thư vú, đái tháo đường, cao huyết áp, viêm gan C và viêm gan B. Trong đó, ưu tiên sớm hơn cho sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Đây là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn.

Ngành Y tế đã tiến hành đánh giá tác động với 6 bệnh này, cụ thể, với mức đóng 4,5% như hiện tại thì trong ngắn hạn khả năng quỹ sẽ khó tải nổi, có thể trong 5 năm chi từ quỹ tăng cao đột biến.

Tuy nhiên, khi chẩn đoán, sàng lọc sớm sẽ tiết kiệm được chi phí điều trị của giai đoạn muộn (bao gồm số ngày giường điều trị tăng, tăng tỷ lệ sử dụng kháng sinh, các thuốc đắt tiền…).

Nghiên cứu cho thấy, ước tính chi phí cho sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng từ 2,6 - 3 nghìn tỉ đồng/năm, với ung thư vú là 2,5 - 5,3 nghìn tỉ đồng/năm.

Trong khi đó, chi phí điều trị trung bình/năm của người bệnh ung thư cổ tử cung ở các giai đoạn từ I đến IV lần lượt là 89,8 triệu, 136,9 triệu, 138,4 triệu và 136,8 triệu đồng/năm. Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn I), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 47 - 48,6 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.

Tương tự với bệnh ung thư vú, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ tiết kiệm từ 7,9 - 18,3 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.

Số tiền người bệnh và bảo hiểm y tế đồng chi trả khi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn sẽ tốn kém hơn rất nhiều. Bởi vậy, việc sàng lọc bệnh sớm có thể sẽ gây gánh nặng lên quỹ bảo hiểm y tế trong thời gian đầu nhưng sau đó sẽ giúp giảm chi phí điều trị chuyên sâu. Vì vậy, sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến quỹ trong tương lai.

Tin liên quan
Tin khác