Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 8/2: Cảnh giác triệu trứng của bệnh sỏi túi mật
D.Ngân - 08/02/2024 10:52
Một nữ bệnh nhân 66 tuổi, đau quặn bụng từng cơn trên rốn, nôn ói, rối loạn tiêu hóa, bác sĩ phẫu thuật phát hiện hàng nghìn viên sỏi nhỏ trong túi mật.

Hàng nghìn viên sỏi trong túi mật 

Trước đó, bệnh nhân phát hiện sỏi túi mật 8 năm và có những lần đau bụng vùng trên rốn nhưng tưởng viêm dạ dày. Lần này, đau bụng nhiều hơn kèm nôn ói, rối loạn tiêu hóa,…

Các bác sĩ đang phẫu thuật loại bỏ sỏi trong túi mật của bệnh nhân.

Kết quả xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho thấy nhiều chỉ số tăng hàng chục lần so với bình thường. Ví dụ men tụy lipase trên 9.000 U/L (bình thường thấp hơn 60 U/L), bilirubin toàn phần khoảng 46 mg/dl (bình thường 0,2 - 1 mg/dL), men gan cũng tăng rất cao.

Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy nhiều sỏi nhỏ trong túi mật, viêm tụy cấp thể phù nề, tụ dịch quanh tụy, lách, thận, dọc rãnh đại tràng, quanh gan và hạ vị (vùng thấp nhất của bụng dưới rốn).

TS.Phạm Công khánh, Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa cho biết, túi mật của bệnh nhân chứa nhiều sỏi nhưng không được phẫu thuật sớm, dẫn đến viêm tụy cấp và tắc mật (do sỏi từ túi mật di chuyển đến ống mật chủ). Sỏi từ túi mật rơi xuống bị kẹt ở ngã ba mật tụy làm tắc nghẽn đường lưu thông dịch mật và ứ đọng dịch trong ống tụy.

Nếu tắc nghẽn kéo dài, các enzyme được hoạt hóa sẽ tích tụ nhiều trong tụy, gây tổn thương và viêm tụy cấp. Người bệnh có thể đau đột ngột ở vùng trên rốn, lan lên ngực, sang hai bên mạng sườn, lưng; đau dữ dội trong nhiều giờ. Nếu tình trạng không được điều trị và xử lý kịp thời có thể dẫn đến viêm tụy hoại tử, nhiễm trùng mô hoại tử, hạ huyết áp, suy hô hấp, suy đa tạng.

Bệnh nhân được điều trị nội khoa ổn định viêm tụy và tắc mật. Bác sĩ Khánh nghi ngờ ống mật chủ có những viên sỏi nhỏ đã thoát vào tá tràng nên viêm tụy và tắc mật giảm.

Các bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi cắt túi mật kết hợp với chụp hình đường mật trong mổ. Trong lúc mổ, ê kíp ghi nhận hàng nghìn viên sỏi li ti, kích thước 0,1-0,5 cm trong túi mật của người bệnh.

Hậu phẫu, người bệnh không còn triệu chứng đau bụng, sức khỏe ổn định, có thể đi lại bình thường và xuất viện sau đó hai ngày.

Bác sĩ Khánh cho biết phẫu thuật nội soi cắt túi mật là kỹ thuật điều trị ít xâm lấn, lấy sạch sỏi ở túi mật để ngăn ngừa biến chứng viêm đường mật hoặc viêm tụy cấp. Kỹ thuật chụp hình đường mật trong mổ giúp kiểm tra, đảm bảo sạch sỏi ống mật chủ trong một lần phẫu thuật.

Viêm tụy cấp do sỏi mật là bệnh nguy hiểm, diễn biến phức tạp, có thể gây tử vong nếu không được điều trị và can thiệp kịp thời. Bác sĩ Khánh khuyến cáo người có dấu hiệu nghi ngờ viêm tụy cấp cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Tiêu hóa- Gan mật tụy để được chẩn đoán và can thiệp sớm, hạn chế biến chứng.

Nguy cơ mắc bệnh viêm tấy lan tỏa vùng sàn miệng dịp Tết

Những bữa tiệc tần suất dày đặc, với đầy ắp thức ăn, rượu, bia hay nước ngọt chính là tác nhân phá hoại môi trường răng miệng với người bệnh trong dịp Tết nguyên đán.

