Phát biểu tại Tọa đàm "Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp" sáng nay, TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN) cho biết, từ đầu năm đến giờ, kênh dẫn vốn quan trọng nhất vẫn là tín dụng ngân hàng, tín dụng đã tăng trưởng 12%, cung ứng ra nền kinh tế gần 1,4 triệu tỷ đồng.
Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. “Nhu cầu của doanh nghiệp là rất lớn. Ngành ngân hàng ngoài mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế còn phải bảo đảm ổn định dòng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát”, ông Quang phân tích.
TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, lạm phát năm 2022 trong tầm kiểm soát, song vẫn rất khó dự đoán. Trong bối cảnh này, NHNN vừa nới room tín dụng thêm 1-2%, đồng nghĩa tổng room tín dụng còn lại thời gian còn lại của năm là “cực kỳ nhiều”, cụ thể là 3,5-4%, tương đương 300-400 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù vậy, theo ông Quang, việc “tiêu thụ” được nguồn vốn khổng lồ này trong 3 tuần cuối năm là thách thức lớn với ngành ngân hàng.
“Trong bối cảnh này, các ngân hàng thương mại cũng phải đốt đuốc tìm doanh nghiệp tốt để cấp hạn mức tín dụng, cho vay. Thực tế là khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng là vấn đề rất khó trong điều hành ngành ngân hàng. Thời gian qua, NHNN tổ chức rất nhiều hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để tìm tiếng nói chung, từ đó nguồn vốn tín dụng mới lan toả ra nền kinh tế được. Các ngân hàng cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động xuất khẩu. Tất nhiên, doanh nghiệp phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được”, ông Quang khẳng định.
Cũng theo đại diện Vụ Chính sách tiền tệ, nguồn vốn cho nền kinh tế hiện nay rất đa dạng, không chỉ tín dụng ngân hàng. Với doanh nghiệp, hai nguồn vốn quan trọng nhất là vốn tự có và trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông Quang, cần sớm để khai thông trở lại kênh trái phiếu doanh nghiệp, biến kênh này trở thành kênh cung cấp vốn trung, dài hạn chủ yếu cho doanh nghiệp vì bản thân các ngân hàng không thể lo nổi vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp.
Thực tế, hiện nay không chỉ doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn trung, dài hạn mà cá ngân hàng cũng trong tình trạng tương tự.
Cụ thể, hiện nay, cơ cấu vốn huy động của ngân hàng là 80% vốn ngắn hạn, 20% vốn trung dài hạn. Tuy nhiên, các ngân hàng đang cho vay 50% vốn trung, dài hạn, cho thấy rủi ro kỳ hạn của các ngân hàng là rất lớn. Một rủi ro nữa là lãi suất ngắn hạn thay đổi liên tục trong khi lãi suất cho vay trung hạn thì 1 năm mới đánh giá điều chỉnh 1 lần.
Thời gian qua, NHNN đưa ra rất nhiều quy định pháp luật nhằm giúp các tổ chức tín dụng dần nắn chỉnh hoạt động của mình là kênh cung cấp vốn lưu động cho nền kinh tế. Về nguồn vốn trung và dài hạn, doanh nghiệp phải thông qua nguồn trái phiếu.
Dòng vốn của nền kinh tế đang bị nghẽn hiện nay, theo ông Quang, một phần là do nguồn vốn quan trọng của nền kinh tế - đầu tư công - đang giải ngân khá chậm, khiến sự lan tỏa ra nền kinh tế chậm, vòng quay tiền tệ của ngành ngân hàng vì vậy cũng chậm theo.
Trước đề xuất của một số doanh nghiệp về việc nới điều kiện để dễ tiếp cận vốn hơn, đại diện NHNN khẳng định, kinh doanh tiền tệ là kinh doanh niềm tin. Tôn chỉ đầu tiên và quan trọng nhất của ngân hàng thương mại là an toàn thì người dân mới yên tâm gửi tiền.
Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ dự báo, năm 2023 sẽ là năm nhiều khó khăn, thách thức, nhất là áp lực lạm phát. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa NHNN chỉ quan tâm kiểm soát lạm phát mà không quan tâm đến các lĩnh vực kinh tế khác. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành linh hoạt, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ đà phục hồi kinh tế.