Đầu tư Phát triển bền vững
Việt Nam có thể thu thêm 51,5 triệu USD từ tín chỉ carbon rừng
Nhung Bùi - 04/04/2024 17:02
Với mức giá tối thiểu là 10 USD/tấn, Việt Nam có thể thu về 51,5 triệu USD nhờ hoạt động bán tín chỉ carbon rừng cho một tổ chức quốc tế trong giai đoạn 2022-2026.

Đây là nội dung trong thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ký kết Ý định thư với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF).

Hiện nay, Bộ Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã hoàn thiện nộp hồ sơ đăng ký cấp tín chỉ theo tiêu chuẩn TREES (hay còn gọi tiêu chuẩn môi trường REDD+tối ưu). Đồng thời, Bộ đang khẩn trương tổ chức các phiên đàm phán kỹ thuật với Tổ chức Emergent để hoàn thiện Đề án đàm phán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Theo nội dung ký kết, Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026. LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này với giá tối thiểu là 10 USD/tấn carbon với tổng giá trị là 51,5 triệu USD.

Diện tích rừng thương mại dịch vụ giảm phát thải đăng ký là 4,26 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 3,24 triệu ha và rừng trồng 1,02 triệu ha.

Trước đó, Việt Nam đã hoàn thành chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon rừng (không phải tín chỉ carbon) khu vực Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Thế giới (WB) với mức giá 5 USD/tấn, và đã nhận về đủ 51,5 triệu USD. Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn carbon, trong đó WB đồng ý mua bổ sung 1 triệu tấn; lượng còn lại 4,91 triệu tấn, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Ông Trần Quang Bảo, cục trưởng Cục Lâm nghiệp thông tin thêm rằng, hiện Bộ đã phân bổ 80% số tiền nhận từ WB cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia vào chương trình. Trong vòng 1 đến 2 tháng nữa số tiền còn lại sẽ được phân bổ hết cho các địa phương.

Về phân bổ lợi ích từ nguồn tiền trên, ông Bảo cho biết Chính phủ đã ban hành nghị định số 107 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Theo đó, quỹ trung ương (quản lý, tiếp nhận nguồn tiền chi trả) chỉ được giữ lại 0,5% để điều phối thỏa thuận chung và 3% để thực hiện hoạt động đo đếm, giám sát, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật… Còn lại 96,5% được phân bổ hoàn toàn cho các địa phương.

Trên cơ sở diện tích rừng nhận khoán, địa phương sẽ tiếp tục phân bổ số tiền trên đến người dân, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng.

Tin liên quan
Tin khác