Đầu tư
Ba lĩnh vực lợi thế khi đầu tư sang Myanmar
Chí Tín - 17/07/2013 13:48
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, hiện có 3 lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác lợi thế đầu tư tại Myanmar là nông nghiệp - trồng cây công nghiệp, xây dựng và hàng tiêu dùng.

Ông Hnin Oo, đại diện Liên minh Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar cũng cho rằng, chế biến thủy hải sản là một trong những lĩnh vực thế mạnh của Myanmar và Myanmar cũng đã từng hợp tác với nhiều doanh nghiệp khai thác chế biến thủy sản của Việt Nam.

Myanmar đang mở cửa mạnh mẽ đón các nhà đầu tư nước ngoài

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng diện tích đất có thể khai thác tại Myanmar là khoảng 19 triệu ha.

Lĩnh vực xây dựng có tiềm năng lớn, do Myanmar đang mở cửa thu hút mạnh đầu tư, nên nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn. Hiện nay, Myanmar vẫn chưa có nền công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nên thị trường này sẽ có nhiều cơ hội cho các dự án vật liệu xây dựng, như xi măng, sắt thép, gạch tuynel, gạch ốp lát...

Riêng với hàng tiêu dùng, hàng Việt Nam đã từng được người tiêu dùng Myanmar biết đến qua đường thương mại.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Myanmar, sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn riêng.

Về thuận lợi, từ đầu năm 2011, Myanmar đã thông qua Luật Đặc khu kinh tế với các khoản ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích phát triển sản xuất và xuất khẩu trên phạm vi toàn quốc.

Từ năm 2012, Myanmar cũng đã sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài với những nội dung khuyến khích hơn hoạt động đầu tư nước ngoài vào Myanmar. Từ tháng 4/2012, Chính phủ Myanmar đã thực hiện chính sách tỷ giá thả nổi có kiểm soát. Đây cũng là một trong những động thái tạo môi trường thông thoáng hơn cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào đất nước này.

Bà Win Min Phyo, đại diện Ủy ban Đầu tư Myanmar cho biết, Myanmar đang soạn thảo và sẽ ban hành Luật Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, nhằm mở hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Myanmar.

Tuy nhiên, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Myanmar cũng cần nghiên cứu một số quy định của quốc gia bản địa.

Chẳng hạn, Myanmar chưa mở cửa cho các ngân hàng nước ngoài. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Myanmar sẽ phải thực hiện thanh toán thương mại qua một số cơ chế tài chính trung gian.

Ngoài ra, chính quyền tại mỗi bang ở Myanmar có những quyền hạn độc lập nhất định, mỗi bang có một số quy định riêng. Vì vậy, khi đầu tư vào Myanmar, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải tìm hiểu quy định cụ thể của từng bang.

Tin liên quan
Tin khác