Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 7/7: Nguy cơ sốc nhiệt khi dùng điều hòa ở trẻ nhỏ; Chú ý biến chứng viêm não Nhật Bản
D.Ngân - 07/07/2024 09:25
Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi trẻ từ môi trường nóng ra môi trường lạnh (hoặc ngược lại) có thể khiến cơ thể trẻ chưa kịp thích nghi, dẫn đến sốc nhiệt.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ cho biết, sốc nhiệt có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và các mô khác của cơ thể, đây là một tình trạng cấp cứu cần xử trí nhanh và kịp thời nếu không có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi trẻ từ môi trường nóng ra môi trường lạnh (hoặc ngược lại) có thể khiến cơ thể trẻ chưa kịp thích nghi, dẫn đến sốc nhiệt.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốc nhiệt: Triệu chứng sốc nhiệt thường gặp là nhức đầu, vã nhiều mồ hôi, mặt đỏ gay, lừ đừ, mệt, khó thở, có khi chuột rút, đau bụng, nôn mửa, người bứt rứt.

Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hoa mắt, chóng mặt, sốt cao 40 độ C đến 41 độ C, mạch nhanh, sắc mặt chuyển qua tái nhợt.

Khi bị nặng sẽ rơi vào ngất xỉu, mê sảng, co giật, hôn mê, trụy mạch và dễ tử vong.

Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị sốc nhiệt? Trước tiên cần đưa trẻ nằm nghỉ ở nơi thoáng mát. Nới rộng quần áo hoặc cởi bỏ bớt, quạt cho trẻ.

Dùng khăn tẩm nước mát lạnh, đắp vùng trán, gáy, nách, lau khắp người để làm hạ thân nhiệt, có thể kèm quạt mát để thoát nhiệt, tản nhiệt dễ dàng hơn. Theo dõi cho đến khi thân nhiệt hạ xuống dưới 38 độ C. Đồng thời cho trẻ uống nhiều nước để bù các chất điện giải, như: nước chín, nước lọc, nước Oresol.

Để tránh tình trạng sốc nhiệt ở trẻ, khi dùng điều hòa các gia đình nên duy trì nhiệt độ phòng hợp lý, các bậc phụ huynh chú ý nhiệt độ phòng không nên quá chênh lệch so với nhiệt độ bên ngoài. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng cho trẻ thường là 26-32 độ C.

Điều hòa cũng nên được bố trí ở vị trí cao, điều chỉnh luồng gió đều, không để chế độ chạy thẳng một góc trực tiếp hướng về phía của trẻ..

Các bậc phụ huynh nên mở cửa trước đó 3 phút (hoặc tắt máy lạnh), cho con vui chơi ở gần đó và quen dần với luồng không khí nóng bên ngoài mới để con ra hẳn khỏi phòng.

Khi trẻ mới ở ngoài về, cha mẹ nên lau sạch mồ hôi và để trẻ nghỉ ngơi khoảng 3 phút ở nhiệt độ phòng trước khi bật điều hòa.

Đặc biệt chú ý biến chứng viêm não Nhật Bản

Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc viêm não Nhật Bản vào điều trị. Tuy nhiên, việc chẩn đoán, phát hiện và đến cơ sở y tế muộn đã khiến trẻ gặp những di chứng khó hồi phục. 

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến hiện tại, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện nhi Trung ương đã ghi nhận gần 30 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản.

Đa phần bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng, sốt cao liên tục, co giật, hôn mê... Nếu bệnh nhẹ và vừa, trẻ sẽ có khả năng hồi phục dần.

Với trẻ bị viêm não Nhật Bản điều trị muộn, trẻ có thể gặp các di chứng như rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường...

Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Khoa Điều trị tích cực, Trung tâm bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Trung tâm cũng đang điều trị cho một số bệnh nhi viêm não Nhật bản nặng, bị di chứng liệt tứ chi,tổn thương não, hô hấp phụ thuộc vào máy thở:

Các bệnh nhân này qua giai đoạn đtri phù não sẽ điều trị tình trạng di chứng, với trẻ di chứng có thể cai máy thở sớm thì sẽ cai, nếu cai máy thở khó khăn sẽ phải  mở khí quản hoặc sẽ  tiếp tục chăm sóc thở máy tại đơn vị tuyến dưới cho bệnh nhân, tình trạng di chứng này sẽ lâu dài.

TS. Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các triệu chứng ban đầu của bệnh viên não Nhật Bản rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như sốt, nôn ói, đau đầu, lơ mơ…

Nhiều phụ huynh chủ quan, bỏ qua các triệu chứng cảnh báo này nên khi trẻ được đưa tới bệnh viện thì tình trạng đã nặng.

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, dù những tiến bộ trong điều trị đã giúp giảm tử vong ở bệnh nhi viêm não Nhật Bản xuống dưới 5%, song có tới 40 đến 50% trẻ bị các di chứng sớm hoặc lâu dài. Chính vì vậy, tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Một trong những vấn đề chúng ta cần xem lại ngay là xem con em mình đã tiêm viêm não Nhật Bản đầy đủ chưa để có thể kịp thời đi tiêm.

Vì các loại viêm não do virus thường khá ổn định, nhưng với viêm não Nhật Bản tỷ lệ tử vong và di chứng rất cao và bệnh viêm não do virus có lẽ là duy nhất có vắc xin phòng bệnh hiệu quả.

Cho nên cần xem xét xem con mình tiêm đầy đủ chưa, tiêm nhắc lại đúng hẹn chưa. Thứ 2 khi trẻ biểu hiện sốt, buồn nôn, đau đầu, ngủ nhiều thì chúng ta ta phải đưa đến y tế khám ngay, để nếu viêm não chúng ta điều trị chống viêm, chống phù nề tế bào thần kinh sớm thì hiệu quả điều trị rất tốt.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản chung  là vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ em. 

Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Tin liên quan
Tin khác