Đầu tư Phát triển bền vững
Phát huy nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
Minh Thắng - 21/03/2023 14:43
Sáng 21/3, TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Với chủ đề Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Hội thảo khoa học cấp Thành phố được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận, trao đổi ý kiến đưa ra các luận cứ khoa học, các giải pháp giúp cho thành phố Hà Nội phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá của Thăng long - Hà Nội. Đồng thời, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Quang cảnh Hội thảo

4 nhóm vấn đề trọng tâm

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải thông tin, Ban Tổ chức đã nhận được 70 bài viết có hàm lượng khoa học cao, giàu tính thực tiễn, đa dạng về cách tiếp cận và nhìn nhận nhiều chiều về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, về các giá trị và nguồn lực văn hoá Thăng long - Hà nội. Mỗi chữ, mỗi dòng trong các bài tham luận đều tràn đầy tâm huyết, thể hiện trách nhiệm, tình yêu của các chuyên gia, các nhà khoa học đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội.

Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đề nghị đại biểu trao đổi, thảo luận tập trung để làm rõ 4 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, luận cứ khoa học về đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Vị trí, vai trò đặc biệt của văn hoá Thăng Long - Hà Nội, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó, văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát biểu đề dẫn Hội thảo

Thứ hai, nhận diện các nguồn lực văn hoá. Luận cứ khoa học và thực tiễn, các giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chuyển hoá nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn vốn văn hoá để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa và công nghiệp sáng tạo. 

Kiểm đếm, đánh giá, số hoá di sản văn hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số, hình thành nguồn tài nguyên nhân văn, để cùng với nguồn tài nguyên số là những nguồn tài nguyên của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có giá trị và quan trọng nhất cho phát triển xanh, phát triển bền vững.

Thứ ba, các giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, đặc biệt phát triển thương hiệu "Thành phố sáng tạo". Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực. 

Phát triển Hà Nội thành Thủ đô thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước, trở thành một trong những điểm đến của tri thức và sáng tạo trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện; trong đó, đặc biệt là các giải pháp về cơ chế, chính sách, về phân cấp phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước. 

Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội thảo, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hoá của Thủ đô.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong nhiều năm qua, Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ Thành phố đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh. 

Đặc biệt, thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo

Nghị quyết nhằm tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; Hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. 

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho hay, quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hóa, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa.

Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hoá, giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó, có 4 Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 114 Di tích cấp Quốc gia, 63 Di tích cấp Thành phố.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Thủ đô Hà Nội đang quyết liệt triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Với tinh thần đổi mới quyết liệt, sự vào cuộc thực sự của cả hệ thống chính trị, Thủ đô Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Đặc biệt năm 2022 vừa qua, Thành ủy đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, chỉ đạo thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và đã đạt được những kết quả nổi bật.

Trong đó phải kể đến các hoạt động như: Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11–NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó, đề ra 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp Thành phố Hà Nội cần tập trung triển khai thực hiện. 

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thăm các gian trưng bày tại Hội thảo

Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Hội thảo là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn Thủ đô để tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. 

Trên cơ sở đó, Bí thư Đinh Tiến Dũng mong muốn có sự đồng hành, tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu để tiếp tục làm rõ hơn nội hàm và giải pháp phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Đặc biệt trong năm 2023, Thành phố tập trung triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng, đó là: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

“Đây cũng là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển; Định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa ...”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. 

Ông cũng tin tưởng qua Hội thảo này, Thành phố sẽ có thêm nhiều sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có thể sánh ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.

Hội thảo Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" được thiết kế với 3 không gian chủ yếu: Không gian chính của Hội thảo tại Hội trường dành cho các đại biểu tham luận theo các nhóm vấn đề lớn, tiếp theo là phần thảo luận về nội dung liên quan. Không gian văn hóa trải nghiệm: bao gồm một số không gian văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội; không gian trưng bày một số sản phẩm nghề truyền thống tinh xảo, mang đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội; không gian trưng bày các ấn phẩm văn hóa của Thủ đô Hà Nội; đặc biệt, khu vực phía ngoài sảnh và vườn khách sạn còn trưng bày bộ sản phẩm mô phỏng Nỏ thần của An Dương Vương. Không gian văn hóa ẩm thực, giới thiệu một phần văn hóa ẩm thực của Hà Nội như Phở, bánh cuốn Thanh Trì…
Tin liên quan
Tin khác