Không cần giấy chuyển tuyến nhiều lần nếu điều trị bệnh nặng
Theo đó, trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung đang đề xuất lựa chọn một số bệnh mà biết rõ người dân cần lên tuyến trên điều trị và không nhất thiết phải có giấy chuyển viện nhiều lần, vừa thuận tiện cho người dân, vừa tránh phát sinh khám chữa bệnh trùng lặp 2 lần, tức là vừa khám ở tuyến dưới, đồng thời khám lại ở tuyến trên khi chuyển viện.
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đang được Bộ Y tế lấy ý kiến nhân dân đã đề xuất cắt giảm thủ tục chuyển tuyến điều trị. |
Sở Y tế địa phương có trách nhiệm ban hành các danh mục dịch vụ y tế mà địa phương chưa thực hiện, căn cứ trên thực tế đã thẩm định, cấp phép hành nghề, để người dân biết, chủ động lên tuyến trên khi có bệnh.
Hoặc trường hợp mắc một số bệnh mãn tính, sau khi được chẩn đoán, kê đơn ở tuyến trên, người bệnh có thể chuyển về tuyến dưới để theo dõi, điều trị và được hưởng phạm vi thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế như cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu.
Dự thảo cũng đề xuất một số trường hợp dù đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở bất kỳ đâu nhưng nếu khám chữa bệnh ở trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực, trung tâm y tế huyện cũng hưởng 100% quyền lợi. Đây là điểm khích lệ người bệnh đến với các cơ sở y tế ban đầu.
Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế đang điều chỉnh một số nội dung liên quan đến chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là quy định chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh liên quan đến vận chuyển người bệnh.
Hiện nay, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán việc chi trả vận chuyển người bệnh từ huyện lên tỉnh, từ tỉnh lên Trung ương, trong khi việc vận chuyển người bệnh giữa các cơ sở cùng cấp, cùng chuyên môn kỹ thuật chưa được thanh toán. Lần này, Bộ Y tế đề xuất, cứ người bệnh có chỉ định được chuyển cơ sở điều trị được bảo hiểm y tế thanh toán chỉ định.
Dự kiến, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2024, kịp trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8.
Hà Nội: Gần 13.000 bệnh nhân khám, cấp cứu và tai nạn dịp nghỉ lễ
Tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 30/8 đến ngày 3/9), các cơ sở y tế của Hà Nội đã tiếp nhận 7.638 bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, có trên 12.900 bệnh nhân khám cấp cứu và tai nạn, trong đó có 842 bệnh nhân khám tai nạn giao thông.
Theo Sở Y tế Hà Nội, các cơ sở y tế của Thủ đô đã thực hiện thường trực 24h/24h đảm bảo trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ. Các cơ sở y tế tổ chức thường trực đường dây nóng 24/24 để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết.
Đồng thời, bệnh viện bố trí các đội cấp cứu cơ động ngoại viện trực tiếp nhận thông tin, cấp cứu cho các trường hợp trên địa bàn (phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 trong hoạt động cấp cứu ngoại viện).
Trung tâm Cấp cứu 115 đáp ứng gần 400 lượt yêu cầu cấp cứu, phục vụ 298 bệnh nhân cấp cứu, vận chuyển 230 bệnh nhân tới viện, 92 bệnh nhân tai nạn giao thông. Ngoài ra, bố trí 14 kíp trực/ngày phối hợp với các bệnh viện để vận chuyển người bệnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội bố trí 5 đội cơ động phòng chống dịch, 5 đội cơ động phòng chống ngộ độc thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi quận, huyện, thị xã có 5 đội cơ động phòng chống dịch và phòng chống ngộ độc thực phẩm sẵn sàng đáp ứng khi có yêu cầu.
Tại các Trung tâm Y tế 30 quận, huyện, thị xã, trạm Y tế, phòng khám đa khoa đều bố trí đủ nhân lực, cơ số thuốc và trang thiết bị phục vụ công tác khám cấp cứu và điều trị bệnh nhân theo quy định.
TP.HCM: Số ca mắc sởi vẫn tiếp tục tăng
Ngày 3/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM thông tin, số ca sốt phát ban nghi sởi tại Thành phố trong tuần qua tăng gần 54% so với trung bình 4 tuần trước đó.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, trong tuần 35 (từ ngày 26/8 đến ngày 1/9/2024), Thành phố ghi nhận 118 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 106 ca sởi. Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tại TP.HCM tích lũy từ đầu năm đến nay là 644 ca. Trong đó, ghi nhận 3 ca tử vong liên quan đến sởi: 2 ca ở Thành phố và 1 ca ở tỉnh. Những trường hợp tử vong này là những trẻ có bệnh bẩm sinh.
TS.Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định, số ca sởi đang tăng nhanh và trẻ ở dưới 5 tuổi chiếm 73,2%, đáng lo ngại xu hướng này chuyển dịch lên nhóm tuổi lớn hơn.
Nguyên nhân dịch sởi gia tăng trong thời gian qua là do ảnh hưởng dịch Covid-19, tỷ lệ bao phủ vaccine chưa đạt, ở mức dưới 95%; đồng thời, có gần 20% trẻ trên địa bàn, nhưng có địa chỉ tỉnh khác, nên trạm y tế không biết để mời tiêm.
Để tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin sởi trên địa bàn, hiện TP.HCM đang tiếp tục chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin sởi; với 308 bàn tiêm, tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 8 bệnh viện tuyến thành phố, quận, huyện.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau 3 ngày triển khai chiến dịch, đã tiêm được cho 12.625 trường hợp, trong đó, có 77 trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm tại bệnh viện và 19 trường hợp là nhân viên y tế.
Trong thời gian này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố cũng đã tổ chức đoàn giám sát để kiểm tra hoạt động tiêm chủng tại các trạm y tế. Kết quả giám sát cho thấy, quy trình tổ chức tiêm chủng tại các trạm y tế được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.
Các điểm tiêm đều bảo đảm an toàn và hiệu quả, từ khâu chuẩn bị đến tiêm chủng và xử lý phản ứng sau tiêm. Công tác truyền thông tại các trạm y tế cũng được thực hiện rộng rãi, giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tiêm phòng và khuyến khích gia đình đưa trẻ em đi tiêm đúng lịch.
Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại TP.HCM trong tuần qua có xu hướng giảm. Trường hợp mắc bệnh sởi và nghi sởi tiếp tục tăng so với trung bình 4 tuần trước.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ở trẻ, cha mẹ nên mang trẻ đến các cơ sở y tế gần nhà để được tiêm vắc-xin sởi bổ sung nếu thuộc một trong các nhóm sau đây:
Trẻ 1-5 tuổi đang sinh sống tại thành phố, không kể tiền sử tiêm chủng; trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (6-16 tuổi) đang khám điều trị tại các bệnh viện, không kể tiền sử tiêm chủng Trẻ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ mũi. Khi trẻ mắc bệnh sởi nhẹ, ba mẹ cần cho trẻ nghỉ học, cách ly tại nhà.
Riêng trường hợp nặng hoặc có bệnh lý nền, trẻ phải được cách ly tại các cơ sở y tế. Nếu kết quả xét nghiệm sởi dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 7 ngày kể từ ngày phát ban.