Đầu tư
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Nha Trang có gì đặc biệt?
Linh Đan - 01/04/2024 15:39
Nha Trang sẽ phát huy thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế, thông qua nâng cấp chất lượng không gian và du lịch đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế.
Thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế.

Thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2040. Theo đó, quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 26.736 ha, tăng khoảng 189 ha so với diện tích phạm vi nghiên cứu tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 25/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ là 26.547 ha.

Trong đó, thành phố Nha Trang có diện tích khoảng 25.422 ha, tăng 162 ha so với phạm vi nghiên cứu là 25.260 ha do cập nhật theo diện tích của thành phố Nha Trang trong Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; phạm vi huyện Diên Khánh có diện tích khoảng 1.314 ha, tăng 27 ha so với diện tích phạm vi nghiên cứu là 1.287 ha do cập nhật bản đồ hiện trạng địa  hình tỷ lệ 1/10.000 được cơ quan có chức năng thẩm định.

Mục tiêu Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2040 đặt ra là phát huy thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế, thông qua nâng cấp chất lượng không gian và du lịch đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác bền vững tài nguyên du lịch hiện có, với nét nổi bật đặc hữu là chuỗi không gian ven biển, không gian đảo và không gian sinh thái; hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần hàng hải, thương mại - dịch vụ du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường; đầu tư mới và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối (cảng biển, các khu kho vận, đường sắt, bến xe đầu mối) và các tuyến giao thông trọng yếu; hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị; tiến tới nâng cao vị thế thương hiệu quốc tế thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển; bước đầu trở thành một thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2040 còn cụ thể hoá mục tiêu, định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg  ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ: thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công  nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

Về tính chất, thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa; là trung tâm du lịch, thương mại - tài chính, dịch vụ cảng biển du lịch của vùng Nam Trung Bộ và cả nước; là đô thị du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế; có vai trò và vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển. Về quy mô dân số, đến năm 2030: khoảng 630.000 - 640.000 người; đến năm 2040: khoảng 750.000 - 780.000 người. Về quy mô đất đai, đến năm 2030: đất xây dựng toàn đô thị khoảng 9.981 ha (trung bình  khoảng 156 m2/người); trong đó, đất dân dụng khoảng 5.873 ha (trung bình khoảng 92 m2 /người); đến năm 2040, đất xây dựng toàn đô thị khoảng 11.792 ha (trung bình khoảng 151 m2/người); trong đó, đất dân dụng khoảng 6.713 ha (trung bình khoảng 86 m2/người).

Nha Trang là đô thị du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế.

Định hướng phát triển 14 khu vực

Về định hướng phát triển các phân vùng đô thị, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2040 định hướng phát triển thành phố Nha Trang gồm 14 khu vực.

Khu 1 - Khu vực trung tâm ven biển và phía Nam sông Cái, diện tích khoảng 676 ha, dân số dự kiến khoảng 140.000 người; là trung tâm du lịch cả nước; trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại cấp tỉnh và thành phố. Khu 1 sẽ phát triển công viên ven biển, hấp dẫn hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu công cộng, phục vụ tốt cho hoạt động tắm biển; tái thiết khu vực ga đường sắt Nha Trang phát triển thành công viên gắn với bảo tàng tại Ga Nha Trang và các tuyến phố dịch vụ, tái định cư; xây dựng mới công viên công cộng và khu trung tâm đô thị mới ven phía Nam Sông Cái; cải tạo, nâng cấp trung tâm hành chính cấp tỉnh tại đường Trần Phú.

Khu 2 - Khu vực sân bay Nha Trang cũ và vùng phụ cận, diện tích khoảng 263 ha, dân số dự kiến khoảng 23.200 người; là trung tâm dịch vụ du lịch, văn phòng, thương mại - tài chính vùng Nam Trung Bộ. Khu vực này sẽ phát triển khu đô thị trung tâm mới (CBD), trọng tâm là hoạt động dịch vụ thương mại - tài chính và dịch vụ du lịch; khuyến khích phát triển không gian xây dựng ngầm; tổ chức kết nối giao thông thuận lợi từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường trục chính đô thị trung tâm, kết thúc là quảng trường Đại Dương tích hợp các chức năng bảo tàng, triển lãm, dịch vụ văn hóa đa năng thành quần thể công trình điểm nhấn, kết nối an toàn và thuận lợi với không gian công viên ven biển.

Khu 3 - Khu vực Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, diện tích khoảng 640 ha, dân số dự kiến khoảng 60.500 người; là trung tâm dịch vụ du lịch biển, dịch vụ cảng biển du lịch vùng Nam Trung Bộ. Khu vực này được định hướng sẽ xây dựng cảng Nha Trang kết hợp cảng du lịch quốc tế; cải tạo và nâng cấp khu dân cư ven biển Vĩnh Trường, bổ sung tiện ích hạ tầng và phát triển khu phố đi bộ, kết hợp dịch vụ du lịch cộng đồng; phát triển và hoàn thiện các khu du lịch, khu đô thị trên Núi Chụt, tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Khu 4 - Khu vực phía Tây đường Lê Hồng Phong, diện tích khoảng 501 ha, dân số dự kiến khoảng 70.000 người; là khu đô thị mới đan xen khu dân cư hiện trạng cải tạo chỉnh trang.  Khu vực này khuyến khích tích hợp diện tích các lô đất, hợp khối công trình, nâng tầng cao xây dựng, giảm mật độ xây dựng, sử dụng đất hỗn hợp, gia tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện phát triển kinh tế dịch vụ, kinh tế đô thị; bổ sung giải pháp đảm bảo chất lượng môi trường sống và thoát nước chủ động cho các khu dân cư hiện trạng có cao độ nền thấp hơn khu đô thị mới.

