Ảnh minh họa |
Kết quả tích cực
Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt kết quả tích cực. Cụ thể, quý I/2022, xuất khẩu dịch vụ đạt 1,609 tỷ USD, quý II ước đạt 2,702 tỷ USD, lần lượt tăng 43,1% và 116,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tăng tới 81,8% (tăng 1,940 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tín hiệu khả quan, tạo đà để kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm, kỳ vọng đạt quy mô lớn hơn nhiều so với con số 3,673 tỷ USD đã đạt được trong năm 2021; thậm chí, nếu có giải pháp quyết liệt, thì có thể tiến gần hơn đến kết quả đạt được trong năm 2020 (7,6 tỷ USD).
Tăng trưởng đạt được ở tất cả các loại dịch vụ xuất khẩu. Trong đó, dịch vụ vận tải đạt quy mô lớn nhất (2 tỷ USD, chiếm 46,4% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ). Dịch vụ du lịch đạt quy mô khá (651 triệu USD, chiếm 15,1% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ) và tăng rất cao so với năm 2021. Các dịch vụ bưu chính - viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ chính phủ, dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ khác đều tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu dịch vụ tăng trưởng cao nhờ lực đẩy của nhiều yếu tố. Trong đó, phải kể đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng tốc. Tổng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cao gấp trên 6,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, với 602.000 lượt khách, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 651 triệu USD, thì chi tiêu bình quân của 1 lượt khách đạt 1.081,4 USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu dịch vụ tăng đã đóng góp tích cực, giúp giá trị tăng thêm của nhóm ngành dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay cao hơn của cùng kỳ năm trước (6,6% so với 3,96%) và dự báo cả năm 2022 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2021 (1,22%).
Nhận diện thách thức
Xuất khẩu dịch vụ có quy mô rất nhỏ (chiếm chưa đến 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu), chỉ bằng khoảng 5,6% tổng giá trị tăng thêm của toàn nhóm ngành dịch vụ.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của một số nhóm dịch vụ có quy mô và tỷ trọng còn nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Cụ thể, xuất khẩu dịch vụ bảo hiểm chỉ chiếm chưa đến 0,8% tổng số; dịch vụ chính phủ, dịch vụ tài chính tuy khá hơn, nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 2% tổng số; dịch vụ bưu chính - viễn thông chiếm trên 2,4%...
Đáng nói là, nhập siêu dịch vụ khá lớn, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu lên đến 185,7%.
Nhập siêu lớn nhất là dịch vụ vận tải, 6 tháng đầu năm 2022 lên tới 441,5 triệu USD, chiếm tới 55,2% tổng mức nhập siêu; tỷ lệ nhập siêu với với xuất khẩu lên tới 220,8%. Nguyên nhân chủ yếu do hoạt động vận tải hàng xuất nhập khẩu của Việt nam còn rất yếu so với nước ngoài, nhất là đường biển (đối với hàng hóa) và đường hàng không (đối với hành khách).
Nhập siêu lớn thứ hai là dịch vụ du lịch, lên đến 1,829 tỷ USD, chiếm 22,9% tổng mức nhập siêu; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu là 281%. Nguyên nhân do dịch vụ du lịch nhập khẩu có quy mô lớn hơn xuất khẩu. Trạng thái này xuất hiện từ năm 2020 khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Nhập siêu lớn thứ ba là dịch vụ khác với 1.370 triệu USD, chiếm 17,1% tổng nhập siêu; tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu là 101,5% (mức nhập siêu năm 2021 là 2,080 tỷ USD; năm 2020 là 2,420 tỷ USD; năm 2019 là 1,715 tỷ USD…). Khả năng nhập siêu dịch vụ khác năm 2022 sẽ có mức cao nhất từ trước tới nay. Cảnh báo này có liên quan đến nhu cầu xuất ngoại của người dân trong nước và việc cung ứng ngoại tệ.
Các dịch vụ khác trong 6 tháng đầu năm 2022 cũng trong trạng thái nhập siêu, tuy mức nhập siêu thấp hơn, nhưng cũng có lĩnh vực có tỷ lệ nhập siêu không nhỏ. Dịch vụ bưu chính viễn thông nhập siêu 4 triệu USD; dịch vụ chính phủ nhập siêu 14 triệu USD; dịch vụ tài chính nhập siêu 55 triệu USD; dịch vụ bảo hiểm nhập siêu 316 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu lên đến 957%. Đây là những con số rất đáng lưu ý.