Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã ấn định tỷ giá ở mức 7,1192 CNY đổi 1 USD. Động thái này diễn ra khi đồng đô la Mỹ tiến gần đến mức đỉnh của năm nay, khi các nhà giao dịch đặt cược Mỹ sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Trung Quốc duy trì kiểm soát đồng nhân dân tệ mạnh mẽ bằng cách sử dụng tỷ giá tham chiếu hàng ngày trong hầu hết thời gian của năm. Ảnh: AFP |
Đồng nhân dân tệ giao dịch nội địa Trung Quốc không có biến động lớn và dao động quanh mức 7,26 CNY đổi 1 USD, trong khi nhân dân tệ giao dịch hải ngoại trượt xuống mức yếu nhất trong năm nay. Động thái điều chỉnh xảy ra khi các ngân hàng Trung Quốc duy trì lãi suất cho vay tham chiếu trong tháng thứ 10 liên tiếp do áp lực lên đồng nhân dân tệ hạn chế không gian nới lỏng của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Ông Khoon Goh, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại tập đoàn ANZ, cho rằng: "Tỷ giá sẽ tiếp tục được ấn định ở mức cao hơn khi nó tiến gần đến mức giao động tâm lý lớn tiếp theo là 7,12 CNY/USD". Chuyên gia này lưu ý thêm rằng việc ấn định tỷ giá cao hơn so với đồng tiền Mỹ khiến đồng nhân dân tệ yếu hơn.
"Đỉnh biên độ giao dịch hiện nay đã bật đèn xanh cho giao dịch giao ngay trong nước để vượt qua mức 7,26 CNY/USD, một dấu hiệu cho thấy các nhà chức trách Trung Quốc đang điều chỉnh thêm một chút điểm yếu của đồng nhân dân tệ để giảm bớt một số áp lực giảm giá", ông Goh nói thêm. Ngoài ra, ông không kỳ vọng chính quyền Trung Quốc sẽ cho phép đồng nhân dân tệ trượt giá quá lớn.
Sự suy yếu của đồng tiền Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy tâm lý thị trường đang chuyển biến xấu đi đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nơi cũng đang trải qua đợt phục hồi của thị trường trái phiếu khi các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn. Lợi suất trái phiếu tại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong bối cảnh dữ liệu kinh tế cho thấy bức tranh tăng giảm hỗn hợp và kỳ vọng về các biện pháp kích thích tiếp theo.
Theo ghi nhận của Reuters, tình hình dòng vốn chảy ra khỏi thị trường Trung Quốc ngày càng tồi tệ, được thể hiện qua việc gia tăng mua ngoại hối của các công ty trong nước và việc tích trữ đồng đô la Mỹ của các nhà xuất khẩu. Điều này cũng đã góp phần làm tăng thêm tình trạng khó khăn cho đồng nhân dân tệ. Nhìn từ phía đồng đô la Mỹ, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể sẽ gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ do khoảng cách lãi suất rộng của Trung Quốc với Mỹ có lợi cho đồng bạc xanh.
Trung Quốc đã duy trì kiểm soát đồng nhân dân tệ mạnh mẽ bằng cách sử dụng tỷ giá tham chiếu hàng ngày trong hầu hết thời gian của năm. Tuy nhiên, nó đang dần làm suy yếu cái gọi là ấn định tiền tệ trong bối cảnh các cựu quan chức nước này kêu gọi nới lỏng kiểm soát đối với đồng nhân dân tệ để tạo cơ hội cho việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Pan Gongsheng, hôm 19/6 đã báo hiệu có nhiều khả năng để nới lỏng chính sách tiền tệ khi các nền kinh tế khác đang tập trung cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Thống đốc Pan Gongsheng cho rằng đà tăng giá của đồng đô la Mỹ đang yếu đi và điều này sẽ giúp giữ đồng nhân dân tệ ổn định và mở rộng dư địa cho chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo bà Becky Liu, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered, việc ấn định tỷ giá thấp hơn là sự phản ánh chậm trễ về sức mạnh trước đó của đồng đô la Mỹ và chưa đủ để kết luận rằng đó là một bước tiến xa so với mức thông thường gần đây.
Còn ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng ING, cho rằng: "Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục quản lý áp lực suy giảm bằng cách điều chỉnh dần dần ấn định tỷ giá". Vị này cho biết thêm: "Với lập trường chính sách này, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng mức tỷ giá cao nhất là 7,34 nhân dân tệ trong nước đổi 1 đô la Mỹ vào năm ngoái sẽ không bị phá vỡ trong năm nay, mặc dù có nhiều áp lực hơn từ chênh lệch lãi suất".