Khu 5 - Khu đô thị ven biển, phía Đông đường sắt - từ Bắc sông Cái đến Mũi Kê Gà, diện tích khoảng 1.212 ha, dân số dự kiến khoảng 108.800 người; là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển. Khu 5 sẽ tiếp tục phát huy giá trị của dải đô thị ven biển, phát triển một số công trình, cụm công trình điểm nhấn cao tầng ven biển, tại các khu vực còn quỹ đất có thể chuyển đổi chức năng hoặc chuyển đổi hình thái kiến trúc; cải tạo, mở rộng bãi tắm, công viên công cộng tại khu vực từ đầu phía Bắc cầu Trần Phú  đến khu vực biển Vĩnh Hòa; quy hoạch xây dựng công viên, trung tâm văn hoá - nghệ thuật tại khu vực cồn Nhất Trí, kết hợp chỉnh trang đô thị dọc đường 2 tháng 4; cải tạo và nâng cấp khu dân cư cồn Ngọc Thảo, bổ sung một số chức năng đô thị mới và tái định cư (từ khu vực Cồn Nhất Trí), phát triển đô thị sinh thái.

Khu 6 - Khu vực từ phía Nam núi Cô Tiên (nhỏ) đến phía Bắc núi Hòn Ngang (núi Cô Tiên lớn), diện tích khoảng 1.631 ha, dân số dự kiến khoảng 16.100 người; là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển. Khu vực này sẽ được nâng cấp, cải tạo các khu đô thị hiện hữu và bổ sung chức năng dịch vụ, du lịch tại khu vực phía Tây hồ Vĩnh Hòa, kết nối với khu vực phía Tây quốc lộ 1; phát triển các công viên chuyên đề, công viên công cộng trải nghiệm, leo núi, ngắm cảnh..., tại các vị trí có tầm nhìn đẹp, bố trí các điểm ngắm cảnh công cộng, với các tiện ích, dịch vụ quy mô nhỏ; phát triển các khu dịch vụ, du lịch sinh thái núi, tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Khu 7 - Khu vực đô thị phía Bắc sông Cái và khu vực Hòn Nghê, diện tích khoảng 1.316 ha, dân số dự kiến khoảng 47.600 người; là trung tâm giáo dục, y tế, dịch vụ nước khoáng nóng. Khu 7 sẽ bảo tồn cảnh quan và xây dựng công viên ven sông thuận lợi cho người dân và du khách tiếp cận sử dụng; tổ chức đô thị gắn với trung tâm giáo dục chuyên nghiệp tại khu vực Hòn Nghê; phát triển khu đô thị gắn với cảnh quan công viên - hồ điều hòa và dịch vụ nước khoáng nóng tại Vĩnh Phương, đảm bảo vai trò hỗ trợ thoát lũ; cải tạo nâng cấp hạ tầng và cảnh quan khu dân cư hiện trạng; hướng dẫn cộng đồng dân cư chủ động giữ gìn và nâng cao chất lượng cảnh quan môi trường sống và tham gia làm dịch vụ du lịch cộng đồng.

Khu 8 - Khu vực đô thị phía Tây Nha Trang, diện tích khoảng 1.584 ha, dân số dự kiến khoảng 109.300 người; là trung tâm khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, đào tạo mới. Khu 8 sẽ tổ chức hệ thống công viên và không gian mở công cộng ven sông Cái, ven các sông khác trong khu vực và tại khu vực các xã Vĩnh Trung, Diên An và Vĩnh Thạnh; hạn chế ở mức tối thiểu việc tổ chức đường xe cơ giới đi sát sông hoặc sát công viên ven sông; tổ chức và hoàn thiện hệ thống trung tâm đô thị dọc đường Võ Nguyên Giáp và dọc theo các không gian công viên, mặt nước; phát triển khu đô thị sáng tạo, công nghệ cao đan xen các trung tâm giáo dục chuyên nghiệp, trung tâm y tế, vườn ươm doanh nghiệp; tổ chức ga đường sắt mới kết nối với các loại hình giao thông khác trên đường Võ Nguyên Giáp, các công trình trong khu vực ga có thể kết hợp với các chức năng thương mại, dịch vụ để phát triển toàn khu vực ga thành một khu trung tâm - điểm nhấn về không gian cũng như hoạt động thương mại, dịch vụ.

