Trong khuôn khổ Hội thảo “Phát triển du lịch cộng đồng theo Bộ tiêu chí chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” ngày 15/12 tại Hậu Giang, các đơn vị đã ký cam kết cặp ký kết thu mua - cung ứng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, từ 10 tấn đến 20 tấn/tháng trái cây, gạo sạch, sản phẩm nông nghiệp sạch |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương và UBND tỉnh Hậu Giang vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển du lịch cộng đồng theo Bộ tiêu chí chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”.
Giải pháp cho kinh tế nông thôn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình OCOP quốc gia sau 3 năm triển khai đã lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp cả nước, trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất cả các địa phương trên cả nước. Tính đến tháng 12/2020, đã có 51 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, 2.965 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao và 4 sao. Trong đó, có 61,4% sản phẩm đạt 3 sao, 36,2% sản phẩm 4 sao và 72 sản phẩm tiềm năng 5 sao (vượt 1,24 lần so với mục tiêu của chương trình đề ra trong giai đoạn 2018-2020).
Chương trình OCOP đã có 1.573 chủ thể tham gia, trong đó có 36,8% là các hợp tác xã, 30,3% là doanh nghiệp và 31,1% là các cơ sở/hộ sản xuất, còn lại là các tổ hợp tác. Hiện cả nước đặc biệt có 18 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận OCOP, trong đó nhiều nhất là vùng miền núi phía Bắc với 7 sản phẩm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ 2 với 5 sản phẩm của 3 tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng và Vĩnh Long.
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo |
Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Chương trình OCOP đã góp phần kết nối cung cầu, giao thương với các tỉnh thành trong khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó giúp các nhà sản xuất và nhà phân phối, tiêu thụ gặp gỡ, chia sẻ kết nối kinh doanh để mở rộng sản xuất, phát triển thị trường, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung ứng ổn định trên thị trường và những mặt hàng, đối tác tiềm năng phù hợp.
“Cùng với đó là đánh giá tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề của tỉnh Hậu Giang gắn với Chương trình OCOP; cũng như những chia sẻ về vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm của nhà lãnh đạo quản lý, những gợi ý các chuyên gia, các nhà khoa học. hiều mô hình du lịch cộng đồng của tỉnh đang thu hút du khách tham quan và trải nghiệm như: khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, vườn dâu Thiên Ân, khu trải nghiệm làm nông dân "Miệt Ngàn", Trang trại sữa dê Ngọc Đào... Từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, giúp cho du lịch cộng đồng Hậu Giang sẽ có những bước đi phù hợp và phát triển”, ông Thanh chia sẻ.
Phát triển kinh tế nông thôn bền vững
Phát biểu tại Hội thảo, bà Ngô Thị Thu Trang – giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh Nhiều cho rằng, du lịch nông thôn là xu hướng phát triển bền vững của du lịch hiện nay do Việt Nam là nước nông nghiệp, với hơn 60% dân số sống ở nông thôn cùng với truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với sản xuất nông nghiệp là chủ đạo. Thời gian qua, ở Việt Nam cũng đã có những mô hình thành công, mang lại hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội.
"Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP trong bối cảnh hiện nay là một trong những xu hướng phát triển nông thôn, góp phần gia tăng giá trị cho cộng đồng địa phương. Ở Đồng bằng Sông Cửu Long, làng văn hóa du lịch Sa Đéc (Đồng Tháp) và làng văn hóa du lịch Chợ Lách (Bến Tre) là minh họa cụ thể của mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP", bà Trang nhấn mạnh.
Các đại biểu thăm quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Hậu Giang. |
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua, một số dịch vụ du lịch cộng đồng đã được đánh giá phân hạng sao theo bộ tiêu chí, qua đó đã góp phần tuyên truyền, định vị sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng tại một số địa phương, nhằm phát triển mô hình kiểu mẫu từ đó tiến tới nhân rộng ra các địa phương khác. Nhiều công ty lữ hành khai thác hiệu quả các sản phẩm trong chương trình OCOP, đã tạo ra các tour du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn, chất lượng cao để phục vụ khách du lịch. Về phía các địa phương cũng đã tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, kết nối quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng. Các địa phương thực hiện tốt là Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Thừa Thiên Huế,...
Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí chương trình OCOP là rất cần thiết và có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số địa phương đang triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng nhưng chưa biết đến các bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng đối với bộ sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch hoặc còn lúng túng khi áp dụng bộ tiêu chí. Do đó, trong thời gian tới, các địa phương phải khắc phục tình trạng này.
“Các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển, tạo ra sự thống nhất và phù hợp giữa các cơ chế chính sách. Trước mắt, có thể sẽ thí điểm cấp giấy chứng nhận hoạt động cho các điểm, cơ sở du lịch cộng đồng để có sự quản lý, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch, dịch vụ nói riêng và nông nghiệp, nông thôn nói chung”, ông Nam nhấn mạnh.