Sau 3 ngày xét xử và nghị án, sáng 24/5, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với 6 bị cáo được chấp thuận xem xét đơn kháng cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.
Tại phiên phúc thẩm, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 7 bị cáo đang bỏ trốn, đang bị truy nã quốc tế, không được chấp thuận đơn kháng cáo. Hội đồng xét xử phúc thẩm nêu rõ, theo quy định của pháp luật, kháng cáo phải do các bị cáo tự thực hiện, người bào chữa, cũng như thân nhân của các bị cáo không có quyền kháng cáo cho bị cáo
Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, các bị cáo đều giữ nguyên kháng cáo và đều thừa nhận Tòa án cấp sơ thẩm tuyên các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”, tương ứng với từng bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan.
Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội. |
Các bị cáo trình bày về nguyên nhân, bối cảnh dẫn đến hành vi phạm tội, cũng như vị trí, vai trò trong vụ án; đồng thời, các bị cáo cũng xuất trình các tài liệu bổ sung và trình bày là tình tiết giảm nhẹ mới đó là các bản sao xác nhận thân nhân các bị cáo có công với cách mạng; tài liệu thể hiện các bị cáo có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác; hoàn cảnh gia đình, các công văn đề nghị xem xét của các cơ quan có thẩm quyền, nơi các bị cáo từng công tác; hồ sơ bệnh án và các chứng từ xác thực việc các bị cáo đã tự nguyện nộp tiền bồi thường khắc phục hậu quả, án phí...
Đối với từng bị cáo có kháng cáo, Hội đồng xét xử nhận định, bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, với cương vị Phó tổng giám đốc phụ trách dự án, Trưởng Ban 1 của Công ty AIC, đã giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Bị cáo Phan Huy Anh Vũ, với vai trò là Giám đốc bệnh viện, đại diện Chủ đầu tư, được giao trách nhiệm quản lý Dự án theo quy định của pháp luật, nhưng Vũ tiếp nhận sự chỉ đạo của cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái, bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Mạnh Hà tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Ngoài ra, bị cáo còn trực tiếp thực hiện và chỉ đạo Phan Minh Trí thực hiện hành vi thông thầu, giúp cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà với tổng số tiền 14,8 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Quang Ngọc, Phó giám đốc Công ty Mediconsult, với nhiệm vụ đơn vị tư vấn, đã thông đồng, móc ngoặc với Công ty AIC và Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, tạo điều kiện cho Công ty AIC nắm bắt trước cấu hình, thông số kỹ thuật để chuẩn bị hồ sơ dự thầu; lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu tạo lợi thế để Công ty AIC trúng 14 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước.
Các bị cáo nghe tuyên án. |
Các bị cáo: Lê Chí Tuân, Lê Thị Hương là nhân viên của Công ty AIC, tham gia với vai trò là đồng phạm giúp sức, là người làm công hưởng lương; Bị cáo Huỳnh Tuấn Anh, giám đốc Công ty Tạ Thiên Ân, thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc ký khống 13 bảng báo giá thiết bị giúp Công ty AIC và các công ty “quân đỏ” trúng 13 gói thầu, gây thiệt hại số tiền hơn 128 tỷ đồng; hưởng lợi số tiền hơn 643 triệu đồng do bán 3 thiết bị vào Dự án.
Tòa phúc thẩm đánh giá, quá trình xét xử sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá, phân hóa, xem xét tính chất, vị trí, vai trò mức độ tham gia của các bị cáo trong vụ án là có căn cứ.
“Đối với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định, đánh giá về tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hậu quả của tội phạm, vai trò trách nhiệm của bị cáo trong vụ án là có căn cứ. Tính chất vụ án là rất nghiêm trọng, hành vi của bị cáo với vai trò giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn”, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định.
Bên cạnh đó, tại cấp phúc thẩm, bị cáo chưa thể hiện thái độ tích cực trong việc khắc phục hậu quả xảy ra, đồng thời bị cáo cũng không xuất trình thêm tài liệu mới để xem xét. Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và xử phạt bị cáo 12 năm tù là phù hợp. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga về phần hình phạt.
Với nhận định và phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga; giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm, xử phạt bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga 12 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Phan Huy Anh Vũ, Lê Chí Tuân, Huỳnh Tuấn Anh, Lê Thị Hương về phần hình phạt,sửa Bản án hình sự sơ thẩm về phần hình phạt đối với các bị cáo.
Theo đó, xử phạt bị cáo Phan Huy Anh Vũ 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 9 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành chung cho hai tội danh là 16 năm tù.
Xử phạt bị cáo Vũ Quang Ngọc 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; Xử phạt bị cáo Lê Chí Tuân 30 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đáng nói, có 2 bị cáo được trả tự do ngay tại tòa. Cụ thể, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Huỳnh Tuấn Anh 30 tháng tù; Lê Thị Hương 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; Trả tự do ngay tại phiên tòa cho 2 bị cáo trên nếu không bị tạm giam về một tội phạm khác.
Bản án sơ thẩm cũng nêu rõ, đối với các bị cáo hiện vẫn đang bỏ trốn gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trần Mạnh Hà, Nguyễn Đăng Thuyết, Đỗ Mỹ Hạnh, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Thị Tích, Nguyễn Thị Sen, Đỗ Văn Sơn có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.