Hậu quả của rối loạn mỡ máu nhiều năm
Anh M., 42 tuổi, thừa cân, rối loạn mỡ máu nhiều năm không điều trị, đột ngột đau ngực khi đang chơi thể thao, nhập viện phát hiện nhồi máu cơ tim.
Theo các chuyên gia y tế, việc tăng lượng mỡ trong cơ thể cũng kéo theo tăng lượng máu, khiến tim làm việc vất vả hơn để lưu thông lượng máu đó, lâu ngày dẫn tới suy tim. |
Anh M.M. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) thừa cân (BMI = 27.82), ít tập thể dục, hay uống bia, ăn uống thất thường, rối loạn mỡ máu nhiều năm không điều trị triệt để.
Đầu tháng 3, đang chơi tennis anh Mẫn đột ngột đau ngực, khó thở dữ dội. Cấp cứu tại bệnh viện Tâm Anh TP.HCM, bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp mạch vành phát hiện mảng xơ vữa gây hẹp 95% nhánh mạch máu chính nuôi tim (động mạch liên thất trước).
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Phó giám đốc Trung tâm tim mạch cho biết, nhờ kỹ thuật siêu âm trong lòng mạch - IVUS, ê kíp xác định được chính xác kích thước lòng mạch bị hẹp, đặt stent 4.0 mm khơi thông dòng máu nuôi tim. Anh Mẫn hết hẳn khó thở, đau ngực ngay sau can thiệp, hồi phục nhanh và xuất viện sau 2 ngày.
Nghiên cứu cho thấy, so với người có chỉ số BMI khỏe mạnh (BMI < 23), những người thừa cân - béo phì không chỉ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mà còn có khả năng tử vong do bệnh tim cao hơn.
PGS.Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM giải thích, lượng chất béo tăng lên, đặc biệt là mỡ bụng, có thể dẫn đến những thay đổi làm tăng mức độ viêm và tăng sức đề kháng insulin trong cơ thể.
Cả hai yếu tố này đều thúc đẩy chứng xơ vữa động mạch - tác nhân gây ra hàng loạt bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim.
Tăng lượng mỡ trong cơ thể cũng kéo theo tăng lượng máu, khiến tim làm việc vất vả hơn để lưu thông lượng máu đó, lâu ngày dẫn tới suy tim.
Mặt khác, béo phì cũng là tác nhân gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đồng thời là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Thống kê cho thấy hơn 85% người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ biến chứng tim mạch, tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này lên đến 52-80%. Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 2-4 lần so với người không bị bệnh.
Như trường hợp bà M.L. (64 tuổi, ngụ Bình Phước) phát hiện đái tháo đường từ hai năm trước. Trước Tết, bà bị thương ở ngón chân phải.
Vết thương sưng đỏ lan đến mắt cá trong, hoại tử. Thăm khám tại Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, bác sĩ chẩn đoán bà L. bị viêm mô tế bào bàn chân phải (bàn chân đái tháo đường) do hẹp nặng các nhánh động mạch chi dưới, chỉ định mổ bắc cầu đùi khoeo để cứu đôi chân.
Trước phẫu thuật, bác sĩ tiến hành xét nghiệm tầm soát bệnh tim mạch phát hiện cả ba nhánh mạch máu lớn nuôi tim hẹp nặng (80-90%), buộc phải can thiệp tái thông trước để tránh nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Bà L. được làm thủ thuật nong mạch vành phải, đặt stent vào tháng 2. Sau đó hai tuần, bác sĩ tiến hành đặt tiếp 2 stent vào các nhánh mạch vành trái. Dự kiến thời gian tới khi sức khỏe ổn định, bà sẽ được mổ bắc cầu đùi khoeo.
TS. Lâm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường cho biết, đường huyết tăng cao làm tổn thương mạch máu, hình thành mảng xơ vữa trong lòng động mạch. Khi các mảng xơ vữa này dọa vỡ hoặc vỡ ra, cơ thể sẽ đưa tiểu cầu đến lấp đầy chỗ trống.