Khu 9 - Khu vực phía Nam đường Phong Châu và khu vực núi phía Tây sông Tắc, diện tích khoảng 1.966 ha, dân số dự kiến khoảng 82.300 người; là khu đô thị - trung tâm hành chính mới, dịch vụ du lịch sinh thái núi, dịch vụ y tế vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Khu vực này sẽ tổ chức trung tâm đô thị hiện đại, sầm uất, có bản sắc và công viên quảng trường công cộng ven mặt nước, công viên chuyên đề gắn với hệ thống mặt nước được mở rộng; bố trí đất xây dựng cơ quan và đất công trình công cộng -  dịch vụ, tại khu vực phía Nam đường Phong Châu; phát triển một số khu dịch vụ, du lịch, công viên chuyên đề tại khu vực đồi núi, tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; bổ sung các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái theo hình thức cho thuê môi trường rừng, tuân thủ quy định pháp luật về lâm nghiệp.

Khu 10 - Khu vực Phước Đồng - Hòn Rớ - phía Bắc núi Cù Hin, diện tích khoảng 4.626 ha, dân số dự kiến khoảng 64.100 người; là trung tâm giáo dục, thể dục thể thao và dịch vụ du lịch sinh thái. Khu vực này sẽ tổ chức các trung tâm đô thị hỗn hợp gắn với công viên đô thị, dọc đường Nguyễn Tất Thành; đầu tư Khu liên hiệp thể dục thể thao tỉnh Khánh Hoà kết hợp với các chức năng đô thị, phụ trợ; phát triển các khu vực du lịch sinh thái, công viên chuyên đề tại khu vực núi Cù Hin và núi Hòn Rớ, tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; bổ sung các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái theo hình thức cho thuê môi trường rừng, tuân thủ quy định pháp luật về lâm nghiệp; xây dựng mới bến tàu du lịch tại khu vực cửa sông Quán Trường, giáp núi Hòn Rớ.

Khu 11 - Khu vực Đồng Bò - Trảng É, diện tích khoảng 810 ha, dân số dự kiến khoảng 11.000 người; là khu công nghiệp và dịch vụ logistic. Khu vực này sẽ bổ sung quỹ đất phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kho tàng; nâng cấp cơ sở hạ tầng và môi trường sống trong các khu dân cư hiện hữu; quy hoạch dải công viên dọc sông Đồng Bò; bổ sung một số khu vực phát triển đô thị đáp ứng nhu cầu nhà ở và tái định cư; quy hoạch một số khu dịch vụ, du lịch sinh thái núi, tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Khu 12 - Khu vực phía Tây Bắc quốc lộ 1 - thuộc xã Vĩnh Phương, diện tích khoảng 2.522 ha, dân số dự kiến khoảng 8.900 người; là khu vực làng xóm hiện trạng cải tạo, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hoàn thiện không gian các khu dân cư, bổ sung các chức năng công cộng, dịch vụ; bổ sung các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái theo hình thức cho thuê môi trường rừng, tuân thủ quy định pháp luật về lâm nghiệp và tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; quản lý chặt vấn đề xử lý môi trường, đặc biệt là xử lý nước thải của cụm công nghiệp Đắc Lộc.

Khu 13 - Khu vực xã Vĩnh Lương - phía Bắc núi Hòn Ngang, diện tích khoảng 3.828 ha, dân số dự kiến khoảng 28.200 người; là khu dân cư hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang kết hợp du lịch sinh thái núi; cải tạo, mở rộng công viên công cộng và bãi tắm, kết hợp dịch vụ du lịch tại khu dân cư ven biển; quy hoạch xây dựng các cơ sở dịch vụ y tế, chăm sóc, phục hồi sức khỏe; nâng cấp cơ sở hạ tầng và môi trường sống trong các khu dân cư hiện hữu; bổ sung một số khu đô thị đáp ứng nhu cầu nhà ở phù hợp khả năng chi trả và/hoặc tái định cư về phía Tây quốc lộ 1; phát triển các khu dịch vụ du lịch, công viên chuyên đề, sân golf, các điểm du lịch dã ngoại, du lịch trải nghiệm sinh thái núi, tuân thủ quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng; bổ sung các hoạt động bảo vệ, phát triển rừng kết hợp du lịch sinh thái theo hình thức cho thuê môi trường rừng, tuân thủ quy định pháp luật về lâm nghiệp; khuyến khích phát triển một số hạng mục hỗ trợ dịch vụ du lịch trên biển, tạo điểm nhấn không gian cho cửa ngõ phía Bắc và trở thành trung tâm giao lưu kinh tế, điểm kết nối các khu vực vịnh Vân Phong, đầm Nha Phu với vịnh Nha Trang.

Khu 14 - Khu vực biển thuộc vịnh Nha Trang, biển ven bờ xã Vĩnh Lương và các đảo thuộc thành phố Nha Trang, diện tích khoảng 3.848 ha, dân số dự kiến khoảng 10.000 người; là trung tâm dịch vụ du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế kết hợp an ninh quốc phòng; phát triển dịch vụ du lịch biển đảo; tôn tạo cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên dưới nước và trên các đảo; cải tạo, phát triển các khu dân cư theo cấu trúc mở gắn với du lịch cộng đồng trên các đảo Trí Nguyên, Bích Đầm; kết hợp các chức năng an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.

Tin liên quan
Tin khác