Y tế - Sức khỏe
Dịch sốt xuất huyết đang gây lo ngại tại Hà Nội
D.Ngân - 30/06/2022 14:56
Chuyên gia dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc sẽ rơi vào giữa tháng 8 và cần chủ động phòng bệnh từ bây giờ.

Nhiều người mắc bệnh khi đi du lịch miền Nam

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, trong khi dịch sốt xuất huyết ở miền Nam đang bùng phát mạnh thì ở miền Bắc đã xuất hiện lẻ tẻ các ca bệnh, chủ yếu do đi từ miền Nam ra. 

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cụ thể, từ đầu tháng 6 đến nay Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị cho hàng chục trường hợp sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, đa số là do đi du lịch hoặc di chuyển từ khu vực phía Nam ra và dự báo số ca nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới.

Bệnh nhân thứ nhất là nữ, 66 tuổi quê ở Hà Nam, đi du lịch tại Đồng Nai, Đắc Lắc, Gia Lai và khi về quê 5 ngày thì xuất hiện sốt. Bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp, sử dụng thuốc Nam không rõ loại. 

Bệnh nhân thứ hai là một nam học sinh, 17 tuổi ở Hải Dương, đi du lịch ở Bình Chánh, TP.HCM sau 6 ngày khi quay lại Hải Dương thì bệnh nhân xuất hiện sốt, đau đầu, đau người, da và mắt đỏ xung huyết và có biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết.

Trường hợp thứ 3 là một bệnh nhân nam, 38 tuổi, quê ở Bình Định, làm nghề lái xe đường dài chạy Nam Bắc, lần này bệnh nhân chạy xe từ Long An đến cửa khẩu Lạng Sơn.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, bệnh nhân sốt xuất huyết có biểu hiện viêm màng não là một biến chứng nặng, ít gặp. Tuy nhiên, nếu được điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.

Với bệnh nhân này, sau khi vào viện đã được hồi sức kịp thời và điều trị theo đúng phác đồ bệnh nhân đã hết sốt, tiểu cầu đã tăng dần trở lại. Hy vọng bệnh nhân này cũng có thể hồi phục hoàn toàn và xuất viện trong những ngày tới.

Hiện nay, miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti sinh sản phát triển, kết hợp với việc người dân đi du lịch, nghỉ hè, nhu cầu đi lại gia tăng. 

Qua 3 trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết do có yếu tố dịch tễ đi du lịch, công tác từ miền Nam ra - nơi có dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi đi du lịch, công tác, thăm thân tại các tỉnh phía Nam hoặc miền Nam Trung Bộ là nơi ca bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nên cần đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Các biểu hiện đó có thể là sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người và có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về cần phải được đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của sốt xuất huyết như sốc, suy đa tạng, chảy máu… 

Ngoài ra, người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.

Cũng theo các bác sĩ, tại Hà Nội và miền Bắc, sốt xuất huyết đang bắt đầu vào vụ dịch và đỉnh điểm của dịch dự báo sẽ vào tháng 8 nên chúng ta phải hết sức lưu ý chủ động phòng bệnh ngay từ bây giờ. 

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai cho hay, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất gồm dịch truyền, thuốc men và tập huấn cho nhân viên y tế toàn bệnh viện chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue theo Hướng định của Bộ y tế, kịp thời phát hiện các ca sốt xuất huyết sớm và xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tử vong do sốt xuất huyết. 

Các nhân viên y tế và người dân cũng cần chú ý các dấu hiệu chỉ điểm của sốt xuất huyết để làm xét nghiệm khẳng định, tránh nhầm lẫn với một số bệnh khác như Covid-19 hay sốt virus, sốt phát ban và các bệnh nhiễm trùng khác.

Hai trường hợp diễn biến nặng cần lưu tâm

Còn tại TP.HCM, theo số liệu báo cáo của HCDC, trong tuần vừa qua, TP.HCM ghi nhận có 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 1.182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước (1.575 ca), số ca nội trú tăng 25,9% và ngoại trú tăng 57,1%.

Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết ở người lớn hiện chiếm hơn 50%. Trong khi đó, những năm trước đó số trẻ em mắc sốt xuất huyết luôn nhiều hơn so với người lớn. 

Cụ thể, ngày 24/6, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang điều trị cho 373 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 264 người lớn và 109 trẻ em.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, thông thường, chu kỳ 3-4 năm sẽ có đợt bùng phát dịch. 

Từ 2019 đến 2022 là hơn 3 năm, chúng ta có thêm 2 năm dịch Covid-19 nên tâm lý lơ là, quên mất việc phòng ngừa, chẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, chúng ta thấy số ca mắc bệnh tăng vọt lên. Bệnh nhân tử vong cũng tăng nhiều.

Những năm gần đây, sốt xuất huyết có khuynh hướng chuyển dịch tỷ lệ mắc từ trẻ em sang người lớn, trẻ lớn. Trong đó, tỷ lệ người lớn bị sốt xuất huyết khá cao, thậm chí chuyển biến nặng. 

Do đó, chúng ta không nên chủ quan rằng, người lớn không bị muỗi cắn, không bị sốt xuất huyết. Muỗi vằn bay xung quanh ở khắp nơi, thường đốt vào ban ngày, sinh sản nhanh trong mùa mưa. Vì vậy, người lớn vẫn có khả năng mắc bệnh và bị nặng.

Chuyên gia cũng cho hay, hai trường hợp có nguy cơ chuyển biến nặng là trẻ nhỏ và trẻ thừa cân, béo phì.

Với trẻ nhũ nhi, mắc sốt xuất huyết, diễn biến thường khá phức tạp và khó đoán do khả năng đánh giá huyết áp, triệu chứng khó nhận biết. Trẻ không nói được nên biểu hiện như đau mệt, mệt mỏi không xác định được.

Nhóm thừa cân, béo phì thường khó điều trị, nguy cơ chuyển biến nặng rất cao. Không riêng gì sốt xuất huyết, hầu hết người có thể trạng thừa cân, béo phì thường có khả năng chuyển nặng cao hơn khi mắc bệnh.

Sốt xuất huyết là bệnh có thể được theo dõi, điều trị tại nhà. Một số trường hợp được chỉ định nhập viện khi có dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng hoặc thể trạng quá mệt mỏi, lừ đừ, sốt quá cao.

Ngoài ra, có những người xa trung tâm thành phố, điều kiện tái khám khó khăn hay cơ địa phức tạp cũng được chỉ định nhập viện.

"Khi mắc sốt xuất huyết, một số trường hợp vẫn tỉnh táo, không sốt nhưng thực tế đang chuyển nặng. “Do đó, gia đình cần tiếp tục theo dõi, chờ đợi hết ngày thứ 5, 6 để đánh giá tình trạng. Lúc đó, chúng ta mới có thể yên tâm", bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng bệnh, phương pháp phòng chống dịch tối ưu nhất hiện nay là diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng chống nguy cơ muỗi đốt. 

Công tác phòng chống dịch muốn hiệu quả phải dựa vào cộng đồng, ngành Y tế kêu gọi cả hệ thống chính trị chung tay vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết nhằm bảo vệ sức khỏe của toàn dân, ổn định các hoạt động kinh tế - xã hội.

Trước diễn biến nóng về dịch tại miền Nam, ngày 30/6, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM.
Trong ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ngành liên quan trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại phường 5 (quận 8), công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và làm việc với UBND TP.HCM cùng các sở, ban, ngành liên quan nhằm nắm bắt tình hình và có giải pháp ứng phó kịp thời.
Tin liên quan
Tin khác