Theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc xin là biện pháp phòng cúm tốt nhất |
Bệnh lây lan nhanh
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu tháng 12/2023 đến nay, trung bình mỗi ngày ghi nhận khoảng 100 trẻ mắc cúm A. Trong đó có những trường hợp biểu hiện nặng, có biến chứng, được chỉ định nhập viện. Trẻ em mắc cúm A dễ bị biến chứng viêm phổi, phải thở ô xy. Ngoài ra, một số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim.
Gần 1 tháng nay, khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận hơn 150 trường hợp trẻ em đến khám và điều trị các bệnh liên quan tới đường hô hấp, trong đó chủ yếu là cúm A, RSV.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhân là trẻ em tới khám và nhập viện cũng tăng cao.
Khác với trước đây, bệnh nhân mắc cúm A còn có thể xuất hiện những triệu chứng về mặt thần kinh rất nguy hiểm. Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi 6 tháng tuổi, trú tại Hà Tĩnh, tới cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng do mắc cúm A, phải thở oxy, hỗ trợ khí rung, có nguy cơ phải đặt ống nội khí quản, thở máy. Đáng nói hơn, bệnh nhi này vốn có bệnh nền viêm phổi, nên tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp đã khá nặng, cộng thêm cúm A khiến phổi tổn thương nhiều hơn, dẫn đến suy hô hấp tiến triển nhanh.
Còn theo các bác sỹ Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, trong vòng 3 tuần qua, số trẻ mắc cúm A có xu hướng tăng, lượng bệnh nhi phải nhập viện do bệnh lý này cũng tăng mạnh. Các bệnh viện ghi nhận nhiều trường hợp các bé lây chéo cúm A ở trường học. Nhiều trẻ bị mắc và lây cho cả gia đình, xét nghiệm đều cho kết quả mắc cúm A.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính hàng năm, toàn thế giới có khoảng 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ em mắc cúm A hoặc cúm B. Trong mỗi đợt dịch cúm, có khoảng 3 đến 5 triệu ca bệnh nặng, 290.000 - 650.000 ca tử vong liên quan đến hô hấp.
Bộ Y tế cho biết, thời điểm cuối năm, các bệnh hô hấp, trong đó có cúm A, thường gia tăng. Đáng lo ngại là năm nay số ca mắc và nhập viện đồng loạt tăng. Nguyên nhân một phần là do thời tiết đông xuân lạnh là điều kiện cho mầm bệnh phát triển và lây lan mạnh hơn. Bệnh cúm có thể tiến triển rất nhanh, nếu không xử lý kịp thời, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai.
Vắc-xin là phương pháp phòng bệnh tốt nhất
Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, bệnh cúm mùa do vi rút cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục (chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với vi rút cúm mới), nhưng theo quy luật nhất định về di truyền.
Mỗi năm, chủng vi rút cúm lưu hành khác nhau, nên chúng ta cần tiêm nhắc vắc-xin cúm mùa hàng năm (1 lần trong năm). Đây là phương pháp phòng bệnh tốt nhất. Từ lâu, WHO đã thiết lập các trạm quan trắc vi rút cúm mùa trên khắp thế giới (có cả ở Việt Nam) để phân lập, xác định vi rút cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, Bắc bán cầu và Nam bán cầu).
Từ đó dự đoán, xác định chủng vi rút cúm sẽ xuất hiện vào mùa đông - xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa Đông - Xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).
Từ việc xác định được khả năng chủng vi rút cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (Bắc và Nam bán cầu), WHO đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút cúm để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc-xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất (Bắc bán cầu vào tầm tháng 8-9, còn Nam bán cầu vào tháng 4-5 hàng năm). Đó là lý do tại sao chúng ta cần tiêm vắc-xin cúm mùa mỗi năm 1 lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu, cũng như cần tiêm đúng vắc-xin theo mùa đã được khuyến cáo.
Còn theo PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết lạnh vào mùa đông làm các bệnh lây truyền theo đường hô hấp phát triển và lây lan, trong đó có bệnh cúm. Bên cạnh đó, sức đề kháng của con người cũng kém hơn về mùa lạnh (nhất là thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa). Đồng thời, đi lại nhiều, giao lưu, tụ tập nhiều cũng làm gia tăng bệnh cúm.
Mỗi năm có một chủng cúm khác nhau, người mắc cúm năm nay thì sang năm vẫn mắc lại. Hay vừa mắc cúm A, lại mắc tiếp cúm B cũng là bình thường. Kể cả mắc cúm A hai lần trong năm cũng có thể xảy ra vì mắc cúm chủng này vẫn bị mắc cúm chủng khác. Đặc biệt, trong môi trường lớp học đông người, cúm lây lan rất nhanh khi có nguồn bệnh.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, thời tiết chuyển lạnh phải lưu ý bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ, bệnh tiêu chảy mùa đông do virus. Các bệnh có vắc-xin tiêm chủng mà chưa tiêm đầy đủ cũng có thể bùng phát như bạch hầu, ho gà, sởi...
Để phòng tránh bệnh cúm lây lan trong các trường học, ông Phu khuyến cáo phụ huynh và nhà trường khi có học sinh bị cúm có thể cho học sinh đó nghỉ học. Các học sinh khác có thể đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, lau chùi khử khuẩn bàn ghế, dụng cụ học tập, ăn uống tăng cường và giữ ấm cho trẻ để tăng khả năng chống đỡ với bệnh tật và tiêm vắc-xin phòng cúm sớm, không nên để dịch xảy ra mới tiêm sẽ không đem lại hiệu quả.