Điều này vô tình làm hẹp lòng mạch dẫn đến bệnh mạch vành, hẹp nặng gây nhồi máu cơ tim. Quá trình tương tự có thể xảy ra ở tất cả các động mạch trong cơ thể gây thiếu máu lên não, đột quỵ hoặc thiếu máu đến bàn chân, bàn tay, cánh tay gây ra bệnh mạch máu ngoại biên.
Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ suy tim, khiến tim không thể bơm đủ máu nuôi các cơ quan khác. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến tích tụ chất lỏng trong phổi gây khó thở hoặc giữ nước ở các bộ phận khác (đặc biệt là chân) gây sưng tấy.
Theo thống kê của Tổng hội Y học Việt Nam, tại Việt Nam có đến gần 50% người trưởng thành sống tại thành thị bị mỡ máu cao. Kết quả điều tra của Bộ Y tế cũng cho thấy tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số.
Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống không lành mạnh, lối sống ít vận động, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, thường xuyên căng thẳng, hay thức khuya…
Để phòng ngừa bệnh tim mạch, người bệnh đái tháo đường, béo phì, rối loạn mỡ máu cần tuân thủ điều trị, kiểm tra sức khỏe tim mạch định kỳ; kết hợp thay đổi lối sống, kiểm soát cân nặng ổn định (18.5 < BMI < 23), tăng hoạt động thể chất, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia…
Không chủ quan với dịch tay chân miệng
Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên cả nước liên tục ghi nhận các ca mắc tay chân miệng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh cần tăng cường nhận biết các dấu hiệu của bệnh để có thể phòng tránh.
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, trong tuần qua (từ ngày 23/2 đến 1/3), trên địa bàn thành phố ghi nhận 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 19 trường hợp so với tuần trước đó.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân tay chân miệng, như quận Nam Từ Liêm (12 ca), quận Hà Đông (5 ca)… Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 125 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Đồng thời, tuần qua cũng ghi nhận 1 ổ dịch tay chân miệng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) với 13 ca mắc. Cộng dồn năm 2024, đã có 2 ổ dịch trên địa bàn thành phố. Hiện còn 1 ổ dịch đang hoạt động.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội, thời tiết mùa đông - xuân như hiện nay là giai đoạn thường xảy ra nhiều bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tay chân miệng, ho gà...
Thời gian qua, Hà Nội đã xuất hiện một số ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng thủy đậu trong trường học, chủ yếu ở trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học. Dự báo, thời gian tới có thể ghi nhận thêm ca bệnh, ổ dịch.
CDC Hà Nội cũng đề nghị, các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, thủy đậu... đặc biệt là tại các trạm y tế, các trường mầm non, tiểu học.
Tổ chức các hoạt động xử lý ổ dịch, tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại các trường học có nhiều bệnh nhân, ổ dịch. Đồng thời, tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch được ghi nhận trong tuần, không để các ổ dịch bùng phát rộng.
CDC Tiền Giang cũng thông tin, trong tuần thứ 8 ghi nhận 25 ca mắc tay chân miệng, tăng 4,2% so với tuần trước; so với tuần cùng kỳ năm 2023 tăng 108%. Số ca mắc cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay là 279 ca, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 119,7%; không có ca tử vong; xử lý 3 ổ dịch.
Theo các chuyên gia y tế, virus gây bệnh tay chân miệng có khả năng lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, qua các chất tiết từ mũi, miệng, phân hay nước bọt của trẻ bệnh.
Những con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng có thể kể đến như: Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh; Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện; tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh; trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh; lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.
Khi bị bệnh, trẻ có các triệu chứng như: Biếng ăn, sốt nhẹ, đau họng, thường xuyên quấy khóc, biểu hiện mệt mỏi và có thể bị tiêu chảy.
Nếu nặng hơn, trẻ bị sốt cao, loét miệng, xuất hiện những nốt phát ban dạng phỏng nước ở miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông. Nếu trẻ bị sốt cao mà không điều trị kịp thời rất dễ bị biến chứng nguy hiểm như: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, viêm não dẫn đến tử vong.