Tăng nguy cơ mắc đột quỵ, tim mạch khi trời lạnh
Ông Thắng, 56 tuổi, cấp cứu đột quỵ tại một bệnh viện đa khoa tại Hà Nội. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp nhưng vẫn thường dậy sớm tập thể dục.
Thời tiết trở lạnh dễ dẫn đến tình trạng co thắt mạch máu, huyết áp tăng cao đột ngột là nguy cơ gây ra các tai biến đột quỵ, nhồi máu cơ tim. |
Cùng ngày nhập viện, thời tiết lạnh, ông Thắng dậy từ 5h sáng ra công viên tập thể dục, sau 30 phút thì xuất hiện các triệu chứng đau đầu dữ đội, chóng mặt và khó nói.
Ông Khoa, 70 tuổi, có thói quen bơi lội vào lúc 7h sáng mỗi ngày bất kể thời tiết. Tháng 12 thời tiết lạnh ông vẫn dậy sớm và dự định bơi vài vòng, tuy nhiên mới được khoảng 200m thì cảm thấy khó thở, tức ngực.
Ông dừng bơi và nghỉ ngơi xong các triệu chứng không thuyên giảm, thậm chí dần tăng nặng. Ông được đi bệnh viện cấp cứu, các bác sỹ kết luận ông bị phù phổi cấp, tắc hoàn toàn động mạch vành trái, nhồi máu cơ tim.
Cả hai trường hợp đều được cấp cứu trong khung giờ vàng, được các bác sĩ điều trị nội khoa và can thiệp tái thông mạch máu.
Theo các bác sỹ, thời tiết thay đổi không phải nguyên nhân gây đột quỵ và nhồi máu cơ tim, song đây là yếu tố thúc đẩy tình trạng này gia tăng. Khi lạnh đột ngột, cơ thể sẽ phản ứng mang tính tự vệ như co mạch ngoại biên, tăng tiểu cầu, tăng độ nhớt khiến máu dễ bị đông, dẫn đến hình thành cục huyết khối, gây tắc mạch.
Nhiệt độ giảm cũng làm gia tăng thêm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, hệ renin angiotensin làm tăng huyết áp góp phần gây ra biến cố.
Huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên có thể làm hỏng các mạch máu cung cấp máu cho não, dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Huyết áp càng cao thì nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim càng lớn.
Thực tế, nhiều người bệnh cao tuổi đang uống thuốc điều trị nên chủ quan không theo dõi huyết áp. Họ dậy sớm đi tập luyện ngay. Trong nhà, nhiệt độ ấm, ngoài trời thời tiết lạnh, áo không đủ ấm, nhiệt độ cơ thể giảm xuống nhanh khiến cơ thể không thích nghi kịp, khiến huyết áp tăng cao kịch phát.
Cơ thể vừa chuyển từ trạng thái ngủ sang thức, các hormone điều khiển hoạt động hệ thống tim mạch tăng tiết, trong khi một số chất hóa học ảnh hưởng quá trình cầm máu (Nitric oxit) tiêu hao sau một đêm dài. Vận động gắng sức không hợp lý vào buổi sáng có thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Các chuyên gia y tế khuyên những ngày thời tiết trở lạnh, mỗi người cần ngủ đủ giấc. Sau khi thức dậy, chờ cơ thể tỉnh táo và có thể khởi động nhẹ nhàng tại nhà.
Người dân không nên tập thể dục ngoài trời trong thời tiết rét đậm, ưu tiên tập trong nhà, nếu ra ngoài đường nên mặc đủ ấm. Mỗi người nên vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập như yoga, không tập gắng sức.
Người có bệnh tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp hàng ngày, tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Không tập thể dục hay vận động nặng khi huyết áp tăng.
TTND.PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đột quỵ và nhồi máu cơ tim có thể xảy ra với bất kỳ ai, trong đó có người trẻ. Mỗi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tăng cholesterol, đái tháo đường…
Ngoài ra một số biện pháp phòng ngừa chung là tăng cường vận động, tránh ngồi một chỗ trong thời gian dài liên tục, áp dụng chế độ ăn ít muối, ít dầu mỡ, tăng cường rau xanh, quả chín, bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích.
Theo Tổ chức đột quỵ thế giới, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Ước tính mỗi năm có khoảng 12,2 triệu ca đột quỵ mới trên toàn cầu.
Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ ở nước ta khoảng trên 200.000 mỗi năm.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Ước tính có 17,9 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch vào năm 2019, chiếm 32% tổng số ca tử vong trên toàn cầu, trong đó 85% là do nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Hợp tác y tế giữa Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y Hà Nội
Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y Hà Nội là đối tác chiến lược toàn diện đặc biệt. Mối quan hệ hợp tác lâu dài và toàn diện giữa hai đơn vị đã đi vào truyền thống và lịch sử.
Lễ ký kết hợp tác giữa hai đơn vị là sự tiếp nối và phát triển mối quan hệ lên một tầm cao mới, hướng tới tương lai bền vững. Những nội dung ghi nhớ trong thỏa thuận hợp tác cần sự nỗ lực, quyết tâm của cả hai bên, tiếp tục những mạch nguồn gắn kết sâu đậm từ quá khứ để cùng kết nối những giá trị khoa học và nhân văn.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ, sự lớn mạnh của Bệnh viện Bạch Mai và Trường Đại học Y Hà Nội đã góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của ngành Y tế nước nhà từ nhiều năm nay với sự đóng góp bền bỉ của các thế hệ thầy thuốc, y bác sỹ, giảng viên.
