Nước kiềm có chữa được ung thư?
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại 1, Bệnh viện K cho biết, nam bệnh nhân tên N.T.C (quê Bắc Giang) vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch và không thể qua khỏi do suy kiệt.
Ảnh minh họa. |
Cách đây 3 tuần, anh C. vào viện khám vì đau bụng, chán ăn, nôn ói, đi ngoài phân đen. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, khối u đã lan rộng nên không thể phẫu thuật. Bác sĩ tư vấn anh C. điều trị nội khoa trước để thu nhỏ khối u. Tuy nhiên, nam bệnh nhân từ chối điều trị để về nhà uống thuốc lá.
Tại nhà, người bệnh uống nước ion kiềm với hy vọng thải độc, thu nhỏ khối u. 20 ngày sau, bệnh nhân vào cấp cứu. Lúc này, mọi nỗ lực của bác sĩ đều không giữ được mạng sống cho anh C.
Theo quảng cáo của các nhà sản xuất, nước ion kiềm có nhiều tác dụng như làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ đường ruột, ổn định huyết áp, tăng sức đề kháng, giải độc, phòng chống ung thư, giảm mỡ, giải bia rượu.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết hiện chưa có nghiên cứu khẳng định tính chính xác về công dụng của loại nước này. Nước ion kiềm đóng chai chứa một thành phần quan trọng là chất điện giải, tốt cho cơ thể, nhưng không phải là thuốc. Vì vậy, loại nước trên không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Lợi ích nước ion kiềm mang lại cho sức khỏe vẫn chưa được kiểm chứng.
Trong khi đó, một số tác hại do việc uống nước ion kiềm quá nhiều bao gồm rủi ro về việc phá vỡ mức độ pH bình thường của cơ thể dẫn đến tình trạng nhiễm kiềm chuyển hóa (độ pH trong máu tăng lên trên mức bình thường) gây ra triệu chứng buồn nôn, nôn ói, co giật cơ, run tay, ngứa ran ở mặt, bàn tay hoặc bàn chân.
Ngoài việc tin vào nước kiếm chữa ung thư, hiện còn có một thực tế đáng lo là người dân tin vào các sản phẩm thuốc Nam không rõ nguồn gốc với hy vọng điều trị khỏi ung thư.
Tự kiểm tra thấy khối u vú bên phải, không đau, không sưng có tiến triển kích thước to dần cách đây 8 tháng, thế nhưng chỉ đến khi khối u này tiến triển rất nhanh, tình trạng ngày càng nặng nề thì chị T.T.H. (46 tuổi, Hà Nội) mới tới Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư vú thể viêm đa ổ, do bệnh nhân không được tiếp cận và điều trị ở ngay thời điểm phát hiện sớm nên khối u đã di căn.
Tương tự, ông Đ. (49 tuổi, Hà Nội) khi phát hiện ung thư giai đoạn sớm, bác sĩ đánh giá tiên lượng tốt, khả năng phục hồi sức khỏe khả quan, chỉ định phẫu thuật song gia đình từ chối do chần chờ trước quyết định mổ.
Bệnh nhân về nhà ăn chay và chữa bằng thuốc nam do thầy lang kê đơn. Theo người nhà, thầy lang khẳng định thuốc có tác dụng tăng cường khí huyết, hấp thụ tốt hơn, tiêu diệt tế bào ung thư. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi ông Đ. đi khám, tế bào ung thư xâm lấn lan rộng, ung thư di căn đến phổi, tiên lượng bệnh rất xấu.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người bệnh nhận hậu quả nặng nề chỉ vì chần chừ, trì hoãn điều trị bệnh. Dù cơ thể đã có những biểu hiện nghi vấn rõ ràng.
PGS-TS.Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ở thời điểm hiện tại, có khoảng 1/3 các loại bệnh ung thư có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là 70% trường hợp tới viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị trở nên vô cùng khó khăn.
Đề phòng nguy cơ bỏng điện ở trẻ trong kỳ nghỉ hè
Bỏng điện là một trong những tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ vào mùa hè, để lại nhiều di chứng như rối loạn nhịp tim, tổn thương cơ tim, hoại tử xương… thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Bệnh viện Nhi trung ương mới tiếp nhận cấp cứu và điều trị trường hợp bé trai T.A.T. (11 tuổi, ở Cao Bằng) bị bỏng điện cao thế.
Gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó trẻ cùng các bạn trèo lên cột điện cao thế bắn chim, sau đó bị điện giật, ngã từ cột điện cao 10m xuống đất nền.
Sau đó, trẻ bất tỉnh 15 phút, khi tỉnh lại bị đau rát toàn thân, khó thở, chảy nhiều máu mũi, được người dân xung quanh phát hiện đưa vào trạm y tế sơ cứu, rồi chuyển đến bệnh viện tỉnh.
Nhận thấy tình trạng của trẻ nặng nề, các bác sĩ đã đặt nội khí quản và chuyển bệnh nhi đến khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng lơ mơ, toàn thân có nhiều vết xây xát, bỏng ở vùng bụng, vùng ngực, nách, cánh tay bên trái và vùng cổ, mặt.
Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán xác định shock bỏng điện, đa chấn thương/bỏng điện độ II, III, IV, diện tích khoảng 15% diện tích cơ thể.
Bệnh nhi được chuyển đến Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để điều trị các tổn thương đa cơ quan do điện giật, ngã cao và chăm sóc đặc biệt vùng tổn thương hoại tử do bỏng điện.
Sau khi ổn định, bệnh nhi được chuyển đến Đơn vị Bỏng, Khoa Chỉnh hình để tiếp tục điều trị, xử lý các vết thương bỏng. Trẻ được lập kế hoạch kiểm tra, chăm sóc thay băng vết thương hàng ngày.
Đồng thời, các y bác sĩ cũng áp dụng các liệu pháp tư vấn tâm lý giúp trẻ giảm đau, hướng dẫn cho gia đình tập phục hồi chức năng cho trẻ. Trẻ cũng được tư vấn chế độ dinh dưỡng giúp nâng cao thể trạng, hồi phục nhanh. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của trẻ đã tiến triển tốt.
BSCKII Phùng Công Sáng, Phụ trách đơn vị Bỏng, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, cháu bé đã thoát khỏi tình trạng nặng nề sau bỏng điện, hiện tại sức khỏe đã ổn định, chúng tôi sẽ tiến hành mổ cắt lọc hoại tử, chuyển vạt da, ghép da vùng cánh tay, nách, ngực để đảm bảo phục hồi chức năng và thẩm mỹ cho trẻ.
Để đề phòng những sự cố đáng tiếc về tai nạn bỏng điện sinh hoạt và bỏng điện cao thế có thể xảy ra với con em mình trong kỳ nghỉ hè, bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần lưu ý các biện pháp phòng tránh như đặt nắp an toàn cho trẻ em trên tất cả các ổ cắm điện, để dây điện xa tầm tay trẻ em.
Tránh sử dụng các thiết bị điện trong phòng tắm hoặc bồn tắm. Luôn luôn rút sạc ra khỏi ổ cắm điện khi không sử dụng; đảm bảo dây sạc được đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách.
Chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho trẻ leo trèo lên cột điện cao thế, không vui chơi tại các khu vực có điện lưới, trạm điện, đường điện cao thế, đặc biệt trong những ngày trời mưa ẩm. Không vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Không xây nhà, dựng cột ăng-ten dưới đường dây điện cao thế.
Cần tuyên truyền về hậu quả nặng nề của bỏng điện cao thế và cách sử dụng điện an toàn, để người dân có ý thức cảnh giác, phòng tránh.