Y tế - Sức khỏe
Tranh luận về việc cơ quan nào sẽ kiểm soát an toàn thực phẩm nhập khẩu
D.Ngân - 26/11/2021 18:17
Các ý kiến cho rằng, còn nhiều điểm chưa hợp lý tại Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ngày 26/11, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý về Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu còn nhiều điều bất hợp lý.

Theo ông ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, Dự thảo này còn nhiều điểm bất hợp lý.

Ông Đáng cho rằng, quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xây dựng và đề xuất mô hình kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Luật: Hải quan; Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Chăn nuôi; Trồng trọt; Thủy sản; An toàn thực phẩm. 

Mục tiêu đặt ra là phải ban hành một Dự thảo Nghị định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước của các Bộ quản lý ngành, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, môi trường, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, tại Dự thảo mới nhất, ngày 1/11/2021 trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ, Hiệp hội thấy rằng Dự thảo này hầu như không tiếp thu những ý kiến góp ý của các Bộ và các Hiệp hội.

Nói rõ hơn về những điều chưa hợp lý, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho rằng, ngay tên Dự thảo là quy định cơ chế quản lý đã sai với nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 38.

Sở dĩ như vậy là do việc quản lý an toàn thực phẩm bao gồm rất nhiều nội dung như quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn; đăng ký công bố; kiểm nghiệm; ghi nhãn; quảng cáo; thanh tra, kiểm tra; điều kiện cơ sở sản xuất, trong đó việc kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu chỉ là một nội dung nhỏ về quản lý an toàn thực phẩm. 

Dự thảo Nghị định còn trái với các Luật chuyên ngành, đặc biệt trái Luật An toàn thực phẩm. 

Cụ thể, tại điều 62,63 và 64, Luật An toàn thực phẩm quy định về trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm chỉ giao cho Bộ Ytế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương. Nhưng Dự thảo lại đưa ra việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu giao cho Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). 

Bên cạnh đó, Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ chỉ giao Tổng cục Hải quan xây dựng và đề xuất mô hình kiểm tra hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu, tức là mô hình và phương thức kiểm tra để đảm bảo thực phẩm nhập khẩu an toàn cho người sử dụng mà vẫn tạo sự thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định lại hướng dẫn cả đăng ký bản công bố và tự công bố đối với thực phẩm nhập khẩu, đây là nội dung nằm ngoài phạm vi của Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan). 

Từ những điểm chưa hợp lý trên, lãnh đạo Hiệp hội thực phẩm chức năng kiến nghị, vấn đề kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cần phải có chuyên môn, nghiệp vụ sâu về chuyên ngành như Bộ Y tế, Nông nghiệp để nắm được thành phần nguyên liệu, mức độ tinh khiết, độ ổn định về hàm lượng, tính chất suốt đời sống sản phẩm cũng như phải phân tích được các chất ô nhiễm, sự tác động của thực phẩm tới sức khỏe, bệnh tật. Cơ quan hải quan không thể quản lý và thực hiện được nội dung này. 

Sở dĩ như vậy là do cơ quan Hải quan không có hệ thống Labor đạt chuẩn ISO/IEC 17025. Hải quan không có đủ nhân viên kiểm nghiệm, nếu muốn thành lập mới phải tăng biên chế, đào tạo 4-5 năm, thực hành nhiều năm mới đủ năng lực.

Cơ quan Hải quan cũng không có hệ thống máy móc chuyên ngành như sắc ký khí, sắc ký lỏng, quang phổ hấp phụ nguyên tử để kiểm nghiệm được các đối tượng phức tạp hiện nay như mầm bệnh, ký sinh trùng (Giardia, Toxoplasma, Anisakis, Prion…), hóa chất (có khoảng 1000 loại thường ô nhiễm vào thực phẩm)…

Ngoài ra, việc đánh giá nguy cơ bao gồm nhận diện xác định mối nguy, mô tả đặc điểm mối nguy, lượng giá sự phơi nhiễm, công bố hợp quy, công bố hợp chuẩn hiện chỉ có ngành Y tế và ngành Nông nghiệp có đủ nghiệp vụ, cơ quan Hải quan khó đảm đương nổi.

“Nếu cho phép cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu sẽ nảy sinh nguy cơ về các mầm bệnh gây bệnh ô nhiễm vào thực phẩm mà không kiểm soát được mầm bệnh vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hóa chất, vật lý. Chưa kể, vấn nạn thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng từ sự bất cập này sẽ tràn qua biên giới vào nước ta”, Chủ tịch Trần Đáng nêu lo ngại.

Về phía doanh nghiệp, một số ý kiến tham dự cho hay, các chủ trương, chính sách về quản lý thực phẩm phải minh bạch, thông thoáng nhưng vẫn bảo đảm quản lý, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bình đẳng giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu. 

Ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh nêu quan điểm, Dự thảo Nghị định đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam. 

Cụ thể, thực phẩm nhập khẩu chỉ cần một doanh nghiệp đăng ký bản công bố trên hệ thống của Tổng cục Hải quan xây dựng, các doanh nghiệp khác khi nhập sản phẩm này không phải thực hiện việc đăng ký bản công bố.

Nếu quy định này được thông qua sẽ là mối nguy lớn cho việc truy xuất nguồn gốc đối với các cơ quan quản lý vì không biết tổ chức cá nhân nào chịu trách nhiệm về loại thực phẩm đó. 

Chưa kể, quy trình tiếp nhận đăng ký bản công bố đối với thực phẩm theo Dự thảo Nghị định lỏng lẻo, vì cơ quan Hải quan không có chuyên môn để phân tích các mối nguy trong các phiếu kết quả kiểm nghiệm, công bố về công dụng… dẫn đến tình trạng thực phẩm nhập khẩu có thể công bố đủ các loại công dụng trong đó có cả công dụng chữa bệnh.

Đây chính là bất bình đẳng lớn đối với thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm nhập khẩu, có thể dẫn đến việc bóp chết các doanh nghiệp trong nước. 

Chủ tịch Công ty Cổ phần Dược phẩm Thái Minh cũng cho rằng, an toàn thực phẩm là lĩnh vực quan trọng liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người và phát triển kinh tế, xã hội nên cần cơ quan có chuyên môn, nghiệp vụ kiểm tra, có như vậy mới hạn chế các nguy cơ có thể xảy tới.

Trước đó, chiều 23/11, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng chức Hội nghị góp ý Dự thảo Nghị định này.

Tại đây, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự không đồng tình với Dự thảo Nghị định về việc kiểm soát với sản phẩm động vật.

Ông Nguyễn Văn Bách, Tổng giám đốc Công ty Amavet cho hay, trong Dự thảo Nghị định gần như không đề cập đến việc kiểm soát dịch bệnh động thực vật, kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm.

"Tôi thấy dự thảo miễn kiểm tra, kiểm dịch rất nhiều nên nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi trong tương lai", ông Bách nói.

Còn ý kiến của ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam thì nhấn mạnh, Dự thảo Nghị định phải làm rõ danh mục hàng hóa đã quy định trong Luật an toàn thực phẩm.

"Nếu vẽ ra một cơ chế khác thì sẽ gây ra nhiều phiền hà bởi không phải là Hải quan đứng ra làm sẽ nhanh, vì họ không có hạ tầng, không có kỹ thuật, kỹ năng, không được đào tạo trong kiểm nghiệm, đánh giá rủi ro", ông Hòa nói.

Tin liên quan
Tin khác