Mới đây, Trung tâm phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận bệnh nhân nam, 56 tuổi, tiền sử đái tháo đường nhiều năm, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sưng nề, ấn đau vùng cằm, bờ hàm dưới bên trái, vị trí răng 31, 32, 41 đau nhiều.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân đã được khẩn trương làm xét nghiệm, chụp phim và được chẩn đoán viêm tấy lan toả sàn miệng. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được tiến hành mổ cấp cứu dẫn lưu dịch mủ, ca mổ diễn ra thuận lợi.

Bệnh nhân được sử dụng phối hợp 2 kháng sinh, thay băng vết mổ hàng ngày trong 10 ngày. Khi vết mổ sạch, vết thương dưới cằm được khâu lại và bệnh nhân dự kiến ra viện sau 5 ngày.

Theo bác sĩ Lê Kim Nhã, Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, mỗi dịp Tết đến xuân về, số lượng người bệnh nhập viện vì Phlegmon sàn miệng tại Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 lại đột ngột tăng lên.

Bác sĩ Nhã cho hay Tết là thời gian gia đình, anh em sum vầy bên nhau sau quãng thời gian cả năm trời làm việc, học tập xa nhà. Những bữa tiệc tần suất dày đặc là tác nhân phá hoại môi trường răng miệng.

"Niềm vui sum họp đôi khi có thể khiến chúng ta quên mất cả nhiệm vụ vệ sinh răng miệng sau ăn. Chính thức ăn dính kẽ răng không được vệ sinh sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn khoang miệng phát triển. Đặc biệt, với người bệnh đái tháo đường, thời điểm Tết thường chủ quan không kiểm soát tốt đường máu, tạo điều kiện cho nhiễm trùng cơ hội xuất hiện", bác sĩ Nhã nói.

Những ngày tết nếu không quan tâm đến sức khoẻ răng miệng, duy trì chế độ dinh dưỡng và kiểm soát tốt những bệnh mãn tính thì có thể chúng ta sẽ mắc một số bệnh nguy hiểm như bệnh Phlegmon...

Phlegmon sàn miệng hay viêm tấy lan tỏa sàn miệng là tình trạng viêm mô bào hoại tử lan rộng tại các khoang sàn miệng và vùng cổ mặt. Phần lớn nguồn gốc gây ra bởi các bệnh lý về răng, đặc biệt là răng hàm dưới.

Một số khác khác xuất phát từ viêm nhiễm phần mềm như áp xe tuyến nước bọt hoặc các nhiễm trùng ngoài da. Vi khuẩn gây bệnh từ những ổ viêm tại chân răng, lan qua xương hàm vào vùng sàn miệng, rồi tiếp tục lan xuống các khoang vùng mặt cổ, thậm chí xuống vùng cổ ngực.

Bệnh tiến triển nhanh, ban đầu gây sưng nóng đỏ tại chỗ vùng sàn miệng dưới hàm kèm theo đau nhức và sốt cao, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân hoặc vỡ ổ mủ vào trung thất gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Tình trạng này thường gặp ở những người có yếu tố nguy cơ về răng miệng như vệ sinh răng miệng kém; sâu răng hoặc tiền sử điều trị nha khoa như nhổ răng, điều trị tủy răng.

Đặc biệt, người mắc các bệnh lý mạn tính, đặc biệt là đái tháo đường hoặc suy giảm miễn dịch là những đối tượng nguy cơ cao gặp viêm tấy lan tỏa sàn miệng.

Để đón Tết tránh xa căn bệnh này, bác sĩ Nhã khuyến cáo mọi người cần duy trì chế độ ăn điều độ, hạn chế ăn quá nhiều hoặc ăn vặt, ăn quá nhiều bữa trong ngày. Giảm đồ ăn ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, nước có ga hay rượu bia và tăng thức ăn có nhiều chất xơ như rau củ.

Nên đánh răng và vệ sinh kẽ răng bằng chỉ tơ nha khoa sau mỗi bữa ăn để bảo đảm loại bỏ thức ăn thừa dính kẽ.

Với người có bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, cần theo dõi và kiểm soát tốt đường huyết, duy trì chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường. Bảo đảm vệ sinh cá nhân cả ngoài da lẫn trong khoang miệng.

Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu viêm nhiễm nào của vùng hàm mặt, hoặc bất thường răng miệng, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và điều trị sớm. Tránh những biến chứng không mong muốn do đến quá muộn.

Tin liên quan
Tin khác