Chuyển đổi số - Kinh tế số
Chợ điện tử lên ngôi, “cưa đổ” đại gia Việt
Hữu Tuấn - 26/09/2021 15:35
Bất chấp sự thua lỗ, rút lui khỏi thị trường của hàng loạt tên tuổi, thương mại điện tử (TMĐT) đang nhận dòng vốn đầu tư lớn.
Mua sắm online được dự báo sẽ trở nên phổ biến trong tương lai. Trong ảnh: Quảng cáo siêu ứng dụng VinID tại VinMart

Ào ạt vốn đổ vào TMĐT

Masan là cái tên gây nhiều sự chú ý nhất khi là doanh nghiệp đầu tư lớn vào kênh bán hàng online bằng quyết định mua cổ phần và nâng tỷ lệ sở hữu tại The CrownX từ 80,2% lên 84,9%. Số cổ phần được Masan mua thêm diễn ra chỉ vài tháng sau khi bán 5,5% cổ phiếu phát hành mới trị giá 400 triệu USD cho nhóm nhà đầu tư, trong đó có Alibaba và Baring Private Equity Asia (BPEA). Động thái này nằm trong chiến lược thiết lập mô hình bán lẻ nhu yếu phẩm tích hợp từ offline đến online, cải thiện hiệu quả của chuỗi cung ứng ứng dụng công nghệ giao hàng tự động.

“10 năm trước, chúng tôi không biết bán hàng online là gì, nhưng đến bây giờ, chúng tôi đã phác hoạ được bức tranh bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam”, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Công ty The CrownX chia sẻ và cho biết, The CrownX kỳ vọng rất lớn vào kênh online. Trong giai đoạn 2021-2025, Công ty đặt mục tiêu doanh thu bán lẻ trực tuyến sẽ đóng góp khoảng 25% vào tổng doanh thu.

Nếu như Masan là “tấm chiếu mới” trên thị trường TMĐT, thì Leflair, Vingroup, VNG là những người cũ rời bỏ thị trường, nay quay trở lại với tâm thế mới.

Leflair tuyên bố dừng hoạt động đầu năm 2020, nay được Công ty Society Pass (Mỹ) “tái sinh” bằng việc mua lại và chạy thử từ đầu tháng 9/2021. Không chỉ mở sàn mua sắm trở lại tại thị trường Việt Nam, mà Society Pass còn tham vọng lớn hơn bằng kế hoạch mở rộng vào các quốc gia khác tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.

Còn Vingroup sau khi “khai tử” sàn Adayroi, sáp nhập vào VinID vào tháng 12/2019, mới đây đã cho ra mắt nền tảng TMĐT mô hình B2B2C đầu tiên tại Việt Nam là Vinshop. Vinshop gia nhập cuộc chơi mới nhắm vào miếng bánh thị trường bán lẻ đang nằm tại hơn 9.000 chợ và 1,4 triệu tiệm tạp hóa truyền thống, chiếm tới 75% thị phần với doanh số 10 tỷ USD mỗi năm. Ngay khi nhập cuộc, Vinshop đã “chơi lớn” bằng việc chi 750.000 đồng/đại lý/tháng để trưng biển Vinshop.

Tương tự, ông lớn VNG đã từng rút lui khỏi thị trường TMĐT vào năm 2014 đã mở ví chi 6 triệu USD (khoảng 138 tỷ đồng) vào start-up Got It. Khoản đầu tư này mang lại cho VNG cơ hội mở rộng sang lĩnh vực tặng quà điện tử, từ mô hình B2B đến P2P và mạng lưới nhà cung cấp.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài cũng không ngừng quan tâm và gia nhập thị trường TMĐT Việt Nam như Sociolla - nền tảng thương mại điện tử làm đẹp, Amazone mở văn phòng thứ 2 tại Việt Nam…

Hàng loạt chuỗi bán lẻ khác cũng đang gia tăng đầu tư lớn cho kênh thương mại điện tử như Con Cưng, Central Retail Corporation (CRC), Bách hóa xanh… với kỳ vọng nâng doanh thu bán hàng online tăng trưởng 20-30%/năm.

Không chỉ là trào lưu nhất thời

TMĐT tại Việt Nam đang phát triển với tốc độ 30-35%/năm, đặc biệt giai đoạn Covid-19, con số tăng lên hơn 40%. Có những sàn TMĐT đạt hơn 100 triệu lượt truy cập mua sắm mỗi ngày, hoạt động trên 18 quốc gia. Việc tiếp cận khách hàng đa kênh tăng 35% doanh thu mỗi giao dịch và tăng tỷ lệ khách hàng quay lại 2,7 lần.

Sự tăng trưởng đột phá của TMĐT được cho là có sự tác động từ giãn cách xã hội, khiến người tiêu dùng phải tìm cách thích nghi với mua sắm từ xa mà không phải bước chân ra khỏi nhà. Các nhãn hàng, doanh nghiệp sản xuất cũng nhận ra rằng, bán hàng trực tuyến là kênh tiêu thụ hữu hiệu không chỉ trong dịch bệnh.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan chia sẻ, TMĐT tại Việt Nam hiện chưa tập trung vào các nhu cầu thiết yếu, có tần suất mua sắm mỗi ngày của người tiêu dùng như thực phẩm và đồ uống. Nền tảng này mới chỉ phục vụ các nhu cầu không thiết yếu, giá trị cao như mỹ phẩm, quần áo, du lịch… Thúc đẩy việc mua sắm online trở thành thói quen hàng ngày của người tiêu dùng thì trước tiên cần tập trung vào phục vụ nhu cầu thiết yếu. Đây là điều Masan đang hướng đến.

Còn bà Ngô Thị Châm, Giám đốc điều hành Leflair Việt Nam tiết lộ, thương vụ mua lại Leflair được Society Pass thực hiện nhằm thông qua sự nhận biết của người tiêu dùng để lấn sân vào phân khúc tiêu dùng cao cấp Việt Nam. Đóng vai trò là một sàn giao dịch TMĐT quen thuộc với các tín đồ yêu thích thời trang, làm đẹp và đồ trang trí nhà cửa, Leflair đặt mục tiêu là cầu nối các doanh nghiệp, đối tác kinh doanh với người tiêu dùng mục tiêu thông qua kênh bán hàng online.

Đại diện Vingroup cũng cho hay, Vinshop (B2B) kết hợp với VinID (B2C) đang tạo ra nền tảng TMĐT mô hình B2B2C đầu tiên tại Việt Nam. So với các cửa hàng tạp hóa truyền thống, thị phần của các đơn vị bán lẻ thông qua hình thức TMĐT hiện nay đã chiếm tới hơn 70%.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM), tiềm năng thị trường bán lẻ trực tuyến rất lớn, thanh toán trực tuyến dần trở nên phổ biến, Chính phủ đã và đang quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho TMĐT phát triển. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh thị trường này ngày càng khốc liệt, TMĐT không phải là “cuộc chơi” ngắn hạn và việc xây dựng lòng tin khách hàng, quản lý chất lượng sản phẩm trên sàn là những thách thức không nhỏ với doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể để phát triển thương mại điện tử, trong đó cần hỗ trợ hạ tầng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; hỗ trợ chính sách (hoàn thuế VAT, hỗ trợ phí tham gia sàn…) cũng như giảm thiểu thanh tra, kiểm tra trong một khoảng thời gian nhất định và xây dựng cổng đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số và thương mại điện tử.

Tin liên quan
Tin khác