Yêu cầu ngày càng cao về nguồn nước sạch
Nhu cầu về nguồn nước sạch và an toàn là rất cao, nhưng nguồn cung đang bị thiếu hụt trầm trọng. Báo cáo thường niên của Ngân hàng Thế giới về nước năm 2023 cho thấy nhiều khó khăn trong quản lý nguồn nước sạch. Báo cáo ghi nhận 2,2 tỷ người thiếu nước uống được quản lý an toàn, 3,5 tỷ người không được tiếp cận hệ thống vệ sinh được quản lý an toàn và 2 tỷ người không được tiếp cận các phương tiện vệ sinh tay cơ bản.
Theo dự báo, nhu cầu về nước vẫn tiếp tục tăng, trong khi năng suất sản xuất nước ở các quốc gia rất thấp, chỉ chiếm khoảng 12% tiêu chuẩn toàn cầu. Trong Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 12/2023 tổ chức tại Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Ngân hàng Thế giới dự báo, đến năm 2050, ước tính có khoảng 4 tỷ người sống ở những khu vực căng thẳng về nước và 1,6 tỷ người phải đối mặt với lũ lụt.
Cách đây 5 năm, số liệu của Liên hợp quốc năm 2019 cho thấy, ô nhiễm nước thải chưa qua xử lý là vấn đề xảy ra ở các nước, kể cả quốc gia phát triển và đang phát triển. Trong đó, khoảng 297.000 trẻ em tử vong hàng năm do các bệnh gây ra từ chất lượng nguồn nước kém và khoảng 80% nước thải trở lại môi trường mà không qua quá trình xử lý hoặc tái sử dụng.
Gần đây, thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết, khoảng 446.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy liên quan đến khả năng tiếp cận nước sạch và an toàn vệ sinh không đầy đủ. Con số này chiếm tới 9% trong số 5,8 triệu ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Ưu tiên phát triển công nghệ xử lý nước thải
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm nguồn nước là việc xử lý nước thải không hiệu quả, dẫn đến nước bị thải ra môi trường mà không trải qua quá trình khử nhiễm. Nhiều công nghệ môi trường giúp loại bỏ hiệu quả các chất ô nhiễm, đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, mang lại hiệu quả cao với năng suất bền vững. Công nghệ môi trường trong xử lý nước thải có thể được chia thành hai nhóm chính là công nghệ hóa lý và công nghệ sinh học (công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp vi sinh vật).
Theo Báo cáo Đánh giá môi trường và biến đổi khí hậu Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các quốc gia châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng, kết hợp với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm tăng tình trạng xâm nhập mặn và suy thoái nguồn nước ngọt. Bên cạnh đó, sự phát triển của các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên khắp Việt Nam, bao gồm một số lưu vực nhỏ với hàng trăm đập khiến vấn đề đa dạng sinh học nước ngọt đang bị suy giảm, nếu không có các chương trình quản lý giám sát và cải thiện phù hợp.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện cả nước có 291 khu công nghiệp, nhưng chỉ có 265 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại Việt Nam, một số nhà máy xử lý nước thải với công suất lớn có thể kể đến như: Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) công suất 270.000 m3/ngày đêm; Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) công suất 480.000 m3/ngày đêm; Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (TP.HCM) công suất 328.000 m3/ngày đêm…
Các công nghệ xử lý nước thải hiện đại có nhiều ưu điểm vượt trội so với các công nghệ truyền thống, như hiệu quả xử lý cao, chi phí thấp, thân thiện với môi trường. Có thể kể đến một số công nghệ xử lý nước thải phổ biến đang được sử dụng trên thế giới như: công nghệ xử lý nước thải công nghiệp phối hợp giữa Aerotank truyền thống và phương pháp sinh học hiếu khí - Moving Bed Biofilm Reactor (MBBR), công nghệ xử lý nước thải hữu cơ Anaerobic Anoxic Aerobic (AAO), công nghệ màng lọc sinh học - Membrane bioreactors (MBR), công nghệ xử lý chất thải lỏng - Sequencing batch reactor (SBR)…