Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” cho năm 2023, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, thậm chí dưới mức mục tiêu 5,5% trong năm 2022 - thời điểm Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách zero-Covid.
Thực tế, năm 2022, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 3%, năm hiếm hoi không đạt mục tiêu quốc gia, mà nguyên nhân xuất phát từ việc phong toả các trung tâm sản xuất – kinh doanh – tài chính hàng đầu trên cả nước, cùng với sự suy thoái của thị trường bất động sản.
“Mục đích đặt mục tiêu thấp là để đảm bảo có thể đạt được”, Carlos Casanova, nhà kinh tế cấp cao khu vực châu Á tại ngân hàng đầu tư UBP nói và cho rằng, 5% là mức sàn, có thể dễ dàng đạt được.
Mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc qua các năm và mức thực hiện được |
Dù vậy, ngay cả khi Trung Quốc vượt qua mức mục tiêu tăng trưởng năm 2023, việc chính quyền Bắc Kinh tỏ ra thận trọng cũng thể hiện những thay đổi rõ rệt của môi trường kinh tế khi quốc gia này đang vượt thoát bóng đen của đại dịch.
Những vấn đề mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt bao gồm khủng hoảng tại thị trường bất động sản, xuất khẩu suy giảm trong môi trường lãi suất toàn cầu ở mức cao hơn, những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp sau 3 năm đứt gãy chuỗi hoạt động…
Xiangrong Yu, nhà kinh tế trưởng kinh tế Trung Quốc tại Citigroup cho rằng, Bắc Kinh lo ngại “tâm lý thị trường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu nền kinh tế tiếp tục không đạt mục tiêu”. Citigroup dự báo GDP Trung Quốc tăng 5,7% trong năm nay.
Những số liệu kinh tế được công bố gần đây cho thấy các hoạt động sản xuất – kinh doanh đang bật lại nhanh. Tuy nhiên, một số chỉ báo khác cho thấy hệ thống đối diện nhiều thách thức lớn. Doanh số bán bất động sản tiếp tục đi xuống so với năm trước đó, nhiều nhà phát triển bất động sản tiếp tục chịu áp lực tái cấu trúc và đảm bảo khả năng trả nợ. Xuất khẩu liên tục giảm trong 3 tháng cuối năm 2022, theo các số liệu mới nhất được công bố.
“Chính phủ Trung Quốc đang tiếp cận các vấn đề một cách rất thận trọng, khi có hàng loạt yếu tố bất định”, Tang Yao, giáo sư kinh tế tại Peking University nói và cho biết, những bất ổn của thị trường quốc tế là mối quan tâm hàng đầu đối với chính quyền Bắc Kinh hiện tại.
Với việc nền kinh tế toàn cầu đối diện nguy cơ suy thoái và tình hình lạm phát cao tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, ngay cả khi thị trường nội địa hồi phục mạnh thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn chịu tác động tiêu cực bởi sự suy giảm nhu cầu của thị trường quốc tế.
Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China cho rằng, mức mục tiêu tăng trưởng thấp chủ yếu phản ánh vấn đề xuất khẩu sụt giảm, nhất là khi hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc những năm gần đây.
“Trong quá khứ, mỗi khi nền kinh tế Trung Quốc suy giảm, thường sẽ có nới lỏng tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, từ đó thúc đẩy chu kỳ đi lên của thị trường bất động sản. Vậy nhưng chính sách tiền tệ hiện tại không được thuận lợi. Năm 2022 và trong năm nay, sẽ không có sự can thiệp để tác động tới tăng trưởng của thị trường bất động sản”, Dan Wang đánh giá.
Doanh số bán nhà của Trung Quốc đã giảm kể từ giữa năm 2021 tới nay, theo sau làn sóng vỡ nợ của hàng loạt nhà phát triển bất động sản lớn, đáng chú ý nhất là Evergrande. Tuy nhiên, làn sóng phá sản, mất khả năng trả nợ trái phiếu đã chậm lại trong các tháng đầu năm 2023.
Doanh số bán nhà của Trung Quốc kể từ tháng 2/2020 tới nay |
Một vấn đề khác là thương mại suy yếu cũng sẽ tác động tới nhu cầu tín dụng của thị trường tư nhân. “Nguồn tiền cho vay vẫn có, nhưng các doanh nghiệp tư nhân chưa sẵn sàng vay mượn để mở rộng sản xuất bởi xuất khẩu giảm mạng”, Tang Yao, giáo sư kinh tế tại Peking University chia sẻ.
Với những diễn biến mới tại Trung Quốc, giáo sư Tang Yao nhận định: “Quãng thời gian duy trì đạt được mục tiêu tăng trưởng mỗi năm đã bị đứt gãy kể từ 2022. Hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang vượt qua vấn đề mục tiêu tăng trưởng và tập trung vào các giải pháp cho tăng trưởng trong dài hạn”.