Thời sự
Chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, không để quá thấp
Minh Nhung - 14/09/2015 08:31
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý: “Lạm phát đừng để thấp quá mà chủ động kiểm soát theo mục tiêu, tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển”. Lưu ý này xuất phát từ mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng, từ thực trạng lạm phát thời gian qua.

Để tăng trưởng cao đòi hỏi phải đầu tư lớn, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp của tăng trưởng kinh tế, giống như “có bột mới gột nên hồ”. Đầu tư lớn thể hiện ở vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP cao; nếu không nâng cao hiệu quả đầu tư (giảm hệ số ICOR), thì sẽ làm cho lạm phát tăng.

Để tăng trưởng cao phải tăng tiêu dùng cuối cùng, bởi đây là đầu ra của sản xuất, cũng là động lực của tăng trưởng, nhất là ở Việt Nam, yếu tố này chiếm trên 70% GDP. Đầu tư cao, tiêu dùng cao sẽ làm cho tổng cầu cao hơn tổng cung và đây là nguyên nhân cơ bản của lạm phát. Nếu cung (sản xuất) không đủ sử dụng (cầu) thì phải nhập siêu.

Dự đoán khả năng cả năm 2015, CPI không những tăng thấp hơn mục tiêu, mà có thể còn thấp hơn năm trước

 

Để ngăn chặn nhập siêu, trong nhiều biện pháp, các nhà hoạch định chính sách vĩ mô thường tăng tỷ giá làm cho hàng xuất khẩu rẻ đi, nhằm khuyến khích xuất khẩu; làm cho hàng nhập khẩu đắt lên, qua đó mà hạn chế nhập khẩu. Nhưng điều này lại làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND tăng, chi phí sản xuất từ nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu cao lên. Đây là yếu tố chi phí đẩy làm cho lạm phát cao lên.

Muốn tăng trưởng cao lên tín dụng phải tăng lên; muốn tín dụng tăng cao, lãi suất cho vay phải giảm xuống, tiền vốn ra lưu thông nhiều hơn, trong khi tiền từ lưu thông vào ngân hàng chậm lại, ít hơn, nên sức ép đối với lạm phát tăng.

Nếu năm 2011, CPI còn cao “ngất ngưởng” với 18,13%, thì năm 2012 đã giảm xuống còn 6,81% và năm 2013 duy trì ở mức 6,04%. Đến năm 2014, CPI chỉ tăng ở mức rất thấp (1,84%). Tuy được coi là kết quả kép (vừa tăng trưởng cao hơn, vừa lạm phát thấp hơn), nhưng cũng xuất hiện đánh giá và đề xuất là cần chuyển đổi tư duy từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Đặc biệt, từ tháng 11/2014 cho đến tháng 2/2015, CPI đã giảm 4 tháng liền; 5 tháng sau đó, CPI đã liên tục tăng lên, nhưng tốc độ tăng rất thấp. Tính chung 8 tháng năm 2015, CPI chỉ tăng 0,61%. Dự đoán khả năng cả năm 2015, CPI không những tăng thấp hơn mục tiêu, mà có thể còn thấp hơn năm trước.

Ngoài các yếu tố như tổng cung (sản xuất) tăng lên, Việt Nam chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu, giá lương thực, xăng dầu giảm mạnh…, còn do một số yếu tố ngược với thời kỳ 2004-2011. Đó là tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm gần 1/3, chỉ còn trên dưới 30% GDP. Tăng trưởng tín dụng cũng chỉ còn bằng 1/3 tốc độ thời kỳ trước. Tổng cầu dù đã tăng trở lại, nhưng quy mô tuyệt đối vẫn thấp hơn tổng cung. Lãi suất tiết kiệm dù đã giảm xuống, nhưng vẫn còn thực dương, nên tốc độ tăng tiền gửi vẫn còn cao hơn tốc độ tăng tín dụng.

CPI tăng thấp tuy mang lại niềm vui cho người tiêu dùng, nhất là người có thu nhập thấp, nhưng đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh. Tồn kho vẫn còn lớn, nhưng giá tăng thấp, thậm chí có loại, có tháng còn giảm, làm cho tồn kho vẫn còn tăng cao, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ tăng lên, nhưng mới chỉ bằng một nửa đến 2/3 tốc độ tăng trong thời kỳ trước. Tốc độ tăng tín dụng đã cao lên, nhưng hệ số so với tốc độ tăng GDP còn thấp.

Như vậy, xét cả về hai mặt (cơ hội khi CPI tăng thấp và quan hệ giữa lạm phát với tăng trưởng), cần nới lỏng chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Tin liên quan
Tin khác