Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, xuất nhập khẩu 9 tháng tăng trưởng cao là nhờ có sự đóng góp của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. |
Chiều 30/9/2022, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức hội nghị trực tuyến giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là kỳ hội nghị lần thứ 3 trong chuỗi chương trình hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hằng tháng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 9 tháng năm 2022: nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung trong 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, nhờ sự đóng góp của hệ thống Thương vụ nên kinh tế đất nước có sự lạc quan, tốc độ tăng trưởng mạnh, kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt gần 600 tỷ USD.
Nhiều dự báo cho rằng, nếu duy trì đà tăng trưởng cao trong quý 4/2022, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 750 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 - 8%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ nay đến cuối năm tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại EU, Mỹ và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.
Xung đột giữa Nga – Ukraine ngày càng leo thang và khó đoán định dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lương thực kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực và nguy cơ mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam khó duy trì như những tháng đầu năm.
Thông tin về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại Anh, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Anh cho hay, nhu cầu đồ gỗ tại thị trường Anh đang giảm mạnh, người Anh có xu hướng không chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu.
"Trong bối cảnh kinh tế Anh khó khăn, lạm phát tăng cao, doanh nghiệp cần thận trọng khi ký hợp đồng bảo đảm an toàn, hạn chế giao hàng trước trả tiền sau kể cả bạn hàng truyền thống", Thương vụ lưu ý.
Trong khi đó, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, đang nỗ lực cùng các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc 7 container hồ tiêu, 180 tấn trị giá 750.000 USD của doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang đây có nguy cơ bị bán đấu giá do lưu tại cảng quá lâu trong khi đối tác mua hàng “câu giờ” thanh toán tiền.
Bằng sự vào cuộc của Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, trước mắt lô hàng này tạm thời chưa bị liệt vào đối tượng bị đấu giá, nhưng các doanh nghiệp chắc chắn bị thiệt hại về kinh tế trong vụ việc này.
Ông Phạm Tuấn Huy, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria cho biết, tuy thị trường Bulgaria có sức tiêu thụ thấp hơn Tây Âu nhưng đây là thị trường tiềm năng do yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã có phần dễ tính hơn. Bulgaria còn có cơ sở vật chất về kho ngoại quan, bãi chứa, nhà máy sơ chế hoặc đóng gói sản phẩm; đồng thời có các tuyến đường sắt, đường bộ thuận tiện cho việc tái phân phối hàng hóa đi khắp Bulgaria hoặc sang Tây Âu.
Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) chia sẻ, Chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích kêu gọi đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu hàng Made in USD.
Thực tế, những dự báo không mấy lạc quan về đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm có nhiều khả năng sụt giảm do các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản…thắt chặt chi tiêu trước áp lực lạm phát có vẻ chưa tác động quá nhiều tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa vẫn ghi nhận tăng trưởng cao, đạt 282,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD.
Xuất siêu sang nhiều thị trường lớn cũng ghi nhận kết quả tích cực, trong đó 9 háng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 10 triệu USD, (cùng kỳ nhập siêu 1,7 tỷ USD).
Ở chiều ngược lại, Việt Nam vẫn tăng nhập siêu từ một số thị trường do nhu cầu nhập nguyên vật liệu và máy móc, nhiên liệu tăng cao. Theo đó, nhập siêu từ Trung Quốc 51,5 tỷ USD, tăng 21,3%; nhập siêu từ Hàn Quốc 29,6 tỷ USD, tăng 20,8%; riêng nhập siêu từ ASEAN giảm nhẹ 1,6%.
Theo nhận định của Chứng khoán VnDirect và HSBC, xuất khẩu đi lên nhờ nhiều đơn hàng sản xuất dịch chuyển về Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chính sách chống dịch cứng rắn. Thêm vào đóm nhờ tận dụng các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) đi vào thực thi trong những năm gần đây như EVFTA, CPTPP, UKVFTA…, với lộ trình cắt giảm thuế quan cho nhiều ngành hàng, tiếp tục tạo bệ phóng cho xuất khẩu, kéo lượng đơn đặt hàng lớn về Việt Nam.
Điều này càng được minh chứng, khi các ngành xuất khẩu trên chục tỷ USD đều duy trì tốc độ tăng hơn 10% trở lên sau 9 tháng. Trong đó, điện thoại và linh kiện đạt 45,4 tỷ USD, tăng 10,7%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 10%, đạt 12,257 tỷ USD, điện tử, máy tính và linh kiện 41.511 tỷ USD, tăng 13%; dệt may 29,135 tỷ USD, tăng 24,3%; giày dép 18,2 tỷ USD tăng 36,6%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 30,063 tỷ USD, tăng 29,8%...
Trong quý IV/2022, nhiều ngành hàng có khả năng tận dụng thời cơ tăng tốc xuất khẩu tốt như gạo, rau quả, thủy sản...