Những thành tựu mà hai bên đạt được có một phần thừa hưởng kết quả của các thế hệ đi trước, những tấm gương sáng đã góp phần làm nên diện mạo của đội ngũ “Thầy thuốc - Thầy giáo” vững vàng về chuyên môn và y đức.
Bệnh viện Bạch Mai luôn nỗ lực không ngừng để làm tốt những nhiệm vụ chính: Khám chữa bệnh phục vụ nhân dân; Đào tạo nhân lực y tế; Nghiên cứu khoa học và chuyển giao kỹ thuật.
Trong đó, Bệnh viện là cơ sở thực hành lớn nhất của Trường Đại học Y Hà Nội nói riêng và các đơn vị đào tạo nhân lực y tế nói chung.
Lễ Ký kết vừa được thực hiện giữa hai bệnh viện là lời cam kết mạnh mẽ bằng cả trí tuệ, trái tim và tâm huyết để tiếp tục hợp tác sâu sắc, toàn diện hướng tới sự phát triển chung của ngành Y tế nước nhà trong hiện tại và tương lai.
Về phía Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội mong muốn những nội dung trong thỏa thuận hợp tác sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.
Điều này cần tới sự quyết tâm và trách nhiệm cao của hai đơn vị. Mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa bệnh viện và nhà trường là một thành tố góp phần thúc đẩy sự phát triển nền y học nước nhà và đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho toàn ngành y. Cả hai đơn vị cùng hướng tới những mục tiêu chính, trong đó đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực trọng yếu, chất lượng cao cho ngành y tế.
Nguy hiểm tính mạng vì bệnh sốt mò
Sau 2 tuần xuất hiện triệu chứng sốt cao kéo dài và mệt mỏi nhiều, chị Tần Lở M., 25 tuổi ở Lai Châu được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Qua khai thác tiền sử được biết một tháng trước, chị T.L.M có tham gia làm nương rẫy. Trong ba ngày cuối trước khi đến bệnh viện, tình trạng sốt trở nên trầm trọng hơn, kèm theo khó thở nghiêm trọng, khiến bệnh nhân gần như không thể tự thở.
Khi nhập viện, do tình trạng bệnh nặng, bệnh nhân được đặt ống thở máy và thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Kết quả cho thấy bệnh nhân mắc sốt mò. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tuyến đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
ThS.Hà Việt Huy, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, Bệnh nhân T.L.M. bi mò đốt ở vị trí nhạy cảm thuộc bộ phận sinh dục. Đây là vị trí khó phát hiện, đòi hỏi sự kiểm tra kỹ lưỡng và tỉ mỉ của bác sỹ.
Rất may các bác sỹ tuyến dưới đã phát hiện được nguyên nhân. Việc tìm ra vết đốt trong trường hợp này là yếu tố quyết định giúp chẩn đoán đúng bệnh và áp dụng phác đồ điều trị ban đầu.
Với bệnh nhân mắc sốt mò, việc sử dụng thuốc đặc hiệu đóng vai trò quyết định trong quá trình điều trị. Nếu phát hiện sớm, bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả và bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.
Hiện tại, nhờ sự can thiệp kịp thời tại cơ sở y tế tuyến dưới và các phương pháp điều trị chuyên sâu, bệnh nhân đã có cơ hội phục hồi tốt…
Ths.Hà Việt Huy cho biết, sốt mò là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thuộc họ Rickettsiacea gây ra, thường lây truyền qua vết đốt của loài mò Leptotrombidium.
Đây là bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra biến chứng suy đa cơ quan và tử vong. Dù là một bệnh hiếm gặp, nhưng sốt mò thường ít gây biến chứng nếu được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Đây là lý do tại sao việc phát hiện sớm rất quan trọng.
Theo bác sỹ Huy, sốt mò có đặc điểm nhận dạng đặc biệt. Vết đốt do con mò gây ra thường có đặc điểm khi đã đóng vảy đen kích thước 2-3x3-5mm, không đau, không ngứa, có viền đỏ và nổi lên bề mặt da, thường không liền kèm theo các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, phát ban, nổi hạch và giai đoạn trở nặng sẽ xuất hiện tình trạng khó thở.
Bệnh không lây qua đường hô hấp hay tiếp xúc thông thường mà chỉ lây truyền qua vết đốt trực tiếp của con mò. Điều này khiến bệnh dễ bị bỏ sót trong giai đoạn đầu nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng.
Những người sống hoặc làm việc tại các khu vực vùng núi có nguy cơ cao mắc bệnh sốt mò. Vì thế cần chú ý bảo vệ bản thân khỏi con mò bằng cách mặc quần áo dài tay, sử dụng thuốc chống côn trùng và tránh tiếp xúc với các môi trường có nguy cơ cao.
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ như sốt cao kéo dài, mệt mỏi, hoặc khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.